Người Việt bị lừa bán sang Campuchia: Ai là ‘trùm cuối’?
Trên thực tế, nạn lừa đảo, buôn người sang Campuchia đã xuất hiện nhiều năm qua, thậm chí đã phát triển lên tầm cỡ “ngành công nghiệp”. Nhưng tại sao lừa đảo ở Campuchia lại tràn lan đến vậy? Ai là người đứng sau “tạo điều kiện” cho tệ nạn này hoành hành?
Ngày 18/8, 42 người Việt làm việc tại casino Rich World, Campuchia đã liều mình “phá vòng vây” bảo vệ, nhảy xuống sông Bình Di tháo chạy về Việt Nam. 40 người may mắn sống sót, 1 người bị bắt lại, 1 người chết đuối trên sông.
Một số người sống sót chia sẻ họ bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” , sau đó bị bán vào casino. Công việc hàng ngày là lên mạng lừa người chơi game online, đánh bạc theo sự chỉ đạo của ông chủ người Trung Quốc. Ai không làm được sẽ bị đánh đập, chích điện, bán lại cho băng nhóm khác, hoặc bị dọa bán lấy nội tạng.
Chị G. – một trong các nạn nhân, kể trong nước mắt: “Họ tàn nhẫn lắm, hành hạ người khác mà chẳng hề nương tay. Chồng tôi bị đưa lên lầu 8, rồi bị còng tay vào ghế. Xung quanh có 3 người đàn ông cao lớn, cầm chích điện. Họ chích vào bàn chân, cánh tay, cổ, lưng, ót, hay bất cứ nơi nào chúng muốn. Chích mãi đến khi chồng tôi ngất đi thì dừng, tỉnh lại thì bị chích tiếp. Lần đó, chồng tôi bị chích suốt 3 ngày mới cho xuống. Đó là hình phạt kinh hoàng mà ai làm tại đây đều lo sợ bị phạt.”
Do không chịu nổi cảnh bị giam cầm, tra tấn, bóc lột sức lao động, 42 người đã liều mạng nhảy sông bơi về Việt Nam.
Ngày 22/8, truyền thông Campuchia cho biết quản lý casino Rich World là một công dân Trung Quốc đã bị bắt và thú nhận hành vi cưỡng bức lao động.
“Vành đai và Con đường” biến Campuchia thành thiên đường tội phạm
Những năm gần đây, liên tiếp có báo cáo về các vụ lừa đảo, buôn bán người Việt Nam, Đài Loan đến Campuchia. Nhiều người đến đó làm việc bị đối xử rất tàn bạo, thậm chí bị tấn công tình dục, mổ cướp nội tạng sống. Điểm chung của những băng nhóm này là hầu hết kẻ đứng đầu đều là người Trung Quốc.
Theo tờ Liberty Times, ở Campuchia, các trang web lừa đảo hầu như có mặt trên khắp đất nước. Trong đó, nổi bật là thành phố Sihanoukville. Với sự hỗ trợ của các dự án “Vành đai và Con đường” năm 2016 của Trung Quốc, Sihanoukville đã phát triển thành đặc khu kinh tế quan trọng nhất Campuchia và thu hút một lượng lớn người Trung Quốc đến phát triển trò chơi cờ bạc.
Từ năm 2016 – 2018, Trung Quốc đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào Sihanoukville, hầu hết đều tập trung vào ngành công nghiệp đánh bạc. Theo Nikkei Asia, Sihanoukville ban đầu chủ yếu hoạt động dựa trên ngành cờ bạc trực tuyến, nhưng sau lệnh cấm cờ bạc năm 2020, nó dần chuyển sang hoạt động lừa đảo qua mạng, và trở thành điểm nóng của các băng nhóm tội phạm.
Hiện tại, trong các đặc khu kinh tế chỉ tính riêng ở Sihanoukville đã có hàng chục khu vực, mỗi một khu vực có ít nhất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công ty lừa đảo và hầu hết đều do người Trung Quốc thành lập, một số do người Đài Loan sở hữu.
Và những công ty Trung Quốc này lại đi hại chính người Trung. Bên cạnh đó, người Đài Loan, Việt Nam, Indonesia… cũng trở thành nạn nhân. Những người trong ngành cho biết, việc lừa đảo đi Campuchia kiếm việc làm lương cao hiện nay đã được công nghiệp hóa hoàn toàn.
Trùm xã hội đen Campuchia bị bắt, quan chức ĐCSTQ hậu thuẫn rửa tiền
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao lừa đảo ở Campuchia lại lộng hành đến vậy? Vì sao chính phủ không kiểm soát?
