Người Trung Quốc nương nhờ Đại Việt, tham gia chống ngoại xâm
Trong lịch sử đã chứng kiến nhiều lần binh tướng của Trung Quốc phải sang nương nhờ Việt Nam, tham gia các cuộc chiến giúp người Việt chống ngoại bang, hoặc khai hoang đất đai hình thành những vùng thương mại sầm uất.
1. Đội quân nhà Tống khiến quân Mông Cổ hoảng loạn
Trần Nhật Duật là hoàng tử thứ 6 con vua Trần Thái Tông, nổi tiếng là người hiểu biết rộng, rất tôn sùng và am hiểu Đạo Gia. Ông tìm hiểu và thông thạo ngoại ngữ và phong cách của các dân tộc và các nước láng giềng.
Khi đại quân Mông Cổ tiến đánh nhà Tống, nhiều binh tướng nhà Tống bại trận phải chạy sang nương nhờ Đại Việt, trong số đó có cả hoàng tử Triệu Trung cùng em gái là công chúa Triệu Hoa.
Nhờ giỏi ngôn ngữ và phong tục người Hán, Trần Nhật Duật được giao nắm giữ và tổ chức đội quân Trung Quốc này. Khi quân Nguyên Mông tiến đánh Đại Việt, đội quân này mặc trang phục và mang cờ hiệu của nhà Tống, khiến quân Nguyên Mông cứ tưởng nhà Tống đã phục quốc, cũng là một nhân tố khiến tinh thần quân Nguyên Mông suy sụp mà thua trận.
2. Các trung tâm thương mại sầm uất nổi tiếng
Khi nhà Minh bị đánh bại, nhà Thanh lên thay, nhiều binh tướng nhà Minh thua trận nhưng không muốn sống cùng ngoại tộc nên đã chạy xuống Đại Việt, họ không chọn Đàng Ngoài của chúa Trịnh, mà muốn đến Đàng Trong của Chúa Nguyễn xin làm con dân Đại Việt.
Chúa Nguyễn đã cho nhóm người này khai khẩn các vùng đất mới ở phương Nam. Các nghề thủ công nghư dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo, v.v. rất phát triển.
Những người Hoa này giúp nghề thủ công phát triển, dần dần hình thành các vùng đất trù phú, buôn bán thông thương qua lại hình nên nên các trung tâm thương mại nổi tiếng sầm uất bậc nhất lúc đó như Cù Lao Phố (nằm trên sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày nay), trung tâm thương mại Mỹ Tho, Chợ Lớn v.v…
Cù Lao Phố còn có các tên khác như Đông Phố, Giản Phố , Cù Châu, Nông Nại Đại Phố. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả rằng:
Nông Nại đại phố, lúc đầu do Trần Thượng Xuyên khai phá, tức Trần Thắng Tài chiêu tập được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.
Trịnh Hoài Đức mô tả trong “Gia Định thành thông chí” của mình như sau:
Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ động. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi.
Vùng Cù Lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. 5 năm sau khi định cư, chùa Quan đế dựng lên.
Sau này một số vùng của người Hoa bị quân Tây Sơn thảm sát, nên không còn được sầm uất như trước nữa. Người Hoa tại đây cũng đã nhiều lần ủng hộ và giúp đỡ chúa Nguyễn, nhất là che chở cho Nguyễn Ánh, người sau này trở thành vua Gia Long. (Xem bài: Điều gì khiến nhà Tây Sơn bại bởi nhà Nguyễn? – Phần 1: Những cuộc tàn phá và thảm sát )
3. Thiên Địa hội
Trong khi có những tướng lĩnh Trung Quốc không phục nhà Thanh mà đến làm con dân Đại Việt, thì cũng có lực lượng chọn con đường nổi lên chống lại, trong đó có “Thiên Địa hội” với tôn chỉ ban đầu là “phản Thanh phục Minh” . Hội này còn có tên khác là “Hồng Môn”, “Tam Điểm hội”.
Đến cuối thế kỷ 17, hoạt động của “Thiên Địa hội” đã vượt biên giới Trung Quốc và xuất hiện ở Đại Việt. Sau khi chiến thắng quân Thanh năm 1789, vua Quang Trung đã thu nạp một số đầu lĩnh của “Thiên Địa hội”, cung cấp vũ khí và lương thực để hội này đánh phá các vùng Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang… Đây là một bước đi trong kế hoạch đòi lại vùng đất Lưỡng Quảng (tức Quảng Tây và Quảng Đông).
Đến thời kỳ Pháp đô hộ Đông Dương, “Thiên Địa hội” hoạt động mạnh ở vùng Nam Bộ, nơi có nhiều người Hoa sinh sống. Do có lợi ích gắn bó với người Việt nên chủ trương ban đầu “phản Thanh phục Minh” được thay thế bằng “phản Pháp phục Nam” , thu hút được cả người Việt tham gia.
Hội này đã tham gia các cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long, Đoàn Văn Cự, tấn công tiêu diệt tri phủ Trần Bá Hựu. Năm 1916 “Thiên Địa hội” tham gia cuộc nổi dậy tấn công dinh Thống Đốc, Khám Lớn Sài Gòn nhằm giải cứu Phan Xích Long cùng các nghĩa sĩ.
