Người xứ chuột túi sống dè sẻn!
Sau đại dịch COVID-19 rồi tiếp đến chiến tranh giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa khắp nơi dường như đều tăng cao, nước Úc cũng không ngoại lệ. Nhiều người phải bớt chi tiêu, cắt giảm nhiều khoản chi phí...
Tối thứ hai ngày 11-4 vừa rồi, tuy không phải ngày cuối tuần nhưng nhà hàng, quán xá tại trung tâm thành phố Melbourne (Úc) vẫn nhộp nhịp đông vui. Nếu ai để ý thì sẽ biết một trong những lý do của sự nhộn nhịp đó là vì đêm nay kết thúc chương trình khuyến mãi "Midweek Melbourne Money".
Chương trình này bắt đầu từ tháng 3, nếu hóa đơn chi tiêu từ 40 - 500 đôla Úc tại các quán cà phê, nhà hàng, quán bar... trong các ngày từ thứ hai đến thứ năm thì mọi người có thể yêu cầu hoàn lại một phần tư số tiền trên hóa đơn với mức giảm giá tối đa là 125 đôla Úc cho mỗi khách hàng trong suốt thời gian của chương trình.
Trước đây mình xài 10 đồng thì giờ ráng dè sẻn tiêu pha giới hạn 7, 8 đồng thôi. Ở đâu cũng đang gặp khó khăn vì tăng giá, chứ đâu riêng gì Việt Nam hay Úc.
NGUYỄN TRẦN PHƯƠNG LINH
Đi ăn nhà hàng ngày khuyến mãi
Đây là một trong những sáng kiến khuyến mãi giúp thành phố Melbourne "hồi sinh" sau đại dịch COVID-19. Nhiều người tranh thủ đi ăn, đi chơi để được hưởng giảm giá rồi nhân tiện ghé qua mua sắm và tiêu xài trên những mặt hàng khác. Chính sách hoàn tiền để hỗ trợ doanh nghiệp có vẻ rất hiệu quả, với con số hơn 300.000 hóa đơn xin hoàn tiền chỉ trong vòng một tháng.
Cùng với "Midweek Melbourne Money", vào cuối tháng 3, chính phủ xứ chuột túi cũng tung ra ngân sách trị giá 60 triệu đôla Úc cho chương trình "Victorian Dining and Entertainment Program" để hỗ trợ doanh nghiệp trên toàn tiểu bang Victoria.
Tương tự "Melbourne Money" nhưng chương trình này chỉ được áp dụng cho các nhà hàng, quán xá nằm ngoài thành phố Melbourne. Chương trình khuyến mãi này cũng bao gồm giải trí như xem phim, ca nhạc, xem kịch, công viên, tham quan bảo tàng, sở thú... Riêng chương trình giải trí áp dụng cho toàn tiểu bang và cả bảy ngày trong tuần.
Nhiều người Việt kháo nhau: "Giờ ra tiệm ăn cho khỏe, đỡ mất công nấu mà cũng tiết kiệm được nhiều. Mỗi người được hoàn tiền lên tới 125 đôla, gia đình bốn người là được 500 đôla". Chưa kể nếu chọn ăn uống ở trung tâm thành phố Melbourne (trước khi chương trình kết thúc) và ngoài những khu vực trung tâm thì tổng số tiền được xin hoàn lại có thể được gấp đôi.
Việc xin hoàn tiền cũng đơn giản, chỉ việc vào đúng đường link của từng chương trình xin hoàn tiền và điền chi tiết cũng như đính kèm hình chụp hóa đơn thì sau 5 - 7 ngày làm việc số tiền sẽ tự động được chuyển vào tài khoản ngân hàng riêng.
"Xăng tăng giá, tình bạn xuống giá!"
Đó là nhận xét của một bạn du học sinh "lòng đầy chua chát" khi kể về một người bạn.
Cô kể trên trang Facebook của Hội Sinh viên tại Úc: "Từ ngày xăng tăng giá, bạn ấy không đi xe nữa, lấy hết lý do này đến lý do khác để bảo em đến đón, đi đâu cũng là đi xe em. Em cũng không nghĩ gì, cho đến hôm nay em đến nhà sớm hơn chút để đón thì nghe hai vợ chồng nói chuyện.
Chồng bảo vợ đi mua giúp lọ thuốc. Vợ bảo đi xe nhà mình làm gì cho tốn xăng, giờ xăng cao phải tận dụng bạn bè chứ, lát nữa bạn sang đưa đi shop em bảo đưa đi mua luôn!".
Cũng có nhận xét cho rằng có thể người bạn đó chỉ nói đùa, nhưng đa số đều cũng bất bình bởi lẽ "Cái gì có thể không biết, nhưng biết điều thì cần phải biết! Đi nhờ xe nhiều lần thì dù người ta không nói cũng nên tự biết "share" tiền xăng chứ!".
Úc, cũng như các nước khác, bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Đang từ khoảng 1,60 đôla Úc một lít xăng đã tăng đến mức kỷ lục hơn 2 đôla/lít. Giá xăng tăng ngất ngưởng khiến nhiều người vốn trước đây còn "thờ ơ" với chuyện giá xăng lên xuống thì nay đã phải "thận trọng" trong việc đi lại.