Ngày 18/8, ông Thẩm Bá Dương, trợ lý giáo sư tại Viện Tội phạm học, Đại học Đài Bắc tiết lộ Campuchia thực chất là một kênh rửa tiền quan trọng của quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Mới đây ngày 15/8, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ Xa Trí Giang, chủ tịch hội đồng quản trị của Asia Pacific International Holdings Group, người đứng đầu các băng nhóm xã hội đen ở Đông Nam Á.
Xa Trí Giang bị Trung Quốc truy nã vì các tội danh liên quan đến điều hành hoạt động cờ bạc xuyên biên giới bất hợp pháp. Ngoài ra, Xa còn tham gia vào việc thành lập thế lực ngầm ở Campuchia, buôn bán ma túy, lừa đảo và thậm chí là mổ cướp nội tạng người thu lợi nhuận khổng lồ.
Được biết, sự nghiệp đen của Trí Giang ở Đông Nam Á phát triển nhanh chóng khi Mạnh Kiến Trụ, cựu bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát an ninh công cộng và hệ thống chính trị, luật pháp. Do đó, một số kênh truyền thông ám chỉ đây có thể là một trong những động thái của ông Tập Cận Bình nhằm truy quét thế lực của Mạnh Kiến Trụ, thuộc phe Giang Trạch Dân.
Vào ngày 15/8, trang Xin Media đăng một bài báo với tiêu đề “Vụ án gian lận Campuchia có liên quan đến lực lượng bất hợp pháp của Trung Quốc, Tập Cận Bình càn quét thế lực Mạnh Kiến Trụ? Chủ sở hữu “KK Park” Xa Trí Giang đã bị bắt”.
Bài báo dẫn lời Quách Văn Quý, một tỷ phú Trung Quốc lưu vong tại Hoa Kỳ, nói rằng Mạnh Kiến Trụ khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Bộ Chính trị Trung ương và Ủy ban Pháp luật của ĐCSTQ, đã xây dựng một “vương quốc ngầm” khắp Đông Nam Á, phạm vi ảnh hưởng vượt quá sức tưởng tượng của Hollywood. “Đây là nơi buôn lậu vũ khí, buôn lậu người, buôn lậu ma túy, rửa tiền,… đều là của Mạnh Kiến Trụ”.
Sau khi Chu Trác Hoa – chủ sòng bạc ở MaCao bị bắt vào năm 2021, nhà bình luận chính trị Viên Hồng Băng đã thẳng thừng nhận định Chu là “găng tay trắng” rửa tiền của các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ như Tăng Khánh Hồng, Mạnh Kiến Trụ của phe Giang. Khi Chu bị bắt ở Ma Cao, chính là lúc phe Tập đang phá hủy nền tảng kinh tế của phe Giang Trạch Dân.
Bài báo ám chỉ Xa Trí Giang, người đã hoạt động rất tốt trong lĩnh vực kinh doanh đen ở Campuchia, cũng có thể có liên hệ chặt chẽ với phe Giang nói trên, là tay rửa tiền cho quan chức ĐCSTQ.
Ngoài ra, ông Thẩm Bá Dương còn cho biết Campuchia đã bị ĐCSTQ thâm nhập nghiêm trọng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là mức độ “thực thi pháp luật” và tệ nạn tham nhũng, hối lộ. Theo chỉ số ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc do “Phòng thí nghiệm Dân chủ Đài Loan” công bố tháng 4/2022, Campuchia là nước đứng đầu. Nghĩa là về cơ bản, chính quyền nước này có thể được coi là bù nhìn của ĐCSTQ.
“Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2021” do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố cũng cho thấy Campuchia xếp thứ 157 trong số 180 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Bề ngoài, Thủ tướng Hun Sen cho rằng cần nghiêm minh dẹp bỏ tệ nạn tham ô, tham nhũng, nhưng người nhà, tướng tá vẫn mua quan bán chức khắp nơi, bắt nạt bóc lột người dân. Sau khi Phnom Penh cấm đánh bạc vào năm 2020, tình hình tội phạm vẫn ngày càng nghiêm trọng.
Gần đây, tỷ phú Tào Hưng Thành, người quyên góp 100 triệu USD cho quốc phòng Đài Loan chống Trung Quốc đã công khai chỉ trích ĐCSTQ là một “tổ chức xã hội đen giả dạng quốc gia”. “Băng đảng ngụy quốc gia” này còn tồi tệ hơn các băng đảng xã hội đen khác. Nó không chỉ bức hại người dân Trung Quốc, mà còn gây hại cho xã hội toàn cầu. Vừa đàn áp, vơ vét tiền của trong nước, vừa xuất khẩu tham nhũng, hối lộ, xã hội đen, cưỡng bức lao động, mổ cướp nội tạng ra nước ngoài.
Kết quả là, các nước Đông Nam Á ngày nay như Campuchia và Myanmar, đã trở thành thành trì của các nhóm lừa đảo xuyên quốc gia, trở thành địa ngục trần gian cho những người dân vô tội.
Hồng Liên (t/h)