Người Trung Quốc nhầm lẫn đảng với chính phủ, với quốc gia, với dân tộc
Nhiều người dân Trung Quốc Đại Lục ngày nay cảm thấy rằng phản đảng chính là phản chính phủ, chính là phản dân tộc, chính là không...
Nhiều người dân Trung Quốc Đại Lục ngày nay cảm thấy rằng phản đảng chính là phản chính phủ, chính là không yêu nước, chính là phản Trung Hoa, chính là bán nước, chính là làm người Trung Quốc mất mặt, bôi nhọ dân tộc. Vấn đề là ở chỗ, người dân Trung Quốc đang không thể ngăn nổi sự lẫn lộn về tình cảm sau nhiều năm ở dưới sức ép tuyên truyền. Blogger Trương Nham chia sẻ bài viết về vấn đề này trên trang cá nhân của mình.
Trong số những người phê bình tổng thống Mỹ, không có ai bị công kích là không yêu nước. Những người phê phán Đảng Cộng hòa hay Dân chủ của Mỹ cũng sẽ không bị ai công kích là không yêu nhân dân Mỹ. Phản đối đảng cầm quyền hoàn toàn không có nghĩa là phản đối chính phủ Mỹ. Dù cho người Mỹ đứng trước Nhà Trắng tại nước Mỹ hay ở bên ngoài nước Mỹ mà phản đối chính phủ Mỹ cũng sẽ không bị ai chụp mũ là không yêu nước, cũng không bị mọi người nghĩ rằng họ đang làm người Mỹ mất mặt. Phản đối bất kỳ một đảng nào đó lại càng không bị mang tội danh là kích động làm hỗn loạn quốc gia.
Nhưng khi có người vạch trần Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phê bình những đen tối trong xã hội Trung Quốc là hậu quả sự cầm quyền của đảng, thì rất nhiều người Trung Quốc Đại Lục lại lớn miệng mắng rằng: “Anh có phải người Trung Quốc không?” Tương tự, ở hải ngoại nếu có người kháng nghị trước Đại sứ quán Trung Quốc, cũng sẽ có rất nhiều người phẫn nộ không kiềm chế được, cho rằng làm người Trung Quốc mất mặt. Tại sao lại như vậy?
Khi chính phủ nước ngoài muốn phê phán ĐCSTQ, thì chính quyền này sẽ bất chấp lý lẽ mà phản đối, nhân dân dưới tác động của tuyên truyền cũng sẽ phụ họa theo. Sự phẫn nộ của những người này thường xuất phát từ nội tâm bị méo mó của họ. Khi có người vạch trần hành vi ác độc hay bất chính của ĐCSTQ, thì người nghe lại cảm thấy mất mặt từng thời từng khắc. Họ cho rằng vì công khai những chuyện xấu của ĐCSTQ mà họ sẽ bị người nước ngoài khinh miệt, xem thường họ, khiến họ không còn thể diện khi đứng trước người nước ngoài.
Nhưng người nước ngoài căn bản không có phản ứng này. Người Trung Quốc dám vạch trần một chính quyền chuyên chế, ngược lại càng khiến người nước ngoài khâm phục dũng khí và lương tâm. Vậy thì vì sao người Trung Quốc lại mắc chứng bệnh “hoang tưởng mất thể diện” này? Nguyên nhân sâu xa chính là do người Trung Quốc nhầm lẫn khái niệm giữa đảng và chính phủ, đảng và quốc gia, đảng và dân tộc. Rất nhiều người vô hình chung đã coi yêu nước đồng nghĩa với yêu đảng, cho rằng phê bình ĐCSTQ chính là phê bình Trung Quốc, phản đối ĐCSTQ chính là phản đối Trung Hoa, chính là đồng nghĩa với bán đứng người dân Trung Quốc.
Sau khi ĐCSTQ đoạt được chính quyền, đã gọi “thay triều đổi đại” thành “kiến quốc” , tiếp đó còn dùng dáng vẻ “cứu thế” mà bắt đầu tiến hành tuyên truyền nhồi nhét mấy chục năm trên mảnh đất Trung Hoa rộng lớn. Theo tuyên truyền “kiến quốc” của ĐCSTQ thì dường như 5.000 năm lịch sử của Trung Hoa hoàn toàn chưa từng tồn tại trên trái đất. Cho nên, chính phủ trở thành chính phủ mãi không thay đổi do đảng sáng lập, quốc gia trở thành quốc gia do đảng sáng tạo lãnh đạo trọn đời, dân tộc trở thành dân tộc do đảng tới cứu thế, đại biểu một cách vô điều kiện. Không có ĐCSTQ, chính phủ sẽ trở thành vô chính phủ, quốc gia sẽ trở nên hỗn độn, dân tộc sẽ thành nô lệ mất nước. Đảng quy định cho mình quyền “chí cao vô thượng” , điều khiển “chính phủ”, “quốc gia”, “dân tộc” . Câu khẩu hiệu “phản đảng, phản nhân dân” vốn quàng hai chuyện không hề liên can tới nhau lại, sau một thời gian dài được tuyên truyền, mọi người Trung Quốc đều coi là chân lý.
