Nguồn khách du lịch tiềm năng nhất và những dự báo

Chia sẻ Facebook
01/08/2022 14:34:58

Tháng 7 Việt Nam đón trên 88.300 lượt khách Hàn Quốc, gấp 1,7 lần so với tháng 6 (51.300 lượt) và gấp hơn 3 lần con số của tháng 5 (27.800 lượt).


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm đã có trên 196.000 lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng lượng khách quốc tế đến (954.500 lượt). Đáng chú ý, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong tháng 7 nhiều hơn cả 2 tháng trước đó cộng lại. Cụ thể, tháng 7 Việt Nam đón trên 88.300 lượt khách Hàn Quốc, gấp 1,7 lần so với tháng 6 (51.300 lượt) và gấp hơn 3 lần con số của tháng 5 (27.800 lượt).


Các doanh nghiệp đón khách Hàn Quốc vào Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng của dòng khách này thời gian gần đây, đồng thời cho biết Đà Nẵng vẫn là điểm đến ưa thích hàng đầu của khách Hàn Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự báo lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam vào tháng 8 có thể giảm, do Hàn Quốc vừa thắt chặt một số quy định về phòng chống dịch Covid-19.


Mùa du lịch cao điểm của khách Hàn Quốc đang đến gần (khoảng tháng 10 đến tháng 2 năm sau), vì vậy các địa phương tại Việt Nam cần sớm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để đón đầu thu hút thị trường quan trọng này.


"Khách Hàn Quốc yêu thích Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế; sau đó là khu vực miền Bắc như Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình; còn số ít đi Nha Trang - Đà Lạt. Ngoài ra Phú Quốc cũng là điểm đến thu hút khách Hàn Quốc", bà Phạm Tuyết, đại diện một doanh nghiệp chuyên đón khách Hàn Quốc vào Việt Nam cho biết.

Năm 2019, Hàn Quốc là nguồn khách lớn thứ 2 của Việt Nam. Ảnh: VOV.


Theo nhận định của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), nếu Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi để hấp dẫn khách Hàn Quốc thì có nhiều cơ hội phục hồi thị trường này, vì Trung Quốc và Nhật Bản (2 thị trường outbound chính của khách Hàn Quốc) chưa thực sự mở cửa và còn châu Âu thì ở xa. Việt Nam cũng đã là điểm đến quen thuộc của khách Hàn Quốc từ nhiều năm nay. Năm 2019, Hàn Quốc là nguồn khách lớn thứ 2 của Việt Nam với gần 4,3 triệu lượt khách, chiếm khoảng 23,8 % lượng khách quốc tế đến.


Theo thông tin từ VOV, một công bố gần đây của nền tảng Agoda cho thấy Việt Nam trong top 5 điểm đến ưa thích của người Hàn Quốc cho mùa hè năm nay, cùng với Thái Lan, Mỹ, Philippines, Pháp. "Việt Nam dẫn đầu danh sách điểm đến thu hút khách Hàn Quốc nhất. Ngoài sự hấp dẫn của những bãi biển hè trong xanh tuyệt đẹp, sự thân thiện hiếu khách của người Việt Nam, thì việc người Hàn Quốc quay lại Việt Nam làm việc sau thời gian giãn cách cũng là một trong những lý do đưa Việt Nam lên đầu bảng" – báo cáo xu hướng du lịch hè 2022 của Agoda cho biết.


Năm 2019, Hàn Quốc là thị trường nguồn lớn thứ 3 tại châu Á – Thái Bình Dương với 28,7 triệu người đi du lịch nước ngoài. Các chuyên gia tại GlobalData dự báo du lịch outbound Hàn Quốc có thể vượt mức trước đại dịch vào năm 2024. Hiện nay, khách Hàn Quốc vẫn ưu tiên các quốc gia lân cận trong khu vực, do sự gần gũi và phù hợp với khả năng chi trả.


Phía GlobalData gợi ý, du khách Hàn Quốc có xu hướng sự quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm ẩm thực trong chuyến du lịch. Theo khảo sát gần đây của GlobalData, 39% khách Hàn Quốc được hỏi cho biết yếu tố ẩm thực ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến. Ngoài ra tỉ lệ khách Hàn Quốc chọn các tour ẩm thực là 44%, so với mức trung bình trên thế giới chỉ 26% .


Tiếp tục thu hút khách quốc tế


Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp lữ hành.


Theo báo Đảng Cộng Sản, một số doanh nghiệp cho rằng, khi đón khách quốc tế, doanh nghiệp của họ thường mắc phải một số khó khăn như visa ngắn ngày (hiện đang là 15 ngày, nhưng thực tế, nhiều đoàn khách muốn lưu trú ở Việt Nam lâu hơn), thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách du lịch quốc tế còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp du lịch mong muốn thời gian tới Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày, thay bằng 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan…; kéo dài miễn thị thực cho thị trường châu Âu, miễn visa cho các nước: Australia, NewZealand, Canada, tạo thuận lợi lấy visa Mỹ, Bắc Mỹ. Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục.


Bên cạnh đó, cần tăng cường khai thác thêm các đường bay mới, khôi phục đường bay đã có, tăng tần suất chuyến bay tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường không. Giảm giá vé các phương tiện di chuyển đường bộ, đường sắt, đặc biệt là hàng không trong nước và quốc tế.


Hiện tại, một số quốc gia là thị trường nguồn khách lớn như Trung Quốc vẫn đang đóng cửa, hay Hàn Quốc, Nhật Bản còn áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, test Covid-19 phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phục hồi du lịch quốc tế. Vì thế trước mắt, Việt Nam cần tích cực quảng bá thông tin Việt Nam đã mở cửa thông qua hình thức trực tuyến/trực tiếp và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón lượng lớn khách từ 3 nước Đông Bắc Á khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và khách Hàn Quốc, Nhật Bản sẵn sàng đi du lịch.


Theo các nhà quản lý, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của từ Nhà nước, còn đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách.


Hương Anh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook