Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dinh-mua-khong-thay-do-ngay-3-ngay-sau-nguoi-phu-n...

Chia sẻ Facebook
26/08/2022 12:50:30

Việc đi mưa bị ướt nếu không được thay bằng quần áo khô, rửa và vệ sinh đúng cách sẽ gây nên nhiều hệ lụy với sức khỏe, nhất là vấn đề viêm nhiễm da, bệnh vùng kín.


Ẩm ướt làm tăng nguy cơ viêm và nấm vùng kín chị em

Việc bị những cơn mưa bất chợt dội xuống khiến nhiều chị em phải đến nơi làm việc trong tình trạng ướt át, các chuyên gia cảnh báo việc mặc đồ ẩm ướt sẽ để lại hậu quả rất lớn đặc biệt là dễ mắc bệnh về da và phụ khoa.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Phụ trách phòng khám Sản phụ khoa (Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà) cho biết, vùng kín của chị em ngay cả khi khô ráo cũng luôn có nguy cơ bị viêm nhiễm. Do vậy, việc mặc quần áo ẩm hay đi mưa bị ẩm ướt mà không được thay ra kịp thời thì nguy cơ viêm nhiễm sẽ tăng cao hơn nhiều lần.

Việc bị mưa ướt không thay đồ nguy cơ mắc bệnh phụ khoa là rất lớn. (Ảnh minh họa)

Thực tế, đã có trường hợp phải đi khám phụ khoa do bị ngứa “điên đảo” vì mặc đồ ướt. Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Hương Lan (35 tuổi), nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Tại phòng khám, chị Lan cho biết, mấy ngày gần đây, chị ra nhiều khí hư màu trắng, mùi hôi, đặc biệt là cảm giác ngứa như muốn phát điên ở vùng tam giác, thậm chí đôi khi còn lan ra cả khu bẹn. Khi bác sĩ hỏi về thói quen vệ sinh, mặc và giặt đồ lót, chị Lan kể mình thay rửa hằng ngày và thường giặt tay riêng đồ nhỏ. Tuy nhiên, đúng là trước  đó vài hôm, chị đã phải mặc đồ ướt một buổi.

Theo chị chia sẻ, do đi làm bị mưa lớn, kèm gió to tạt nên dù mặc áo mưa nhưng chị vẫn bị ướt, nhất là đoạn từ thắt lưng xuống đến chân. Dù vậy, nhưng do nhà xa, giờ giấc làm việc nghiêm ngặt, lại không mang đồ thay, chị chấp nhận sấy qua quần ngoài rồi mặc đồ ẩm bên trong ngồi làm việc.

Qua khám lâm sàng, bác sĩ Dung đã cho làm xét nghiệm và kết quả cho thấy, nữ bệnh nhân bị nấm âm đạo và được chỉ định điều trị ngoại trú bằng thuốc theo kê đơn. “Trường hợp này có thể đã nhiễm nấm từ trước nhưng có thể ở mức độ nhẹ, tuy nhiên sau những ngày bị mưa, mặc quần ẩm ướt như vậy khiến nấm phát triển mạnh và gây ngứa dữ dội”, bác sĩ Dung nhận định.

Theo bác sĩ Dung, thời tiết mưa nhiều là thời điểm rất thích hợp để các vi sinh vật, nấm và vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, âm đạo là khu vực nhạy cảm, rất dễ bị viêm nhiễm, trường hợp mặc đồ chưa khô, nhất là đồ lót thì việc bị viêm nhiễm là khó tránh khỏi.

BS Dung cho biết, khi có triệu chứng ngứa, ra khí hư âm đạo cần đi khám sớm.

Các triệu chứng chủ yếu khi bị viêm nhiễm vùng kín, đặc biệt là những trường hợp do môi trường âm đạo bị tác động bởi sự ẩm ướt là ngứa ngáy, nặng hơn có thể sẽ ra khí hư, bốc mùi khó chịu như cá thối… Do đó, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu ngứa, chị em cần đi khám để được chữa bệnh kịp thời.

Bác sĩ Dung còn lưu ý với những chị em đang trong ngày đèn đỏ thì cần chú ý kỹ bảo vệ vùng nhạy cảm kỹ hơn trước tình trạng dính mưa, ẩm ướt. Trong trường hợp bị mưa ướt, tốt nhất nên quay về thay, vệ sinh vùng kín, tuyệt đối không mặc đồ ẩm ướt lâu bởi nguy cơ viêm nhiễm sau đó rất cao.

Để đề phòng, bác sĩ Dung khuyên chị em nên trang bị đồ đi mưa trước khi di chuyển, nếu có dấu hiệu mưa lớn mà phải ra đường có thể chuẩn bị sẵn một bộ quần áo dự phòng. Ngoài ra, trong quá trình sinh hoạt cũng nên giữ vùng kín khô thoáng, đặc biệt đồ lót phải luôn được giặt sạch, phơi khô. Trước mỗi khi mặc có thể sấy khô nóng lại vùng đũng quần.

"Trong mùa mưa này, tốt nhất, chị em nên luôn thủ sẵn một bộ quần áo khô (gồm cả quần lót) ở chỗ làm, nếu bị ướt có thể thay ngay, vừa tránh các bệnh do ẩm ướt, vừa không mất thẩm mỹ", bác sĩ khuyên.


Ngoài vùng kín, da cũng rất dễ bị tổn thương

BS Nguyễn Thùy Linh (Phó Trưởng khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, việc cơ thể bị mưa ướt không được thay rửa, vệ sinh đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ bị viêm da tiếp xúc là rất cao.

Theo bác sĩ Linh, khi mưa lớn gây ngập vào giờ đi học, đi làm và không làm sạch được vùng da tiếp xúc nước, khi đến cơ quan không có quần áo để thay sẽ tạo nên sự ẩm ướt. Điều này có thể tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Vùng bàn chân rất dễ bị nấm khi dính ngâm trong nước bẩn. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Linh cảnh báo, khi bị mưa ướt thì vùng da bàn chân là dễ bị viêm nhiễm nhất. Đặc biệt nhưng người mang giày bít, vớ bằng len bị ướt, ẩm dẫn đến xuất hiện nấm ở kẽ bàn chân. Dầm mưa cũng gây nhiễm trùng bội nhiễm trên người có sẵn các bệnh lý như chàm, bàn chân đái tháo đường, viêm mạch hoại tử ở chân.

Bác sĩ Linh khuyến cáo, trường hợp bị mưa ướt việc đầu tiên cần làm là rửa sạch ngay vùng da vừa mới ngâm nước. Thứ 2 là nên thay quần áo, giày, dép, tất mới và khô.

Trước khi đi giày dép, hãy lau thật khô bàn chân của mình. Bạn nên làm sạch, vệ sinh bằng nước và xà phòng thông thường hay sử dụng. Bên cạnh đó, nếu xuất hiện các bất thường trên da, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời để sớm ngăn chặn bệnh tiến triển.


Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dinh-mua-khong-thay-do-ngay-3-ngay-sau-nguoi-phu-n... Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dinh-mua-khong-thay-do-ngay-3-ngay-sau-nguoi-phu-nu-ngua-dien-dao-ra-khi-hu-bs-canh-bao-dieu-nay-a574533.html

"Vùng kín" của chị em rất nhạy cảm và dễ mắc bệnh, ăn những thực phẩm dưới đây có thể giúp bảo vệ khu vực này khỏi những tác nhân gây bệnh, chẳng hạn...

Theo LÊ PHƯƠNG. (Người đưa tin)

Chia sẻ Facebook