Người Việt nhịn ăn tiêu 12 năm để mua một chiếc ô tô bình dân

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 14:07:35

Với thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 đạt 4,25 triệu đồng thì người Việt Nam phải tiết kiệm khoảng 143 tháng, tương đương 12 năm không ăn tiêu gì, mới đủ tiền mua ô tô bình dân giá 600 triệu đồng.

Người Việt nhịn ăn tiêu 12 năm để mua một chiếc ô tô bình dân

Giấc mơ ô tô xa vời vợi

Theo Cục Đăng kiểm, tính đến tháng 11/2021, tổng số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam là 4,512 triệu chiếc. Như vậy, tính bình quân số xe hơi trên 1.000 dân khoảng 46 chiếc. Tuy nhiên, toàn bộ số ô tô đăng ký trên, không phải tất cả đều thuộc sở hữu cá nhân.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, số xe hơi đăng ký đã đạt 68,9 triệu chiếc, có nghĩa là cứ 2 người Nhật thì sẽ có 1 người có ô tô. Tương tự như vậy là Hàn Quốc với số lượng ô tô đăng ký là 25,07 triệu chiếc, cho gần 52 triệu dân. Như vậy, tính ra cứ 1.000 người Hàn Quốc thì có 487 người sở hữu xe ô tô. Còn tại Trung Quốc, có 302 triệu ô tô đang lưu hành, tính ra 1.000 người thì có 200 người có ô tô.

Còn tại Việt Nam, thống kê của Cục Đăng kiểm cho thấy, người Việt sở hữu ô tô  vẫn rất thấp.

Với thu nhập bình quân hiện nay, người Việt Nam mất 12 năm không ăn tiêu gì mới đủ tiền mua ô tô bình dân.

Báo cáo "Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020", do Tổng cục Thống kê công bố, cho biết, thu nhập bình quân đầu người một tháng trên cả nước năm 2020, theo giá hiện hành đạt 4,25 triệu đồng. Lấy mẫu xe thuộc phân khúc hạng B là Honda City 1.5L, có giá bán 600 triệu đồng ra để tính, so với thu nhập bình quân, người Việt Nam phải tiết kiệm khoảng 143 tháng, tương đương với 12 năm không ăn tiêu gì, mới đủ tiền mua.

Cũng theo khảo sát trên, với 1.000 hộ dân, nhóm giàu nhất có 127 ô tô, trong khi đó nhóm nghèo nhất chỉ có 5 ô tô. Xét riêng từng lĩnh vực ngành nghề thì các hộ gia đình trong ngành dịch vụ có số ô tô cao nhất. Cụ thể, cứ 100 hộ trong ngành này thì có 9,9 chiếc ô tô. Ngược lại, các hộ làm nông nghiệp sở hữu số ô tô thấp nhất, 100 hộ chỉ có 1 chiếc ô tô.

Ô tô không chỉ là phương tiện đi lại hiện đại mà còn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế. Tại Thái Lan, phần lớn hộ nông dân đã sở hữu ô tô, chủ yếu là xe bán tải. Nông dân dùng xe bán tải chở nông cụ khi đi làm đồng, chở nông sản thu hoạch về nhà và đem đi bán. Nhờ có ô tô mà kinh tế phát triển, giúp tăng năng suất và thu nhập. Trong khi đó, với tỷ lệ sở hữu ô tô của các hộ làm nông nghiệp tại Việt Nam quá thấp, không biết đến khi nào mới thoát nghèo?

Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), với dân số khoảng 20 triệu người nhưng có hơn 5 triệu ô tô các loại. Trong khi Việt Nam hiện có quy mô dân số 100 triệu người, kinh tế đang phát triển mà cả nước chưa có nổi 5 triệu ô tô các loại, đó là điều không tương xứng. Như vậy, sao hỗ trợ phát triển kinh tế.

Thuế phí chồng chất

Ô tô cá nhân đang phải chịu 3 loại thuế chính, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đây đều là thuế gián thu, người mua xe phải trả. Hơn nữa, ba loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30-60% trong giá bán, tùy từng mẫu xe. Ngoài ra, người mua xe còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ từ 10-12%, tính trên giá bán tùy từng địa phương, chưa kể những phí khác.


Tại Indonesia, giá chiếc xe Honda City 1.5L là 16.407 USD , tương đương với khoảng 400 triệu đồng, thì ở Việt Nam là 600 triệu đồng.

Mức thuế cao áp lên ô tô tại Việt Nam, đang cản trở việc mua sắm những chiếc xe mới nhất và an toàn nhất trên thị trường.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, riêng số thuế tiêu thụ đặc biệt bình quân mà các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nộp cho ngân sách nhà nước, dao động trong khoảng 2.450-2.800 tỷ đồng mỗi tháng. Trong khi ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chỉ đạt doanh số bán khoảng 200.000 xe/năm.

Một nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT (Úc) cho thấy, các dòng xe ô tô hiện đại không chỉ thân thiện hơn với môi trường mà cũng chú trọng nhiều đến sự an toàn. Nhiều dòng xe được chào bán trên thị trường hiện nay tích hợp hàng loạt công nghệ thông minh, giúp giảm tai nạn, như phần mềm nhận dạng khuôn mặt để tránh ngủ gật, hệ thống giám sát áp suất lốp, cảnh báo va chạm phía trước hoặc cảnh báo đi chệch làn đường. Nhưng những công nghệ này là vô nghĩa đối với những người không có đủ khả năng tài chính để trang bị chúng.

Mức thuế cao áp lên ô tô tại Việt Nam đang cản trở việc mua sắm những chiếc xe mới nhất và an toàn nhất trên thị trường. Khi người dân không thể mua những chiếc xe hiện đại do mức thuế cao, họ sẽ tiếp tục sử dụng những dòng xe cũ với các tính năng an toàn lỗi thời cho đến khi hỏng thì thôi. Đây là mối hiểm nguy cho mọi người tham gia giao thông.

Nghiên cứu của Đại học RMIT cũng chỉ ra, số lượng ca tử vong do tai nạn ô tô có thể giảm 7,5% nếu thuế ô tô giảm 10%. Khi thuế giảm thì các DN có điều kiện tích hợp những công nghệ mới và giữ giá bán hợp lý.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, theo các chuyên gia kinh tế, ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 30.000 phụ tùng, linh kiện thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau như cơ khí, điện tử, thép, nhựa, hóa chất... đòi hỏi kỹ thuật công nghệ hiện đại. Với các đặc điểm kỹ thuật nêu trên, ngành này có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa đất nước. Ngành công nghiệp ô tô phát triển đi đầu sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành sản xuất khác. Nhưng thuế phí cao đã làm cho công nghiệp ô tô Việt Nam không thể phát triển được trong hơn 20 năm qua.

Trần Thủy

Chia sẻ Facebook