Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục treo câu đối dịp năm mới
Đốt pháo và treo câu đối là những cảnh tượng thường thấy vào những ngày đầu năm mới, cũng là những phong tục dân gian trong văn hóa...
Đốt pháo và treo câu đối xuân là những cảnh tượng thường thấy vào những ngày đầu năm mới hoàng lịch, cũng là những phong tục dân gian trong văn hóa truyền thống xuyên suốt hàng ngàn năm. Nó thể hiện nguyện vọng tốt đẹp “nghênh tân nạp phúc” của con người thế gian.
Thi nhân triều Tống, Vương An Thạch, từng viết trong bài “Nguyên nhật” rằng: “Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ. Xuân phong tống noãn nhập đồ tô” (Tiếng pháo tre nổ vang một năm đã hết. Gió Xuân đưa hơi ấm đến trong đó có mùi rượu). Chỉ với hai câu thơ, Vương An Thạch đã miêu tả rõ nét tình cảnh sinh động trong lễ mừng năm mới của mọi người, ngoài tiếng pháo nổ vang ra thì treo câu đối xuân cũng là một phong tục không thể thiếu.
Treo hay dán câu đối vào dịp năm mới là phong tục có từ rất lâu đời của người xưa. Khi năm mới sắp đến, nhà nhà đều dán câu đối mới. Trong tiếng pháo nổ, câu đối xuân được dán trên cửa sẽ tô thêm không khí rộn ràng.
Về nguồn gốc của phong tục này có một truyền thuyết. Theo đó, trên núi Độ Sóc ở Đông Hải có một cây đào lớn, cành nhánh uốn cong, lá tươi tốt um tùm, vươn dài đến ba ngàn dặm. Trên cây có hai vị Thần tiên sinh sống, Thần Đồ và Uất Lũy. Hai vị Thần này chuyên trừ tà đuổi quỷ, bảo hộ bình an.
Hễ gặp phải ác quỷ nào vô cớ gây hoạ hại cho con người thì hai vị Thần sẽ dùng dây bện bằng sậy quất quỷ, sau đó là trói quỷ lại đem đi. Về sau, mỗi khi gặp lúc trừ tịch năm cũ, mọi người liền khắc hình Thần Đồ và Uất Lũy lên hai khối gỗ đào treo trên cửa để xua đuổi quỷ, tị tà tiêu tai. Đây được gọi là “bùa đào”.
Tới thời Ngũ Đại Thập Quốc, Hoàng đế nhà Hậu Thục là Mạnh Sưởng cho rằng chỉ có hình vẽ trên bùa đào thì quá đơn điệu nên đã đề thêm một câu đối: “Tân niên nạp dư khánh, giai tiết hào trường xuân”. Điều này đã mở ra phong tục câu đối vào năm mới. Sau này, khi giấy xuất hiện, người ta viết câu đối lên giấy thay cho tấm bùa đào vừa dày vừa nặng.
Phong tục dán câu đối chính thức được tính là bắt đầu vào thời nhà Minh. Theo “Trâm vân lâu tạp thoại” ghi chép lại, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương quy định vô luận là công khanh hay sĩ thứ đều phải dán một bộ câu đối dịp năm mới, hơn nữa Hoàng đế sẽ đích thân kiểm tra. Thế là ngõ lớn ngõ nhỏ, khắp nhà đều có dán câu đối. Qua đề xướng của Chu Nguyên Chương, dán câu đối vào năm mới đã dần đi vào đời sống của người bình dân và trở thành một nét văn hóa độc đáo.
Đến thời nhà Thanh, viết và dán câu đối phát triển đạt đến cực đỉnh. Từ hoàng cung, quan viên, đến nhà của dân chúng bình thường, cứ từ 20 tháng Chạp trở ra là nhà nhà lại viết và dán câu đối.
Câu đối dịp năm mới thông thường đều chứa đựng ý tứ thâm sâu, vế đối tinh tế, âm vị hài hòa. Chỉ vẻn vẹn hơn chục chữ nhưng có thể truyền tải một loại cảm xúc khó tả, lại kết hợp với nghệ thuật thư pháp thì càng hiển lộ ra phong cách sống tao nhã, thanh lịch cổ xưa.
Nội dung của câu đối truyền thống thông thường được chia làm một vài loại như:
T iễn cái cũ đón cái mới, hướng tới tương lai: “Ngọc thỏ nghênh xuân, kim hổ từ tuế”, “Nhất nguyên phục thủy, vạn tượng canh tân”, “Đông phong xuy xuất thiên sơn lục, xuân vũ sái lai vạn tượng tân”, “Bạo trúc thanh trung từ cựu tuế, mai hoa hương lí báo tân xuân”.
Có câu đối mang ý nghĩa cầu phúc lộc bình an như : “Lục súc hưng vượng, ngũ cốc phong đăng”, “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ, xuân mãn kiền khôn phúc mãn môn”.
Lại có loại dùng để khẩn cầu tài phú, như “Xuân phong nhập hỉ tài nhập hộ, tuế nguyệt canh tân phúc mãn môn”, “Sinh ý hưng long thông tứ hải, tài nguyên mậu thịnh đạt tam giang” …
Ngoài ra còn một loại câu đối cũng rất phổ biến chính là khuyên con người khuyến thiện, kính Phật, như: “Phật ân hạo đãng kiền khôn chính, biến sáp tân liên thiên đích hương”, “Kính thiên trọng đức cát tường như ý, tu tâm hướng thiện phúc thọ an khang” … Những câu đối chứa đựng thâm ý này nhắc nhở mọi người phải quý trọng thiên duyên và phúc âm, đồng thời cũng ngụ ý một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi.
Có thể thấy, nguồn gốc của câu đối dịp năm mới đến từ những câu chuyện Thần thoại và truyền thuyết cổ xưa, tràn ngập màu sắc thần kỳ huyền diệu, chứa đựng tính thơ ca và mỗi một từ đều giống như châu như ngọc, nội hàm vô cùng phong phú. Câu đối kết hợp với vẻ đẹp tao nhã cổ điển của thư pháp đã trở thành trân bảo trong văn hóa truyền thống của người xưa, cũng được rất nhiều người ngày nay yêu thích.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xuân về bên chùa Thiên Mụ và lòng kính ngưỡng Thần
Mời xem video :