Người Việt đóng giày thủ công giá nghìn USD tại Nhật Bản

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 14:08:14

Anh Lê Hoàng Trung, một người Việt đang sống ở Nhật Bản nổi tiếng nhờ làm được những đôi giày cao cấp giá cả nghìn USD hoàn toàn bằng tay.

Lê Hoàng Trung là một kỹ sư phần mềm máy tính nhưng tên tuổi của anh cũng nổi tiếng trong cộng đồng đam mê đồ dùng bespoke (những món đồ được chế tác vừa vặn, hoành chỉnh riêng cho khách hàng, là thuật ngữ để chỉ thú vui tiêu xài xa xỉ một cách kín đáo). Anh Trung tự tay làm những đôi giày theo số đo riêng của khách, với giá từ 2.500 USD đến 10.000 USD.

Anh Lê Hoàng Trung hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, với vai trò vừa là kỹ sư phần mềm, vừa là thợ đóng giày bespoke cao cấp. Ảnh: Phan An


Đồ thủ công của người Việt trên đất Nhật Bản

Từ TP HCM sang Nhật Bản sinh sống và làm việc đã 9 năm, anh Trung cũng bén duyên với nghề đóng giày ngần ấy thời gian. Khi mới đến xứ sở hoa anh đào, anh được một người bạn giới thiệu đặt giày tại xưởng chế tác giày thủ công nổi tiếng. Ở đây, anh Trung thấy thích những đôi giày không tì vết, được làm hoàn hảo từ phom dáng cho đến đường kim mũi chỉ và độ bóng của da. Anh Trung bắt đầu tìm hiểu, và với mong muốn có thể tự tạo ra một đôi giày giống như vậy, anh xin theo học nghề của một nghệ nhân đóng giày có tiếng ở Tokyo.

Anh Hoàng Trung kể, anh sang Nhật Bản chỉ sau 2 tháng chuẩn bị. Chính bởi vậy, trong vài năm đầu tiên, anh phải mày mò học song song cả công việc chính lẫn đam mê phụ. Bằng cách này, anh có thể vừa để học thêm tiếng, vừa lấp đầy được khoảng trống mà sự xa cách quê hương để lại. Đôi giày đầu tay của anh Trung phải mất đến 12 tháng mới hoàn thành.

Bài học đầu tiên trong nghề đóng giày mà anh Trung học từ người Nhật không phải là làm đế cũng không phải cắt da, anh được thầy dạy về cấu tạo của bàn chân để làm sao lấy được số đo chuẩn nhất. Khâu đo đạc này rất quan trọng vì nó quyết định một đôi giày có vừa với chân khách hay không. Thời gian đo có thể mất cả tiếng đồng hồ là chuyện bình thường với các thông số như lòng bàn chân, độ rộng bàn chân, eo, gót... Với những khách hàng có đôi chân đặc biệt, anh Trung thậm chí phải đổ khuôn thạch cao lấy được kích thước chuẩn.

Những đôi giày hoàn hảo đến từng chi tiết, được hoàn thiện bằng tay. Ảnh: NVCC

Giày bespoke ở Nhật Bản rất phổ biến, những khách có tiền, chịu chơi thường bỏ số tiền lớn để đóng một đôi giày cho riêng mình. Khi đến với các workshop đóng giày như của anh Trung, trước tiên, họ được làm cho chiếc last giày bằng gỗ (khuôn giày mô phỏng hình bàn chân của khách, có thể tái sử dụng để làm nhiều đôi khác nhau). Các công đoạn tiếp theo là thiết kế rập theo form giày, làm giày test, điều chỉnh để thành giày thật, làm mũ giày, đế trong, ráp và khâu các phần giày với tính thẩm mỹ cao…

Công đoạn khó khăn nhất để hoàn thiện một đôi giày chính là blind waist welted (khâu ở eo giày nhưng không thấy đường chỉ, để đảm bảo độ bền và vẽ đẹp thon gọn ở đôi giày), bước này không thể làm bằng máy. Khâu cuối cùng là làm bóng cạnh và đế và đánh bóng giày bằng dụng cụ chuyên nghiệp. Những miếng da box calf hoặc cá sấu cao cấp nhập từ Ý, Pháp phủ lên đôi giày lúc này trông đã rất hoàn hảo.

