Người xưa dạy con cháu: Muốn thành công cần có đức hạnh

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 11:58:53

Xưa nay khi nhắc đến một người có tài có đức, người ta không thể quên đằng sau chính là công lao dạy dỗ của thầy cô, cha mẹ. Nhưng trong lịch sử cũng có không ít người mà đằng sau tài năng và đức hạnh của họ chính là công lao dạy dỗ của ông bà. Dưới đây là cách dạy dỗ cháu thành người tài đức của một vị quan thời nhà Minh. 

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)


Trong “Minh sử. Ngô Nột truyện” có ghi chép lại chuyện Ngô Nột dốc lòng giáo dục cháu ngoại trở thành người tài đức. Ngô Nột tự là Mẫn Đức, hiệu là Tư Am, là người kiên cường và ngay thẳng.

Khi Ngô Nột còn nhỏ, cha ông bị bắt đi tù ở kinh thành. Ngô Nột dù ít tuổi nhưng đã biết dâng thư lên triều đình xin được ngồi tù thay cha. Nhưng không ngờ cha của ông đã qua đời ngay sau đó ít lâu. Sau biến cố này, Ngô Nột ngày đêm dốc lòng cố gắng học tập, tiến bộ rất nhanh.

Vào năm Vĩnh Lạc triều Minh, Ngô Nột nhờ giỏi chữa trị bệnh nên đã được tiến cử đến kinh thành đảm nhiệm chức quan Giám sát Ngự sử. Vào năm Tuyên Đức, ông lại được điều đến Phúc Kiến, Chiết Giang làm quan.

Danh tiếng của Ngô Nột rất tốt, mỗi lần phải rời chức vị chuyển đi nơi khác, dân chúng địa phương đều đến phủ giữ ông ở lại. Về sau, Ngô Nột được điều đến Nam Kinh nhậm chức Hữu thiêm đô ngự sử, Tả phó đô ngự sử. Ông từng bị vu cáo hãm hại mà phải vào tù rồi sau được phóng thích. Năm Chính Thống thứ 4, ông cáo lão về quê sinh sống.


Ngô Nột không chỉ là vị quan tài đức mà còn là một học giả nổi tiếng thời nhà Minh. Ông đọc rất nhiều sách, có kiến thức uyên bác. Ông để lại cho hậu thế một số tác phẩm như “Văn chương biện thể”, “Tư am văn túy” . Trong đó, “Văn chương biện thể” có ảnh hưởng rất lớn đối với văn học đời sau. Sử sách ca ngợi ông là “Sở trứ thư, giai khả thùy vu hậu” ( sách viết ra đều có thể truyền lại cho đời sau học tập).

Ngô Nột dù làm quan to, có danh tiếng nhưng hàng ngày đều mặc quần áo vải bố của dân thường và ăn uống rất đơn giản đạm bạc. Quan địa phương lúc ấy thấy Ngô Nột sống trong căn nhà cũ nát, muốn sửa chữa lại cho ông nhưng ông trước sau đều không nhận.

Ngô Nột có một người cháu ngoại tên là Tiễn Hân. Cha của Tiễn Hân thường xuyên làm những việc xấu, không hợp pháp và cũng không hợp đạo lý làm người. Ngô Nột khuyên can con rể nhiều lần không được cho nên rất lo lắng cho cháu ngoại. Ông e sợ rằng cháu ngoại sẽ bị cách sống của con rể làm hỏng tương lai. Vì thế, ông đã chủ động gách vác trách nhiệm dạy dỗ cháu ngoại. Ngay từ khi Tiễn Hân còn nhỏ, Ngô Nột đã nghiêm khắc dạy bảo Tiễn Hân học hành, đồng thời khuyến khích cháu chăm đọc sách Thánh hiền để hiểu biết về đạo làm người cũng như cách xử thế.


Khi Tiễn Hân muốn tham gia thi khoa cử, Ngô Nột đã viết một bài thơ thất tuyệt để tặng cháu. Trong đó ông viết: “Nhất bằng âm đức nhị văn chương” , nếu muốn thi cử đỗ đạt thì đầu tiên là phải dựa vào tích âm đức (làm việc thiện, việc tốt), thứ nữa mới là dựa vào tài văn chương viết được hay. Theo Ngô Nột, con người có được công danh phú quý, trước hết phải dựa vào đức hạnh. Ngô Nột cũng nói với cháu ngoại đừng theo cha học những việc xấu mà cần phải làm nhiều việc thiện, không tính toán danh lợi, phải thường xuyên chú ý tu dưỡng phẩm đức của bản thân mình.

Tiễn Hân khắc ghi những lời dạy này của ông ngoại, luôn luôn cố gắng học tập chăm chỉ và chú ý tu dưỡng đạo đức bản thân, hễ có cơ hội giúp người thì đều sẵn sàng làm. Về sau, Tiễn Hân thi đỗ tú tài. Ngô Nột vì phòng ngừa cháu ngoại sinh ra tự cao tự mãn nên thường xuyên yêu cầu Tiễn Hân tự tay vẩy nước, quét khắp trong nhà ngoài sân, làm những công việc nhà phù hợp với bản thân. Ông muốn Tiễn Hân dùng lao động để vượt qua tâm kiêu ngạo và tránh được nuông chiều quá mức mà sinh hư.


Tiễn Hân sau này lớn lên, quả nhiên không phụ công ơn dạy dỗ của ông ngoại. Vào năm Chính Thống thứ 15 triều Minh, Tiễn Hân thi đỗ tiến sĩ, đảm nhiệm quan tri phủ Vĩnh Châu và trở thành một vị quan tốt. Lúc ấy, người dân địa phương vô cùng cảm khái về cách dạy cháu của Ngô Nột, ai cũng khen ngợi: “Ông ngoại Ngô, cháu ngoại Tiễn, người dạy thật là người biết dạy, người được dạy thật là người biết tiếp nhận”.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Cổ nhân dạy con: Cẩn trọng lời nói


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook