Nguy cơ hết khí đốt trong 3 tháng, châu Âu cân nhắc nhiều biện pháp tiết kiệm điện
Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, đồng nghĩa cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tiếp diễn.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chính phủ châu Âu đã cân nhắc nhiều biện pháp để tiết kiệm điện, khi lượng khí đốt chỉ còn đủ dùng trong 3 tháng tới.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt chính Dòng chảy phương Bắc 1 của Moscow chiếm 1/3 tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu thông qua Đức đang ở mức 20% công suất kể từ ngày 27/7, chỉ cung cấp 33 triệu mét khối mỗi ngày. Ngay cả khi các bể chứa khí đốt có thể được lấp đầy, thì con số này cũng đủ cho các nước châu Âu sử dụng nhiều nhất là 3 tháng.
Thậm chí ở các nền kinh tế lớn như Đức, nơi sử dụng khí đốt công nghiệp và tiêu thụ hộ gia đình cao hơn các nước khác, lượng khí đốt có thể chỉ đảm bảo trong thời gian ít hơn.
Một trong những cây cầu dây văng nhiều nhịp dài nhất thế giới ở Hy Lạp đã tắt 800 trong tổng số 1.500 đèn trang trí để tiết kiệm 50 MWh năng lượng mỗi năm, tương đương 7% trong tổng số 52% năng lượng mà hệ thống chiếu sáng trên cầu tiêu thụ.
Ông Panayiotis Papanikolas - Giám đốc điều hành Công ty chiếu sáng Gefyra SA, Hy Lạp cho biết: "Những đèn được bật còn lại nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Chúng tôi cũng sẽ thay thế những bóng đèn truyền thống bằng đèn LED tại các tòa nhà công cộng trong thời gian tới".
Tại Pháp, Thị trưởng Paris cho biết hệ thống chiếu sáng của tháp Eiffel sẽ được tắt vào lúc 23h45 mỗi ngày, thay vì đến 1h sáng như mọi khi, bắt đầu từ ngày 21/9, điều này có nghĩa là giảm 4% điện năng tiêu thụ của địa điểm này. Kể từ 23/9, ánh sáng tại các tòa nhà công cộng của Paris sẽ được tắt lúc 22 giờ trong khi nhiệt độ nước trong các hồ bơi và hệ thống sưởi trong tòa nhà công cộng đều sẽ giảm thêm 1 độ C. Giảm nhiệt độ bể bơi cũng là cách thành phố Amsterdam, Hà Lan áp dụng để tiết kiệm năng lượng.
Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng buộc áp dụng ngay các biện pháp tiết kiệm. Như thành phố Hannover, Đức đã dừng dịch vụ cung cấp nước nóng cho việc rửa tay ở các toà nhà công cộng. Vùng Lombardy, Italy đã công bố tình trạng khẩn cấp và dừng hoạt động 50 đài phun nước ở Milan.
Ngày 10/9, Công ty vận hành mạng lưới điện bang California đã khuyến nghị người dân tiết kiệm điện trong ngày thứ 10 liên tiếp.