Người Việt xa xứ - Tết về cồn cào nhớ quê hương

Chia sẻ Facebook
26/01/2023 00:59:08

Luôn nghĩ quê hương, hướng về tổ tiên và gia đình, hoài niệm hương vị Tết quê nhà là nỗi niềm chung của những người con xa xứ mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc.


Hoài niệm hương vị Tết quê hương


Không khí đón Tết cổ truyền Việt Nam đang dần len lỏi vào khắp các phố phường, hương xuân ngập tràn trên cành mai vàng, đào thắm, hiện hữu ở dòng người hối hả chuẩn bị sắm Tết để đón chào một năm mới tốt lành.

Tết "gọi" những con người xa quê trở về, gọi những người bận rộn ngồi lại sum vầy bên mâm cơm gia đình, bên những chiếc bánh chưng xanh biếc, bên bàn trà nước, kẹo mứt nói cười râm ran, cùng những lời chúc may mắn, bình an thoảng khí xuân rộn ràng.

Thế nhưng, vì nhiều lý do mà hàng triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới không thể trở về ăn Tết ở quê nhà. Với những người con xa xứ, Tết lại càng là nỗi nhớ khôn nguôi, là mong mỏi được trở về hơn bao giờ hết. Có lẽ vì vậy, dù có ở nơi đâu, đối với người Việt ở nước ngoài, ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn luôn là một dịp hết sức quan trọng để hướng về quê hương, hướng về gia đình trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Nhớ và nhớ… là nỗi niềm chung của bất cứ người Việt nào không thể trở về vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Với những người xa quê, Tết ở Việt Nam là những ký ức rất xa xôi, nhưng vẫn chân thực và gần gũi. Đó là nỗi nhớ về bữa cơm gia đình có các món ăn quen thuộc thịt gà, giò nem, bánh chưng, nhớ mùi nước cây mùi, hương nhu mà mẹ thường nấu xông nhà, tắm xả xui ngày cuối năm.

Mâm cơm với những món ăn truyền thống ngày Tết của chị Liên và các bạn thực tập sinh bên Nhật Bản.


Ngày nay, nhờ có công nghệ mà cái Tết xa quê dường như trở nên "gần" hơn. Thông qua các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại, chị Phạm Thị Liên (22 tuổi, thực tập sinh đang sinh sống và làm việc tại Kazo, Saitama, Nhật Bản) nhờ mẹ dạy cách làm mâm cơm với những món ăn quen thuộc và truyền thống trong ngày Tết, tuy không chuẩn như mẹ nấu nhưng vẫn mang đủ hương vị thân quen của quê nhà.

"Càng cận Tết, tôi càng nhớ và ‘thèm’ cảm giác được cùng mẹ dọn nhà, trang trí mâm ngũ quả, chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên chiều 30 Tết. Tôi nhớ nhất là khoảnh khắc mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cùng xem Táo quân, chuyện trò vui vẻ, quên đi hết những mệt mỏi bộn bề cuộc sống mà 1 năm qua đã trải qua, cùng nhau đón khoảnh khắc năm mới đến. Mọi người thường bảo lớn lên sẽ thấy Tết nhạt dần, thế nhưng với tôi, khi xa nhà mới thấy trân quý Tết cổ truyền đến nhường nào", chị Liên chia sẻ.

Không những vậy, chị Liên còn giới thiệu cho đồng nghiệp cùng công ty những video, hình ảnh về những nét đẹp văn hoá cổ truyền trong ngày Tết ở Việt Nam. Hầu hết mọi người đều cảm thấy ấn tượng về phiên chợ Tết nhộn nhịp và náo nhiệt, tò mò về những phong tục độc đáo, về chiếc bánh chưng xanh, hộp mứt quả nhiều màu có thể bắt gặp ở bất cứ gia đình người Việt nào dịp Tết cổ truyền.

