Người trồng sầu riêng thắng lớn

Chia sẻ Facebook
25/11/2022 11:26:25

Kể từ khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng trong nước tăng gấp đôi, gấp ba. Người trồng sầu riêng rất hào hứng, phấn khởi. Uy tín của nông sản Việt Nam tại Trung Quốc cũng được nâng cao.


Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), chia sẻ như vậy với báo chí ngày

24-11 về tình hình xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Trung nói: "Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng chúng ta mới chỉ xuất khẩu được 30.000 tấn là do còn ít mã số vùng trồng được phê duyệt".

* Chất lượng sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Các giống sầu riêng của Việt Nam đang trồng như Ri6, Dona (hay còn gọi Monthong) rất ngon. Giống quyết định đến 90% chất lượng, còn lại là biện pháp canh tác, kỹ thuật chăm sóc... Chất lượng sầu riêng Việt Nam được đánh giá top đầu trên thế giới.

Khi xuất sang Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cạnh tranh ngay với sầu riêng của Thái Lan, Malaysia. Điều đó được thể hiện bởi nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu năm 2022 lên tới 1,3 triệu tấn, tương đương sản lượng hiện tại của Việt Nam.

* Thái Lan, Malaysia đều có thương hiệu sầu riêng ở thị trường Trung Quốc, Việt Nam có tính đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sầu riêng?

- Điều này rất cần nếu muốn mở rộng diện tích, sản lượng xuất khẩu và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các loại trái cây, nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu do Bộ Công Thương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), còn chúng tôi có trách nhiệm đàm phán kỹ thuật, mở cửa thị trường, tập huấn địa phương, người dân tổ chức sản xuất, đóng gói theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

* Việc ký hàng loạt nghị định thư về chuối, sầu riêng, khoai lang… với Trung Quốc sẽ thúc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới?

- Việc ký kết các nghị định thư tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, tạo động lực để nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp, bài bản và quy mô lớn hơn. Theo yêu cầu của nước nhập khẩu như Trung Quốc, các vùng trồng được cấp mã phải 10ha trở lên. Các vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng thấp nhất cũng 12ha, có mã lên tới hàng trăm ha.

Điều này tạo điều kiện cho người dân chung tay liên kết với nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều. Chất lượng tốt, giá cả tăng lên. Chẳng hạn, giá sầu riêng đã tăng gấp ba lần trước khi có nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.

Tuy vậy, người dân cần chuyên nghiệp hơn nữa, doanh nghiệp phải phối hợp với nhau, phải phối hợp với người dân, HTX để tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn và đảm bảo chất lượng.

* Trung Quốc có thể dừng, hủy nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Khâu hậu kiểm như thế nào để duy trì chất lượng sản phẩm, thưa ông?

- Hằng năm, Trung Quốc sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Do đó, ngoài sự giám sát của ngành nông nghiệp, người dân, doanh nghiệp và địa phương phải luôn trong tâm thế là phía Trung Quốc sẽ kiểm tra bất cứ lúc nào các vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Ngoài việc cố gắng ngăn chặn giả mạo, mượn mã số không phép, chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói khi muốn ủy quyền phải gửi văn bản về cục để giám sát tại các cửa khẩu thông quan. Nếu không đúng, chúng tôi yêu cầu quay đầu.

Cục Bảo vệ thực vật vừa gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồ sơ các mã vùng trồng chưa được phê duyệt trong lần kiểm tra đầu tiên và 150 mã số vùng trồng mới.

Dự kiến tuần sau, phía Trung Quốc sẽ kiểm tra, đánh giá. Sang năm 2023, khi diện tích vùng trồng được phê duyệt mở rộng, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng mạnh.

Chia sẻ Facebook