Người trí không vì tham lợi mà làm tổn hại đạo nghĩa

Chia sẻ Facebook
03/05/2023 09:44:44

"Người nhân đức sẽ không vì để thỏa mãn dục vọng cá nhân mà làm hại sinh mệnh, người trí tuệ sẽ không vì tham lợi mà làm tổn hại đạo nghĩa".


Sách “Hoài Nam Tử” viết: “Người nhân đức sẽ không vì để thỏa mãn dục vọng cá nhân mà làm hại sinh mệnh, người trí tuệ sẽ không vì tham lợi mà làm tổn hại đạo nghĩa. Bậc thánh nhân lo xa nghĩ rộng, suy trước tính sau, suy xét vấn đề về lâu về dài. Người ngu dốt thì chỉ có tầm nhìn thiển cận, hạn hẹp”. Bởi vậy những người trung thành luôn cố gắng phát huy đức hạnh cao thượng của bậc quân vương, còn kẻ nịnh bợ thiển cận thì luôn dốc lòng vào món lợi nhỏ, chỉ hối thúc quân vương mở mang bờ cõi mà tổn hại đạo nghĩa, chuốc lấy thất bại.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)


Thời Xuân Thu, Hạ Trưng Thư sát hại quốc quân của nước Trần là Trần Linh Công, sau đó lên ngôi vua nước Trần. Hạ Trưng Thư phạm vào tội hành thích vua, vì thế Sở Trang Vương đã phát binh thảo phạt.


Quân Sở đông và mạnh lại có thần dân nước Trần hiệp trợ, vì thế Sở Trang Vương đã nhanh chóng đánh bại và bắt được Trưng Thư. Hạ Trưng Thư bị vua Sở mang tới Lật Môn xé xác. Hạ Trưng Thư chỉ làm vua được vài tháng. Sau khi Sở Trang Vương thảo phạt kẻ có tội đã cho lưu lại một đội quân đóng tại nước Trần. Ông còn định lập nước Trần thành một huyện của nước Sở. Các đại phu của nước Sở đều chúc mừng Sở Trang Vương.

Lúc ấy, Thân Thúc Thời đang đi sứ nước Tề, sau khi trở về nước thì ông không hướng đến Sở Trang Vương mà chúc mừng như những đại phu khác, đồng thời cũng không tán đồng việc nước Sở cho quân đóng tại nước Trần.


Sở Trang Vương thấy vậy liền hỏi Thân Thúc Thời: “Bề tôi nước Trần phản bội vua, là kẻ đại nghịch bất đạo. Ta phát động đại quân thảo phạt bọn họ, bình ổn bạo loạn, trừng phạt kẻ có tội, quần thần đều đến ăn mừng và tỏ vẻ khen ngợi. Duy chỉ có ông là không chúc mừng cũng không tán đồng, như thế là vì sao?”


Thân Thúc Thời đáp: “Có người dắt trâu dẫm lên ruộng nhà người khác, người chủ ruộng kia giết người chủ trâu và bắt luôn cả con trâu ấy. Tội lỗi của người dắt trâu là rõ ràng, nhưng người vừa giết chủ trâu lại vừa bắt trâu của anh ta thì lại không đúng. Hôm nay quân vương ngài cho rằng kẻ hành thích vua là có tội đại nghịch bất đạo, phát binh chinh phạt, giết chết tội thần nhưng lại đóng quân ở nước Trần như vậy sẽ khiến các chư hầu khác cho rằng mục đích ngài phát binh chinh phạt không phải là tru sát tội thần mà là thèm muốn quốc gia của người khác. Thần nghe nói, người quân tử sẽ không vứt bỏ đạo nghĩa để giành lấy lợi ích”.


Sở Trang Vương nghe xong liền khen ngợi: “Ngươi nói rất hay!”


Thế là Sở Trang Vương đã hạ lệnh cho quân đội rút khỏi nước Trần, đồng thời còn lập con cháu của quốc quân nước Trần là thế tử Ngọ lên làm quốc quân mới. Các chư hầu sau khi biết việc này đều đến nước Sở tỏ ý quy phục. Đây chính là thần tử trung thành biết phát huy đức hạnh cao thượng của bậc quân vương.


Cũng có những trường hợp ngược lại. Thời Xuân Thu, Trương Võ, gia thần nhà họ Trí đã khuyên tông chủ họ Trí là Trí Bá rằng: “Trong sáu họ của nước Tấn thì họ Trung Hàng và họ Phạm là nhỏ yếu nhất, hơn nữa nội bộ lại lục đục, hiện giờ đúng là lúc có thể thảo phạt để mở rộng lãnh địa”.

Trí Bá nghe theo mưu kế của Trương Võ phát binh tấn công họ Phạm, họ Trung Hàng, tiêu diệt họ. Sau đó, Trương Võ lại xui khiến Trí Bá đánh chiếm lãnh thổ của ba họ Ngụy, Hàn và Triệu. Họ Hàn và họ Ngụy vì nhân nhượng cho khỏi phiền hà nên đã cắt đất cho Trí Bá, nhưng họ Triệu nhất mực không chịu nhượng bộ. Trí Bá vì thế đã uy hiếp họ Ngụy và họ Hàn cùng mình tấn công họ Triệu, bao vây Tấn suốt ba năm.

Về sau, họ Ngụy, Hàn và Triệu âm thầm liên kết lại, bí mật bàn bạc, đồng lòng tấn công Trí Bá. Cuối cùng họ đã tiêu diệt gia tộc Trí Bá.

Đây là ví dụ về việc kẻ nịnh bợ chỉ tận sức với món lợi trước mắt, giúp mở rộng lãnh thổ cho quốc quân nhưng không theo đạo nghĩa.

Tận sức phát huy đức hạnh cao thượng của bậc quân vương, quân vương cuối cùng xưng bá thiên hạ. Tận sức mở rộng lãnh thổ cho quân vương, cuối cùng quân vương bị người ta tiêu diệt. Cho nên, quốc gia nhỏ như họ Thương họ Chu, cho dù chỉ có ngàn binh xe nhưng nếu thực hành được đức chính thì có thể xưng vương thiên hạ. Trái lại, cho dù một nước lớn có hàng vạn binh xe mà lại chỉ thích mở rộng lãnh thổ, lấn chiếm lãnh địa của người khác, tổn hại đến đạo nghĩa thì cuối cùng phải chịu diệt vong.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Đạo trị quốc của cổ nhân: Bậc minh quân tu nội mà an ngoại


Mời nghe radio :

Chia sẻ Facebook