Tuy nhiên do vũ khí thô sơ nên các cuộc nổi dậy của “Thiên Địa hội” bị quân Pháp đàn áp nhanh chóng.
4. Quân Cờ Đen
Khi phong trào Thái Bình Thiên Quốc thất bại, một người Tráng (người Tày, Nùng) là Ngô Lăng Vân đã dẫn tàn quân đóng ở gần Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) rồi tự xưng là Ngô Vương, trong số thủ hạ của Ngô Lăng Vân có Lưu Vĩnh Phúc.
Trước sự càn quét của nhà Thanh, năm 1865 Lưu Vĩnh Phúc mang theo 200 người Trung Quốc thân tín đến Đại Nam, chọn lá cờ màu đen làm kỳ hiệu.
Trên đường đi đội quân này thu thập thêm quân, khi đến được vùng Sơn Tây thì quân số lên đến 500 người. Tại đây xảy ra cuộc xung đột giữa quân Cờ Đen và quân Bạch Miêu của người Mông, đây vốn là đội quân chống đối với Triều đình nhà Nguyễn.
Trong cuộc xung đột này quân Cờ Đen giành được phần thắng và giết được 1 thủ lĩnh của quân Bạch Miêu, nhờ đó Lưu Vĩnh Phúc được triều đình nhà Nguyễn phong làm “ Cửu phẩm bách hộ ” để tiếp tục bình định vùng này.
Được sự bảo hộ của Triều đình, quân Cờ Đen ngày càng lớn mạnh, mở rộng ra đến vùng châu Bảo Thắng vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của các thương gia có vũ trang người Quảng Đông, rồi tự ý khai thác và thu thuế các hoạt động thương mại buôn bán giữa hai nước tại vùng này.
Lúc này ở Trung Quốc, Ngô Vương thấy quân Cờ Đen có những chiến thắng dễ dàng liền cho quân đến vùng Hà Giang lập quân Cờ Vàng, rồi mở rộng địa bàn đến Lào Cai và mâu thuẫn với quân Cờ Đen ở đây. Năm 1869 quân Cờ Đen mai phục đánh tan quân Cờ Vàng rồi đuổi đến tận Hà Giang, rồi phối hợp cùng quân nhà Nguyễn và quân Thanh đánh quân Cờ Vàng.
Cũng nhờ đó, quân Cờ Đen được cả Triều đình nhà Nguyễn và nhà Thanh bảo trợ. Khi quân Pháp xâm lược Đại Nam, kéo ra Bắc hà, Triều đình nhà Nguyễn quyết định sử dụng quân Cờ Đen chống Pháp, giao trọng trách này cho Hoàng Kế Viêm.
Bấy giờ Garnier chỉ huy quân Pháp tiến ra Bắc Hà, sau khi chiếm Hà Nội thì tiếp tục đánh chiếm Nam Định và Sơn Tây. Khi đó quân Cờ Đen tấn công vào các Phủ quanh Hà Nội.
Năm 1873, hơn 500 quân Cờ Đen cùng quân nhà Nguyễn tiến đánh quân Pháp ở thành Hà Nội, Garnier cho trọng pháo bắn trả khiến quân Đại Nam phải rút lui. Garnier cho quân mang trọng pháo ra khỏi thành và truy đuổi theo. Quân Pháp bị quân Cờ Đen mai phục tấn công, Garnier bị đâm chết. Quân Pháp bị mất tướng quân, lâm vào thế hoảng loạn và phải rút lui.
Năm 1882, Rivière chỉ huy quân Pháp lần thứ hai ra Bắc Hà, tiến đánh thành Hà Nội. Vũ khí thô sơ không sao chống nổi hỏa lực mạnh của quân Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu đã thắt cổ chết cùng với thành Hà Nội.
Sau khi chiếm được Hà Nội, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm được Nam Định, Hòn Gai và nhiều nơi khác. Quân Cờ Đen lại kéo đến chiếm và đóng quân tại phủ Hoài Đức, rồi gửi thư cho Rivière thách đánh.
Rivière nhận thư thì liền quyết cho quân tiến đánh phủ Hoài Đức nơi quân Cờ Đen đang đóng, nhưng tới cầu Giấy thì bị quân Cờ Đen mai phục tấn công bao vây tiêu diệt. Rivière bị trúng đạn chết tại chỗ, mất chỉ huy quân Pháp hoảng loạn phải rút chạy vào thành Hà Nội.
Sau trận đó quân Cờ Đen tham gia những trận đánh lớn khác như phòng thủ thành Sơn Tây khiến quân Pháp bị thiệt hại rất nhiều, phòng thủ thành Hưng Hóa, đánh quân Pháp ở Lạng Sơn, bao vây một tiểu đoàn quân Pháp tỉnh Tuyên Quang.
Để chấm dứt cuộc chiến tranh Pháp-Thanh (bao gồm cả vùng Bắc hà của Đại Nam), nhà Thanh và Pháp đã ký hiệp ước, theo đó quân Cờ Đen phải giải tán và Lưu Vĩnh Phúc trở về Trung Quốc.
Trần Hưng
Mời xem video :