Người xưa đi giày, cởi giày đều có lễ tiết

Chia sẻ Facebook
19/07/2022 00:37:07

Khi nào đi giày, khi nào cởi giày người xưa đều có những quy định cụ thể, liên quan chặt chẽ đến thói quen sinh hoạt và lễ tiết truyền thống.


Cổ nhân coi trọng lễ tiết, đến những việc như k hi nào đi giày, khi nào cởi giày đều có những quy định cụ thể và nghiêm ngặt. Hết thảy những quy định này đều có liên quan chặt chẽ đến lễ tiết của người xưa.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Thời xưa, vô luận là bậc Đế Vương hay thường dân thì đều phải cởi giày dép trước khi bước vào nhà. Bởi vì thời ấy trong nhà không có những loại ghế có chân cao như bây giờ, thường là trải chiếu để ngồi. Để không làm bẩn chiếu thì khi bước vào nhà mọi người đều phải cởi giày dép. Ngoài ra, bởi vì cách ngồi lúc bấy giờ thường là tư thế quỳ, hai đầu gối chạm xuống đất, phần mông đặt trên hai gót chân, để tránh làm bẩn quần áo thì cũng cần phải cởi giày dép.

Cởi giày khi bước vào nhà người khác không chỉ vì vấn đề vệ sinh mà còn là một hành vi lễ tiết mang tính lịch sự. Nếu không làm như vậy thì sẽ bị cho là thất lễ. Khi ra cửa đón khách, chủ nhà cần phải mang giày. Mang giày đón khách cũng là một phần nội dung của lễ tiết.


Trong “Lễ kí – Khúc lễ thượng” viết rằng: “ Thị toạ vu trưởng giả, lũ bất thướng vu đường” , tức là lớp nhỏ khi hầu người bề trên thì phải cởi giày, mà phải cởi ở ngoài cửa, không được để giày trong nhà. Trong “Trang Tử – Ngụ ngôn” có ghi lại câu chuyện Dương Tử Cư người nước Ngụy đến cầu học Lão Tử. Khi Dương Tử Cư đi tới lữ xá liền cởi giày để ngoài cửa rồi quỳ gối mà tiến vào. Đây là thể hiện của lòng thành muốn bái sư học Đạo.


Ở nơi trường học, trước khi học sinh vào nghe thầy giảng bài cũng phải để giày ở ngoài. Trong “Phúc cách. Thính vũ đàm tùng” viết: “C ổ nhân giảng học chi đình, hộ ngoại lũ hằng mãn”, nghĩa là nơi dạy học của người xưa, ngoài cửa luôn đầy giày dép.


Thời Xuân Thu, khi làm lễ tế tổ tiên ở tông miếu hoặc bề tôi khi gặp quân vương thì không chỉ phải cởi giày mà còn phải cởi cả tất, đi chân đất. Đây được xem là lễ tiết thể hiện lòng tôn kính nhất đối với người bề trên. Trong “Lã Thị Xuân Thu” viết, thời Chiến Quốc danh y Văn Chí có một lần mang giày đến bái kiến Quân vương. Quân vương nhìn thấy xem như là không. Văn Chí như vậy được xem là may mắn, bởi vì nếu gặp Quân vương nghiêm khắc thì nhẹ sẽ bị cách chức, nặng thì bị giam vào ngục.


Ở triều đình, việc cởi giày được thực hiện càng nghiêm túc hơn, được đưa vào trong chế độ lễ nghi. Trong “Hán quan cựu nghi” viết rằng: Thuộc quan của phủ Thừa tướng lúc bấy giờ khi gặp Thừa tướng thì phải cởi giày, sau khi Thừa tướng đứng dậy thì phải vái đáp lại.

Các quan viên khi lên triều diện kiến Hoàng đế đều phải cởi giày, cởi kiếm. Chỉ có một số ít đại thần nhận được sự đãi ngộ đặc biệt của Hoàng đế thì có thể mang giày lên điện. Như đầu thời Tây Hán, Thừa tướng Tiêu Hà bởi vì có công lớn nên được Hán Cao Tổ Lưu Bang đặc cách cho ông có thể đeo kiếm, mang giày vào triều. Tào Tháo cuối thời Hán, Tiêu Loan nước Tề thời Nam triều, Hầu Cảnh tướng quốc nước Lương thời Nam triều cũng từng được đặc quyền đeo kiếm mang giày lên điện. Khi lễ xong, Hoàng đế xuống điện thì các quan lại mang giày và đeo kiếm trở lại.


Người xưa khi tế Thiên đế và tổ tông đều hết sức thành kính, cho nên giày tất đều phải cởi ra. Ngay cả Hoàng đế là “thiên tử” cũng cần phải thực hành lễ tiết này. Trong “Tống thư” viết rằng Hoàng đế đến bậc thềm phía nam thì cởi giày lên đàn, sau đó mới quỳ trước bài vị Hoàng Thiên hành lễ.

Sau này, khi ghế thay thế chiếu thì việc lễ tiết mang giày cũng dần dần bị mất đi. Sử học gia Triệu Dực đời nhà Thanh viết rằng thời cổ vốn xem việc cởi tất là tôn kính nhất, kế đến mới là cởi giày. Nhưng đến thời nhà Đường, ngoài lúc cử hành tế tổ ra thì không còn chế độ cởi giày nữa.

Sự phổ biến của các loại ghế đã khiến cho tập tục ăn ở đi lại của con người có sự thay đổi, quan niệm về lễ tiết cũng theo đó mà thay đổi. Lúc gặp nhau mà cởi giày đi chân đất lại trở thành là hành vi bất nhã, còn mang giày để có được sự chỉnh tề trong ăn mặc trở thành hành vi lễ kính.

Ngày nay, các lễ tiết truyền thống quy định về việc đi giày và cởi giày tuy dần dần biến mất, nhưng trong một vài trường hợp nào đó, vẫn còn bảo lưu lễ chế. Ở những buổi lễ long trọng, trong một thời gian tương đối dài thì ở một số nơi vẫn chiểu theo cổ lễ của thời xưa là cởi giày, cởi tất. Đặc biệt, khi đến nhà người khác làm khách, cởi giày dép, để ngay ngắn vẫn là lễ nghi không thể thiếu của một người hiểu biết.


Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Vì sao người xưa coi trọng lễ tiết “rượu đầy trà vơi”?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook