Người trẻ xem nhẹ việc đúng giờ: "Chúa tể" của những cuộc hẹn cao su
Chuyện không của riêng ai, hẹn bạn bè 7h là y như rằng phải 8h mới có mặt đầy đủ. Nhiều người cho rằng giới trẻ ngày càng xem nhẹ việc đúng hẹn, đúng giờ giấc, thường xuyên 'cao su'.
Trong những cuộc gặp mặt thông thường sẽ có 2 kiểu người: Một bên hào hứng, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đến đúng giờ và một bên chậm rãi, nói không với việc vội vã, những người này thường xuyên tới trễ, quá giờ hẹn.
Chúng ta chắc hẳn cũng có lấy đôi, ba người quen như thế. Hẹn nhau lúc 7h tối, nếu bạn là người đúng giờ thì có nghĩa là bạn đến sớm, những người còn lại phải 7h30 - 8h mới có mặt đông đủ. Lâu ngày trở thành thói quen, người đến đúng giờ cũng không khó chịu vì phải chờ đợi, người tới muộn lần sau vẫn cứ muộn. Cũng từ đây, nhiều quan điểm được đưa ra cho rằng: Người trẻ ngày nay đang xem nhẹ việc đúng giờ. Người tuân thủ giờ giấc lại luôn phải chờ đợi những người đi trễ.
Hẹn 7h, 8h gọi điện: "Đang đến rồi, 5 phút nữa thôi"
Có muôn vàn những câu chuyện về việc trễ giờ. Đã từ lâu, việc "đi muộn một chút có sao đâu" trở thành lẽ hiển nhiên. Người ta cũng dễ dàng cho qua, chẳng muốn đem ra trách móc hay nói nhau qua lại. Thế nhưng, người đến đúng giờ hẳn cũng không vui vẻ, mất nhiệt với những cuộc hẹn, còn người tới trễ lại xem đó là chuyện bình thường, nói nhanh lời xin lỗi rồi lần sau có khi lại như thế.
Chuyện thường thấy ở một nhóm bạn chơi chung. Cả nhóm hào hứng có cuộc hẹn cafe vào lúc 7h. Bạn A 6h50 đã có mặt, một lúc sau khoảng 7h10 bạn B có mặt. Tuy có trễ 10 phút nhưng đây cũng là thời gian tạm chấp nhận được. Thế nhưng C mãi 7h30 còn chưa thấy bóng dáng, y như rằng 7h45 mới đến và cũng cười xòa cho xong chuyện kèm lời giải thích: "Xin lỗi nhé, tại có chút việc đột xuất." Đáng nói, đây cũng không phải lần đầu tiên C đến muộn. Người này thường xuyên tới trễ tới mức được gọi là "chúa tể trễ giờ", thương hiệu đính kèm với bản thân, những người chơi cùng cũng đã thấy quen dần.
Trễ lịch đi chơi, hẹn bạn bè đã đành, nhiều người còn tới muộn trong những dịp quan trọng như: họp công ty, hẹn phỏng vấn,... Lý do luôn được đưa ra để bào chữa cũng nhiều vô kể: có việc đột xuất, tắc đường, hỏng xe,... Cũng có những sự kiện, cuộc hội thảo phải bắt đầu muộn hơn so với dự kiến chỉ vì khách mời tới trễ so với lịch hẹn. Có đám cưới nọ hẹn khách 10h bắt đầu ăn tiệc mà 11h khách vẫn chưa đến đủ.
Một điển hình của việc xem nhẹ giờ giấc ở người trẻ đó là đi làm muộn. Nhiều người sáng nào cũng trong tình trạng ngái ngủ, đầu tóc rối bù, mặt mũi sưng húp, biết là muộn làm nhưng thường xuyên như vậy cũng thành quen. Từ trễ 5 phút, ngày mai sẽ là 10 phút, ngày kia 15 phút và ngày kìa có thể là 30 phút không biết chừng, nếu không tự ý thức được thói quen này, với nhiều người trễ giờ là chuyện thường tình.