Với khách hàng ở xa, anh Trung có thể hướng dẫn họ đo chân nhưng việc này có thể không chính xác hoàn toàn, nên dù thế nào, anh vẫn tư vấn khách ghé qua xưởng của mình ít nhất một lần để thử giày trước khi bước vào giai đoạn hoàn thành. Sau những đôi giày đầu tiên tốn nhiều thời gian, về sau này, anh Trung chỉ mất trung bình 6 tháng để một sản phẩm ra lò. Đến hiện tại, số giày bespoke anh làm ra là khoảng 30 đôi, chủ yếu là cho khách Nhật và được họ đánh giá cao về độ tỉ mỉ.

Nếu không phải một người đủ kiên nhẫn, sẽ rất khó để theo nghề đóng giày. Ảnh: NVCC


Ước mơ mang giày bespoke về Việt Nam

Giày anh Trung làm ra được rất nhiều người chơi giày chuyên nghiệp đánh giá cao. Anh cũng được các tờ báo, tạp chí phỏng vấn với danh xưng “thợ đóng giày bespoke người Việt”. Đó chính là thành quả sau khoảng thời gian dài cố gắng của anh Trung, cũng là cho thấy sự giao thoa giữa đức tính kiên trì, sáng tạo của người Việt với nghề đóng giày tinh hoa của người Nhật. Theo anh Trung: “Học đóng giày, mà đặc biệt là giày phong cách Nhật cần chú trọng nhiều chi tiết. Nếu không đủ đam mê và kiên nhẫn thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng”.

Ở mức giá vài nghìn USD mỗi đôi giày thì cũng có nghĩa là khách hàng của anh Trung hầu hết sẽ là người có tiền và biết "cách chơi". Những trải nghiệm của họ thường ưu tiên sự vừa vặn nhưng vẫn phải thoải mái và quan trọng hơn cả phải mang phong cách riêng, không giống với bất cứ ai khác. Họ trân trọng giá trị thủ công khi sẵn sàng chờ đợi vài trăm thao tác từ đôi bàn tay một người mới có thể tạo ra một đôi giày. Giống như một chiếc siêu xe được tùy chỉnh theo phong cách cá nhân có thể lên đến cả vài trăm nghìn thậm chí triệu USD, thì một đôi giày mang tính độc quyền có mức giá không hề rẻ như vậy cũng là chuyện dễ hiểu.

Để thể hiện tính độc quyền trên các sản phẩm, anh Trung thường vẽ một hình nào đó ở đế giày theo yêu cầu của khách. Đó cũng là cách để nhận diện thương hiệu cá nhân của anh. Khi đôi giày đầu tiên ra lò, anh Trung vẽ lên đó hình ảnh hoa anh đào, với ngụ ý về sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông trên đôi giày Tây kinh điển.

Dưới đế giày của anh Trung luôn có ký hiệu đặc biệt. Ảnh: NVCC

Kể từ khi bắt đầu, anh Trung thường dành mỗi ngày 4-5 giờ sau khi đi làm và cả những ngày cuối tuần để hoàn thiện các đôi giày khách đặt. Nhận thấy tiềm năng của nghề, anh Trung có mong muốn vài năm tới sẽ mang kỹ thuật đóng giày bespoke kiểu Nhật về Việt Nam để tạo dựng thương hiệu cá nhân. Anh cũng muốn làm những đôi giày ready-to-wear (theo size có sẵn) để phục vụ được số đông khách hàng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, anh Trung nhận thấy cần đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, có tâm huyết giống như anh.

Chia sẻ Facebook