Anh Huỳnh Quang chia sẻ "bí kíp" tiết kiệm của mình khi giá xăng tăng: "Trước đây lúc nào tôi cũng đổ đầy bình. Dạo này xăng tăng quá nên tôi không đổ đầy như trước nữa, mà tôi chỉ quy định số tiền tối đa cho mỗi lần đổ, ví dụ như chỉ trả 50 đôla cho một lần đổ. Mấy hôm sau, ngày nào xăng xuống giá thì tôi mới đổ đầy. Như vậy cũng là một cách có thể tiết kiệm trong thời buổi giá xăng tăng chóng mặt".
Tuy nhiên, ngay sau đó, trong bản ngân sách 2022, Chính phủ Úc đã ra quyết định giảm 50% thuế trên giá xăng dầu trong vòng sáu tháng. Theo đó, thuế xăng dầu từ 44,2 xu/lít được giảm xuống còn 22,1 xu/lít, nhờ đó giá cũng được điều chỉnh thích hợp chứ không chênh lệch nhiều so với trước đây.
Hết dịch giã đến "dịch giá"
Chị Kim Tâm kể: "Mình hợp đồng sửa nhà mấy tháng trước nên bên thầu họ vẫn giữ nguyên giá theo hợp đồng. Nhưng là vì mình đã hợp đồng từ trước, chứ nếu bây giờ mình mới bắt đầu ký hợp đồng thì giá sửa chữa sẽ tăng gấp đôi vì vật liệu xây dựng tăng nhiều quá".
Người bán để co kéo khách hàng thời tăng giá đã cố giữ nhiều mặt hàng nguyên giá cũ nhưng... giảm bớt trọng lượng.
Anh Minh, chủ một nhà hàng Việt Nam tại vùng Bacchus Marsh, để ý "một hộp đậu hũ 300gr bình thường giá 3 đôla, bây giờ họ vẫn bán với giá 3 đôla nhưng hạ trọng lượng xuống chỉ còn 250gr".
Cũng tương tự như "phát hiện" của anh Minh về hộp đậu hũ, nhiều sản phẩm khác của Úc đã bị giảm trọng lượng một cách "tinh vi". Người tiêu dùng thường không để ý đến vì thấy giá vẫn như cũ, nhưng trên thực tế họ đang phải trả mức giá cao hơn nếu tính theo cùng trọng lượng.
Với những gia đình đông người, nhất là những nhà có nhiều con và cần phải chi tiêu nhiều vào thức ăn hằng ngày, thì sự thay đổi này rất đáng kể.
"Nhà đông người thì nhiều khi mình mua đồ đông lạnh thay vì mua đồ tươi. Vì đồ đông lạnh thì siêu thị họ trữ sẵn từ trước nên giá không tăng mấy, nếu lên giá thì chắc mấy tháng sau họ mới lên, nên trong lúc giá đồ đông lạnh chưa lên thì mình mua trước", chị Thu Trang chia sẻ cách mình giảm bớt chi tiêu cho gia đình đông người.
Để san sẻ khó khăn với người dân, Chính phủ Úc hiện tăng mức tiền trợ cấp cho những người nhận phúc lợi xã hội cũng như đưa ra những biện pháp giảm thuế cho người có thu nhập thấp và trung bình để giúp dân đối phó với lạm phát do đại dịch và ảnh hưởng chiến tranh từ Ukraine.
Thực tế là sau đại dịch COVID-19, Chính phủ Úc đã đưa ra nhiều chương trình để hỗ trợ không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần cho người dân Úc.
Tôi có được may mắn tham gia chương trình nghiên cứu của Council on the Aging (Hội đồng dành cho bậc cao niên) để khảo sát đời sống tinh thần của các cô bác trên 75 tuổi. Hầu hết các cô bác, ông bà người Việt đều không mấy ai có lời than phiền.
Dù trải qua hai năm đại dịch, lạm phát tăng cao, nhưng đối với nhận xét của đa số người Việt, Chính phủ Úc đã tận tâm lo cho người dân.
Bác An Nhiên tâm sự: "Nếu so với tình hình chiến sự ở Ukraine và dịch bệnh COVID-19 vẫn đang gây khó khăn cho nhiều quốc gia trên thế giới, việc giá cả gia tăng có gây khó khăn chút đỉnh thì vẫn còn may mắn, nhất là khi Chính phủ Úc vẫn luôn nỗ lực hỗ trợ, đồng hành cùng người dân".
Bớt chi tiêu để đỡ cho cha mẹ ở Việt Nam
"Bất ổn thế giới và tình hình giá cả tăng cao hiện nay khiến tụi em bớt chi tiêu lại, cắt giảm những khoản chi phí như đi du lịch, giải trí này nọ, và cuối tuần anh em nhóm sinh viên Việt Nam tụ tập nấu ăn chung để vừa vui vừa tiết kiệm được chút ít tiền bạc" - bạn Nguyễn Trần Phương Linh, du học sinh ở Úc, tâm sự.
Linh trải lòng thêm biết cha mẹ ở Việt Nam cũng đang làm ăn không mấy thuận lợi nên tự ý thức phải giảm bớt chi tiêu để san sẻ gánh nặng với cha mẹ.
"Sắp tới, tụi em sẽ tìm thêm việc làm cuối tuần để cha mẹ bớt được số tiền gửi cho mình", Linh cho biết.
NGÂN HÀ
Úc sẽ cho phép các cá nhân có thị thực đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 nhập cảnh từ ngày 21-2, chấm dứt gần 2 năm đóng cửa với khách quốc tế để hạn chế dịch bệnh.