Tưởng vô hại nhưng hại không tưởng
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ trên báo Thanh Niên, xuất phát từ việc ý thức cá nhân kém và thói quen rề rà, trễ hẹn lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen xấu. Lâu ngày thói quen này sẽ “bám rễ” vào tư tưởng, thái độ sống, làm việc của người trẻ và trở thành một nét tính cách không tốt. Không những vậy, các bạn trẻ sẽ tự đánh mất uy tín cá nhân, đôi khi tự làm mất cơ hội quý giá của mình. Một người thường xuyên quá giờ, trễ hẹn sẽ không được đánh giá cao trong mắt người đối diện.
Đừng nghĩ rằng mình trễ có 5 - 10 phút sẽ không sao. Sự chậm trễ có thể biến bạn trở thành một người không chuyên nghiệp trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn. Sẽ không ai muốn thân thiết hay kết nối với một người sơ hở là trễ hẹn, luôn khiến ai đó phải chờ đợi mình. Tệ hơn, việc bạn đi trễ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn mà còn vô tình làm lãng phí thời gian của người khác, thậm chí là cả một tập thể.
Nếu bạn là người hay trễ giờ chứng tỏ bạn ít để tâm đến công việc, kỹ năng quản lý thời gian kém, không biết ưu tiên chuyện gấp, chuyện quan trọng với chuyện vặt. Dù bạn có giỏi giang, làm việc tốt đến mức nào, việc đến trễ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh và cách người khác nhìn nhận bạn. Đúng giờ là một trong những quy tắc căn bản khi bạn làm việc với người khác.
Lối sống chậm trễ thậm chí còn có thể lây lan. Có người bình thường rất đúng giờ nhưng sau một thời gian thường xuyên bị cho "leo cây" cũng dần quen với việc đến muộn và có suy nghĩ: "Kiểu gì anh ấy/cô ấy chẳng đến muộn, thôi mình cũng đi trễ một chút cũng không sao".
Trễ giờ không thể là chuyện bình thường!
Hãy nghĩ rằng trễ giờ không thể là chuyện hiển nhiên trong công việc, cuộc sống. Nếu bạn đang là người thường xuyên trễ hẹn hãy chấn chỉnh và xem lại bản thân mình. Chúng ta cần có kế hoạch và một thời gian biểu hợp lý để luôn đúng giờ trong mọi cuộc hẹn. Nếu thật sự có chuyện phải đến muộn, hãy thông báo cho đối phương để họ không sốt ruột.
Đúng giờ là một trong những quy tắc căn bản để làm việc cùng người khác và cũng là tác phong đầu tiên thể hiện sự chuyên nghiệp. Chính vì vậy, dù là trong cuộc hẹn gần gũi, thân mật với bạn bè hay bất cứ nơi đâu, hãy luôn đúng giờ. Chủ động trong việc nắm bắt thời gian sẽ giúp cho cuộc sống của bạn không bị đảo lộn.
Có những thói quen vô cùng khó bỏ. Thế nhưng nếu tiếp tục một thói quen xấu, ảnh hưởng tới bản thân và những người khác, hãy cố gắng nhìn lại suy nghĩ của mình và tìm cách thay đổi nó, dù chỉ là một chút.
Bạn có suy nghĩ gì về văn hóa trễ hẹn của người trẻ hiện nay. Hãy chia sẻ câu chuyện bạn gặp phải ở phần bình luận cùng chúng tôi nhé. Ngoài ra, những thông tin hấp dẫn sẽ liên tục được cập nhật tại YAN TV .
Đúng giờ cũng là nét đẹp văn hóa cần được coi trọng. Bạn sẽ trở nên chuyên nghiệp và có được thiện cảm từ người đối diện khi tác phong nhanh nhẹn, luôn đúng hẹn. Bất kể trong cuộc sống đời thường hay trong công việc, hãy luôn đúng giờ. Không nên khiến người khác lo lắng hay phải chờ đợi mình trong một thời gian dù là ngắn hay dài.