Nhằm ổn định sự thống trị của đảng, ĐCSTQ kiểm soát xã hội và mọi phương diện trong cuộc sống của người Trung Quốc một cách nghiêm ngặt. Cơ cấu của đảng từ trung ương cho đến vùng xa xôi hẻo lánh nhất, không nơi nào không có mặt. Bên cạnh các cơ quan của chính phủ tương ứng là các cơ quan của Đảng: “Quân ủy trung ương” và “Quân ủy quốc gia” , “Trung ương đảng” và “Quốc vụ viện” , “Tỉnh ủy” và “Ủy ban nhân dân tỉnh” , “Huyện ủy” và “Ủy ban nhân dân huyện” , “Xã ủy” và “Ủy ban nhân dân xã” . Chính phủ có “Công an kiểm sát hành pháp” , đảng có “Ủy ban Chính trị Pháp luật” , chính phủ có “Đài truyền hình và phát thanh” , đảng có “Bộ tuyên truyền” , chính phủ có “Ủy ban nhân sự”, đảng có “Ủy ban tổ chức”, chính phủ có “Ủy ban giám sát”, đảng có “Ủy ban kiểm soát”. Bên cạnh đó, quan chức chính phủ đều nhận lệnh từ hệ thống ĐCSTQ, và tuyệt đại đa số đều là đảng viên. Tính hai mặt trong thân phận, vừa là quan chức vừa là đảng viên này, lại càng khiến đảng và chính phủ bắt rễ đan xen vào nhau.
Trong một xã hội thông thường, đảng viên, cơ cấu tổ chức của các đảng phái không được những người nộp thuế cấp dưỡng, chỉ có cơ quan chính phủ phục vụ người dân là nhận được lương từ tiền thuế của dân. Nhưng ĐCSTQ lại trực tiếp làm con đỉa hút máu bám trên thân chính phủ, đủ loại cơ cấu đảng vụ chuyên trách, bán chuyên trách được cấp dưỡng từ những đồng tiền mồ hôi xương máu của những người nộp thuế một cách cưỡng chế. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người Trung Quốc không thể phân biệt được rõ ràng khái niệm đảng và chính phủ, và quốc gia, và dân tộc.
Lãnh đạo ĐCSTQ trong các chuyến công du nước ngoài hiện nay, nhất là ở các nước phương Tây tự do, thường có một cảnh tượng rất đặc biệt, chính là có một nhóm người kháng nghị, lại cũng có nhóm người hoan nghênh. Nhóm người kháng nghị thì bao gồm các nhà hoạt động và nhân quyền, cũng như những người ủng hộ các tôn giáo bị đàn áp như Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hay Pháp Luân Công. Nhóm người hoan nghênh thì do ĐCSTQ tổ chức, mục đích sắp xếp họ tới là nhằm vào nhóm người kháng nghị. Những người hoan nghênh đó luôn nghĩ rằng họ là vì mặt mũi của người Trung Quốc, “trong thời khắc phấn khởi lãnh đạo tới viếng thăm” thì đi kháng nghị là “việc không đúng lúc”. Những người đi hoan nghênh cảm thấy họ đang biểu đạt nhiệt tình yêu nước nhằm đối phó với nhóm người kháng nghị, nhưng thử hỏi vì sao chỉ có lãnh đạo Trung Quốc là gặp người kháng nghị đông đảo đến vậy? Ví dụ như năm 2006 khi Hồ Cầm Đào viếng thăm tòa Nhà Trắng của Mỹ, đã có đến hơn 2.000 người tới kháng nghị. Sự thật là vì ở trong nước căn bản là không hề có cơ hội kháng nghị, hễ động một chút là bị khép tội “làm loạn trật tự xã hội” , phải ngồi tù, bị liên lụy tới người thân.
Các phương diện đan xen nói trên khiến những người Trung Quốc trên lý luận không phải là không hiểu các khái niệm đảng, quốc gia, chính phủ, dân tộc; nhưng trong quá trình trải nghiệm cuộc sống thực tế và trầm luân ở trong vòng luẩn quẩn đó sẽ khó tránh khỏi nhầm lẫn.
Blogger Trương Nham
Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả
Mời xem video :