Nguồn gốc và ý nghĩa của tục mừng tuổi ngày tết
Thời cổ đại, người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ mang hàm ý cát tường trấn áp tai họa, truyền cho trẻ tâm ý bảo vệ "bình an vượt qua một tuổi".
Thời điểm mừng năm mới, mọi người thường chuẩn bị những phong bao lì xì để tặng cho người già và trẻ nhỏ. Ngày nay, phong tục này cũng có nhiều biến đổi nhưng vào thời cổ đại, nó mang hàm ý cát tường trấn áp tai họa. Người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ chính là truyền cho trẻ một tâm ý bảo vệ “bình an vượt qua một tuổi”.
Thời cổ đại, cứ sau bữa cơm chiều cuối năm, người lớn trong gia đình sẽ đem tiền mừng tuổi đựng trong bao màu đỏ đã chuẩn bị sẵn tặng cho con cháu. Dụng ý lúc ban đầu của mừng tuổi tiền là để trấn ác khu tà.
Người xưa tin rằng những lúc giao thời, chuyển đổi trạng thái thì thường thường âm dương không ổn định, dễ xuất hiện ma quỷ hại người. Dịp giao thừa là một bước chuyển lớn từ năm cũ sang năm mới lại càng như thế. Do đó từ xưa đã có rất nhiều tục lệ dùng để đuổi tà, trấn áp những thứ xấu tệ. Ví như tục đốt pháo, cắm cây nêu, v.v., và lì xì tiền mừng tuổi cũng lại như thế.
Đêm 30 Tết, người lớn bọc tám đồng tiền vào trong giấy đỏ, dùng tám đồng tiền tượng trưng cho sự bảo hộ của Bát Tiên, âm thầm xua đuổi âm quỷ, bảo vệ trẻ nhỏ. Người ta gọi số tiền này là “Áp Túy tiền” , nghĩa là tiền áp chế một loại tiểu yêu.
Áp Túy tiền xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Hán, còn được gọi là “Áp thắng tiền” . Nhưng loại tiền này không phải là tiền lưu thông trên thị trường mà là một sản phẩm được chế tác thành các hình dạng để đeo cổ hay để ngắm. Trên mặt đồng tiền này thường được khắc những chữ tốt lành như “Thiên hạ thái bình”, “Khứ ương trừ hung” … Mặt sau đồng tiền thường có các hoa văn rồng phượng, rùa, cá…
Vào thời nhà Đường, trong cung đình có phong tục tặng tiền năm mới, nhưng dân gian không có tục lệ này. Sau thời nhà Tống và nhà Nguyên, phong tục lì xì tiền trong dịp Tết đã phát triển thành tập tục “Áp túy tiền” . Ý nghĩa quan trọng của việc mừng tuổi này vẫn là cho trẻ một tấm bùa hộ mệnh để tránh tà.
Còn một loại mừng khác là con cháu tặng tiền cho người lớn trong gia đình với ý nghĩa cầu mong ông bà cha mẹ được trường thọ. Số tiền mừng tuổi mà con cháu tặng cho người lớn trong nhà cũng có một số quan niệm. Ví dụ, số tiền sẽ kiêng kỵ số 4 vì số 4 có âm giống chữ “tử” (chết). Thông thường số tiền sẽ theo một số con số may mắn như số 8 và số 6. Bởi vì số 8 có âm gần giống chữ “phát” , mang ý cát tường may mắn. Số 6 mang ý chúc phúc, thuận lợi.
Sau khi tiền tệ được đổi thành tiền giấy, người lớn tuổi thích sử dụng tiền mới có số liên tiếp làm tiền mừng tuổi, ý nghĩa là liên tục gặp may.
Ngày nay người lớn không hiểu được ý nghĩa ban đầu của việc mừng tuổi trẻ. Trẻ con cũng mang tâm lý muốn được lì xì nhiều hơn, chưa có ý thức biết ơn, cũng không biết tiết kiệm.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Đầu năm mới cầu gì khi đi lễ chùa?
Mời xem video :