Cũng bởi ý nghĩa Tết là đoàn viên, sum vầy nên người Việt sống ở nước ngoài luôn muốn tụ họp, cùng nhau đón Tết. Để nhớ về hương vị Tết ở quê nhà, chị Liên cùng nhiều thực tập sinh khác cũng tự gói bánh chưng, mua cành đào, mua hoa quả về bày mâm ngũ quả và chế biến những món ăn quen thuộc không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt Nam. Mọi người cùng quây quần bên nhau, sẻ chia về guồng quay bon chen, sự vất vả của cuộc sống nơi xứ người, rủ nhau đi lễ chùa và xin quẻ, cầu một năm mới sức khỏe, bình an.


Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền nơi xứ người

Từ nhỏ đã được bố mẹ dạy bảo tỉ mỉ và tham gia chuẩn bị Tết cho cả nhà, vậy nên mặc dù sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) gần 20 năm, chị Đỗ Hồng Hạnh (41 tuổi) vẫn giữ truyền thống đón Tết Việt.

Với chị, càng sống lâu ở nước ngoài càng trân quý bản sắc văn hóa Việt Nam. Vì vậy, chị Hạnh cùng một số bạn bè người Việt thường tổ chức các buổi giao lưu, giới thiệu về một số nét đẹp văn hóa Việt Nam cho các con của mình. Nhìn những đứa trẻ háo hức tìm hiểu về mâm ngũ quả, về bánh chưng, hoa đào, hoa mai; cùng ba mẹ làm một số món ăn thuần Việt khiến cho không ít người con xa xứ như chị Hạnh cảm thấy ấm lòng.

Những dịp đặc biệt, chị Hạnh thường lựa chọn áo dài như một cách để giới thiệu những nét đẹp văn hóa Việt.


Sáng 30 Tết, chị Hạnh đi chợ mua hoa và trang trí nhà cửa, nấu bữa cơm tất niên như làm nem, canh măng, nấu bóng thả như ở Việt Nam, các con dọn dẹp nhà cửa... Có lẽ, chị Hạnh cũng giống như bất cứ người Việt Nam xa xứ nào đều có một nỗi niềm đau đáu là làm sao để Tết cổ truyền không mai một mà tiếp tục được nuôi dưỡng, truyền lại cho các thế hệ con em mình.

Cùng suy nghĩ đó, bà Nguyễn Hạnh (58 tuổi, San Antonio- Mỹ) luôn trăn trở về việc giáo dục con cháu về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là những nét đẹp cổ truyền trong dịp Tết Nguyên đán. "Mỗi khi nhìn thấy cây đào trước nhà ra hoa dịp đầu năm, tôi như cảm thấy được hương vị Tết Việt ngay cả khi ở xa quê hàng nghìn km. Ẩm thực Việt luôn đem đến cho tôi những cảm xúc tuyệt vời nhất vì chúng gắn liền với ký ức tuổi thơ. Vì vậy, nhiều khi phải bỏ rất nhiều thời gian để chuẩn bị và nấu nướng, tôi vẫn muốn thông qua các món ăn dân dã, truyền thống của Việt Nam trong dịp Tết như bánh chưng, nem cuốn, canh bóng… để giới thiệu cho con cháu những nét văn hóa người Việt”, bà Hạnh bộc bạch.

Cây đào trên đất Mỹ của gia đình bà Hạnh.

Đón Tết Việt ở nước ngoài, có thể không có hoa mai hoa đào, thiếu đi bánh chưng xanh, hay cơn mưa xuân lất phất… nhưng có lẽ, trong lòng những người con Việt Nam vẫn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện giữa con người và đất trời trong thời khắc thiêng liêng nơi quê nhà.

"Đối với tôi, Tết không chỉ là thời điểm tạm biệt năm cũ, đón một năm mới sang mà còn là dịp để cho con cháu biết về nguồn gốc văn hóa nguồn cội dù đang ở nơi xứ người. Vì vậy, tôi vẫn cố gắng giữ những nếp Tết xưa cũ, cùng các con gói bánh chưng, làm bữa cơm tất niên, diện những bộ áo dài truyền thống, cùng đón Giao thừa. Với tôi, đó là cách để gắn bó với quê hương, giúp các con nhớ về cội nguồn của mình", chị Hạnh chia sẻ.


BẠCH HIỀN

Chia sẻ Facebook