Nguồn gốc cách nói “miệng mật bụng gươm”

Chia sẻ Facebook
29/03/2023 14:28:19

Thành ngữ cổ có câu: “Khẩu mật phúc kiếm”, miệng mật bụng gươm, miệng nam mô bụng bồ dao găm. Có một số người tính cách gian xảo, miệng nói những lời ngọt ngào như mật khiến người khác thấy êm tai dễ nghe, nhưng trong lòng lại có mưu toan ngấm ngầm hại người khác. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ cuốn “Tư trị thông giám”.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Hồng Thụ thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Vào triều Đường, thời Hoàng đế Đường Huyền Tông, Tể tướng Lý Lâm Phủ rất giảo hoạt, giỏi siểm mị xu nịnh. Ông ta luôn nhìn sắc mặt của Hoàng đế mà làm việc để được sủng ái và tín nhiệm. Không chỉ thế, đối với các hoạn quan tâm phúc và sủng phi được Hoàng đế yêu quý, Lý Lâm Phủ cũng thường tìm cách khoe mẽ, dùng lợi ích để dẫn dụ họ. Lý Lâm Phủ dựa vào điều này mà ở vào địa vị Tể tướng đến 19 năm.

Bình thường, Lý Lâm Phủ tiếp xúc với mọi người luôn giả vờ thể hiện thái độ cung kính, bình dị dễ gần, nhưng trên thực tế ông ta lại có thủ đoạn cay độc. Có những người bị vẻ ngoài của ông ta đánh lừa nên đã tâm sự ra những lời trong tâm. Lý Lâm Phủ liền lợi dụng, biến nó thành nhược điểm của họ để tiến hành hãm hại sau lưng.

Lý Lâm Phủ kết giao với những người có quyền thế tạo thành bè đảng, làm mạnh thế lực của mình. Phàm là người có tài học, có kiến thức, ông ta luôn đố kỵ. Nếu vị quan đó có công lớn vượt qua ông ta, được Hoàng đế trọng dụng, địa vị có thể uy hiếp đến ông ta thì ông ta nhất định sẽ tìm trăm phương ngàn kế để diệt trừ.

Để nắm bắt lời nói và việc làm của Hoàng đế Đường Huyền Tông, Lý Lâm Phủ dùng vàng ngọc lụa là mua chuộc hoạn quan và phi tần của Hoàng đế. Nhờ đó, hễ Hoàng đế Đường Huyền Tông có tin tức gì thì ông ta lập tức biết được ngay.

Có một lần, Lý Lâm Phủ nghe nói Hoàng đế Đường Huyền Tông rất trọng dụng Binh bộ thị lang Lô Tuân, ông ta bèn lập tức điều Lô Tuân ra bên ngoài. Chẳng bao lâu, ông ta còn giáng chức Lô Tuân, nhưng lại nói với Hoàng đế Đường Huyền Tông là Lô Tuân có bệnh, không thể trọng dụng.

Lại một lần khác, Lý Lâm Phủ nghe nói Đường Huyền Tông muốn trọng dụng Nghiêm Đĩnh Chi, người đang làm quan Thái tử chiêm sự lúc bấy giờ. Lý Lâm Phủ liền mời Nghiêm Đĩnh Chi đến kinh thành khám bệnh. Sau đó, ông ta nói với Hoàng đế Đường Huyền Tông rằng Nghiêm Đĩnh Chi tuổi già sức yếu, lại đang có bệnh cần được chạy chữa. Hoàng đế Đường Huyền Tông đành thở dài tiếc nuối.


Lý Lâm Phủ luôn hai mặt hai lòng như thế. Nếu muốn hại một người nào đó thì ở bên ngoài ông ta sẽ không thể hiện ra điều gì, thậm chí còn dùng những lời dối trá, khuôn mặt tươi cười để đối đãi, nhưng lại ngấm ngầm hại họ ở sau lưng. Thời gian dài như vậy, mọi người đều biết rõ và căm ghét ông ta. Hễ nói đến Lý Lâm Phủ, mọi người đều nói ông ta là kẻ nham hiểm, “khẩu mật phúc kiếm”, miệng mật bụng gươm, miệng nam mô bụng bồ dao găm. Về sau, “Khẩu mật phúc kiếm” được người đời dùng để chỉ những người nham hiểm như Lý Lâm Phủ.


Người xưa trọng chữ tín, rất tôn kính người mà “Tâm trực khẩu khoái”, “Tâm khẩu như nhất” , trong lòng nghĩ như thế nào thì miệng nói ra những lời như vậy. Một người giảo hoạt, dùng lời lẽ không thật lòng thì dẫu nhất thời có lừa gạt được người ta, nhưng đều chỉ là đang lừa người hại mình. Những mưu đồ khôn khéo, giấu diếm che đậy, hay xảo quyệt lừa lọc người khác để được lợi về mình suy cho cùng đều chỉ là tự lừa dối mình, cuối cùng cũng phải chịu báo ứng, không thể được lâu dài mãi. Thậm chí còn bị người đời sau chê cười suốt hàng trăm năm. Trái lại, người thành thật tuy rằng nhìn như thể họ phải nhất thời chịu thiệt nhưng về lâu về dài họ chẳng những không phải chịu thiệt mà còn khiến cho các mối quan hệ ngày càng hài hòa, được người khác tôn kính trong tâm.


Tể tướng Yến Thù thời Tống là một tấm gương về sự thành thật. Dù ở cương vị nào, Yến Thù cũng đối xử chân thành với tất cả mọi người. Chính nhờ đức tính thành thật chính trực của mình, Yến Thù được Hoàng đế Tống Nhân Tông và các quần thần đặc biệt tán thưởng và tín nhiệm. Những người có quan hệ thân thiết hay những môn hạ của ông như Phạm Trọng Yêm, Hàn Kỳ, Phú Bật, Âu Dương Tu… cũng đều là những người đức độ, chính trực được người đời ca ngợi. (Xem bài: Thành thật làm người, làm đến tể tướng )


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Nguyễn Công Cơ: Một đời thanh liêm lại cương trực


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook