Nguồn thu phí cảng biển sẽ đầu tư những tuyến đường nào?
TP HCMVới 16.000 tỷ đồng từ phí hạ tầng cảng biển, các dự án Vành đai 2, nút giao Mỹ Thuỷ, mở rộng đường Nguyễn Thị Định... sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.
Từ 0h ngày 1/4, TP HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).
Tính toán của Sở Giao thông Vận tải đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng. Đây là một phần trong kế hoạch bổ sung vốn đầu tư những tuyến đường kết nối các cảng bị chậm trễ nhiều năm do thiếu nguồn lực.
Ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết giải pháp trên được xem như "đặc thù" nhằm sớm hoàn thành các công trình, giảm áp lực giao thông quanh cảng biển. Thay vì hoà chung vào ngân sách rồi phân bổ đều, nguồn phí hạ tầng cảng biển được bố trí riêng để làm các công trình hạ tầng kết nối cảng, không đầu tư qua các lĩnh vực khác. Trước mắt, đến năm 2025 có 14 dự án được thành phố ưu tiên bố trí vốn từ nguồn này .
"Nguồn thu 16.000 tỷ đồng chỉ đáp ứng 17% tổng nhu cầu vốn làm các dự án trên, nhưng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình cấp thiết", ông An nói và cho biết việc đầu tư không làm dàn trải mà đánh giá theo mức độ ưu tiên để triển khai, xong dự án này mới chuyển qua công trình khác.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố, hiện nguồn thu mới trong tính toán nên khi xác định cụ thể hơn, đơn vị này mới đề xuất làm từng dự án cũng như kế hoạch phân bổ vốn. Trong đó, các công trình quanh cảng Cát Lái (chiếm gần 50% thị phần xuất nhập khẩu container toàn quốc) sẽ là ưu tiên hàng đầu của đề án thu phí do yêu cầu cấp bách.
Cụ thể tại khu vực quanh cảng Cát Lái, đường Nguyễn Thị Định mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt xe ra vào cảng sẽ được mở rộng 8 làn xe đoạn từ Mỹ Thuỷ đến phà Cát Lái, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh nút giao vòng xoay Mỹ Thuỷ , với các hạng mục còn lại như cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái về cầu Phú Mỹ; xây cầu Kỳ Hà 4...
Gần đó, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu cũng được mở rộng lên 30 m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6 km, rộng 30 m, tổng mức đầu tư gần 950 tỷ đồng...
Cũng theo ông An, giai đoạn đến năm 2025, thành phố ưu tiên vốn đầu tư hai đoạn Vành đai 2 qua TP Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,5 km) và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8 km), với tổng kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ. Ngoài tăng năng lực khai thác hàng hóa cho các cảng, trục đường này giúp phân luồng, giảm ùn tắc cho nội đô.
Tại khu vực cảng Sài Gòn (quận 4), dự án cầu Thủ Thiêm 4 cũng trong kế hoạch được ưu tiên triển khai để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư - Nguyễn Văn Linh. Ngoài ra còn các công trình mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận (quận 7) với đường Nguyễn Văn Linh; nghiên cứu bổ sung tuyến ven sông để kết nối giữa các bến cảng dọc sông Soài Rạp...
"Hầu hết dự án trên được quy hoạch hoàn thành từ năm 2020 nhưng hiện vẫn dang dở hoặc chưa thể triển khai do thiếu vốn. Do vậy việc đầu tư các công trình sớm sẽ giúp doanh nghiệp giảm khó khăn, giảm chi phí logistics", ông An nói.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố, khi tình hình giao thông tốt lên, thời gian chở hàng rút ngắn, các đơn vị vận tải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi nhiều hơn. Việc thu phí hạ tầng cảng biển cũng giúp phân luồng hàng hóa, chia sẻ với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng của TP HCM.
Trước mắt, khi các công trình trên chưa được đầu tư, thành phố đang áp dụng một số giải pháp như phân luồng giao thông, điều chỉnh giờ cho xe chạy, rút ngắn thủ tục thông quan... giảm ùn tắc. Thành phố cũng phải "khống chế" năng lực khai thác ở cảng. Như tại Cát Lái có thể đáp ứng 85 chuyến tàu cập bến mỗi tuần, song chỉ cho tiếp nhận 81 chuyến. Các cảng Phú Hữu, Hiệp Phước hiện chỉ khai thác khoảng 50% năng lực do hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh.
Gia Minh