Nguồn thu liên tục sụt giảm, các bệnh viện TP. Hồ Chí Minh đề nghị gỡ vướng

Chia sẻ Facebook
09/10/2022 07:23:25

Nguồn thu của các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh liên tục sụt giảm so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra.


Đây là thông tin được Sở Y tế báo cáo tại buổi khảo sát "Việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1/1/2020 - 30/6/2022" của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh ngày 7/10.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 78 đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế được giao tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Trong đó, có 50 bệnh viện công lập thực hiện cơ chế tự chủ gồm: 45 bệnh viện tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên (26 bệnh viện tuyến thành phố, 19 bệnh viện tuyến quận/huyện), 3 bệnh viện tuyến thành phố tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), 2 bệnh viện tuyến thành phố do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ (Bệnh viện Nhân Ái, Khu Điều trị Phong).


Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu của các cơ sở y tế trên địa bàn chỉ đạt 28.541 tỷ đồng, giảm 9% so với số thu năm 2019. Năm 2021, tổng số thu của các bệnh viện là 19.676 tỷ đồng, giảm 28% so với số thu năm 2020, giảm 35% so với số thu năm 2019. 6 tháng đầu năm 2022, nguồn thu của các bệnh viện vẫn bị giảm sút nhiều so với cùng kỳ trước dịch. Cụ thể: Tổng thu đạt 12.400 tỷ đồng, giảm 20% so với số thu năm 2019. Nhiều bệnh viện không cân đối được nguồn tài chính (chênh lệch thu, chi nhỏ hơn 0).

Lý giải về nguyên nhân khiến cho các bệnh viện tự chủ tài chính gặp khó khăn, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nêu rõ: Giá thu khám bệnh, chữa bệnh chưa được kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí. Trong khi đó, nguồn thu từ khám, chữa bệnh chiếm 45%-50% tổng nguồn thu; vì vậy nguồn thu này càng lớn thì bệnh viện càng thiếu hụt kinh phí hoạt động.

Mặt khác, nguồn thu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thành phố là khoảng 12.000 tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 38% - 40% tổng nguồn thu của ngành Y tế thành phố). Tuy nhiên, nguồn thu từ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thường bị chậm thanh, quyết toán; bị xuất toán chi phí mà không biết rõ lý do hoặc lý do chưa phù hợp, không được thanh toán do vượt tổng mức thanh toán.

Do đó, các bệnh viện không được thanh toán đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh đã thực chi cho người bệnh. Năm 2021, các bệnh viện trên địa bàn thành phố vượt tổng mức 423 tỷ đồng. Điều này dẫn đến công nợ của các bệnh viện với các công ty cung ứng thuốc, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị… kéo dài.

Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc và vật tư y tế, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hiện nay, mỗi năm, một bệnh viện mất từ 4 - 6 tháng để đấu thầu, rất tốn thời gian và con người. Do đó, cần kéo dài thời gian đấu thầu hàng năm thành 2 năm đấu thầu 1 lần; bởi vì 2 năm chênh lệch giá không quá nhiều, trừ khi có dịch bệnh. Bác sĩ Trần Văn Khanh cũng đề xuất, cần xem xét giao cho các tỉnh đàm phán một số thuốc để rút ngắn thời gian; thậm chí cho một số bệnh viện đủ lực tham gia đàm phán giá.

Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, hiện các bệnh viện tốn rất nhiều công sức trong đấu thầu mua thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị. Trong khi đó, cán bộ y tế là những người có chuyên môn y tế, không có chuyên môn kinh tế nên trong việc đấu thầu dễ dẫn đến sai sót, sai phạm.

Kết luận buổi khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tự chủ tài chính bệnh viện trong những năm qua đã có những tác động lớn đến hoạt động của các bệnh viện công lập, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, các văn bản quy định khi ban hành chưa tính đến các yếu tố dịch bệnh, sự cố bất ngờ… nên khi dịch COVID-19 xảy ra, các bệnh viện tự chủ rơi vào tình trạng khó khăn. Do ngành Y tế có những đặc thù riêng, liên quan đến cả bảo hiểm y tế, thuế…. nên vấn đề tự chủ cũng bị hạn chế, bó hẹp hơn.

Sau khi khảo sát tại các cơ sở y tế, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận các ý kiến kiến nghị về sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế tự chủ tài chính, công tác mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công lập… Những vấn đề này sẽ được Đoàn báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương cùng xem xét, tháo gỡ.

Chia sẻ Facebook