Người vô gia cư tại Mỹ chống chọi với nắng nóng "cực đoan và chết chóc"
Theo mô tả của Cơ quan Khí tượng Mỹ, vùng Tây Nam nước này đang phải đối mặt với đợt nắng nóng "cực đoan và chết chóc".
Với nền nhiệt luôn ở mức trên 40°C, nhiều thành phố ở Mỹ đang ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử, trong đó những người vô gia cư đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe.
Suốt 27 năm sống trên đường phố của thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ, ông Michael Robinson (người vô gia cư) biết rằng sẽ rất khó để ông được chào đón tại các hàng quán xung quanh thành phố, nơi ông có thể được hưởng một vài phút điều hòa không khí để hạ nhiệt vào những ngày hè như thế này.
Nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở đây lên đến trên 40°C. Năm nay, ông bị đột quỵ do nắng nóng. May mắn là ông đã được phát hiện và đưa đến bệnh viện.
Ông Michael Robinson cho biết: "Cái nắng của mùa hè thật sự rất ngột ngạt, nhưng năm nay nó còn tệ hơn mọi năm. Khổ nhất là những người vô gia cư chúng tôi, lúc nào cũng phải hứng nắng trên đường phố".
Khoảng 130 người vô gia cư đã tử vong vì nắng nóng ở khu vực Phoenix vào năm 2021. Con số này là 172 người vào năm 2020, theo Trung tâm chăm sóc sức khỏe thành phố.
Để phần nào hạn chế con số này tiếp tục gia tăng, chương trình Circle The City chuyên tiếp cận người vô gia cư của thành phố đã điều hành một số phòng khám di động, đi đến những nơi tập trung đông người vô gia cư để cung cấp sự chăm sóc kịp thời cho họ.
Chị Marty Hames, thuộc chương trình tiếp cận người vô gia cư Circle The City, chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng mỗi khi mùa hè đến gần, chúng tôi sẽ phải cố gắng làm những gì tốt nhất có thể để giúp mọi người sống sót. Năm nay, chúng tôi đã chứng kiến số lượng bệnh nhân nhập viện là người vô gia cư ngày càng tăng".
Bên cạnh say nắng, người vô gia cư còn có thể gặp những tình trạng nghiêm trọng khác như kiệt sức vì nóng, phát ban do nhiệt, bỏng do ngủ gật, ngồi hay đi bộ chân đất trên vỉa hè nóng. Tất cả đều có thể khiến họ mất mạng.
Nắng nóng kỷ lục ở nhiều thành phố tại Mỹ Trong những ngày gần đây, mức nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận tại nhiều thành phố miền Tây Nam nước Mỹ.