Người trẻ xa nhà "lười biếng" gọi điện về cho gia đình
Cuộc sống hiện đại có nhiều thú vui khiến người trẻ sao nhãng việc quan tâm tới gia đình, người thân. Nhiều người mải mê với những cuộc vui từ bạn bè mà quên dành thời gian hỏi thăm ông bà, bố mẹ, anh chị em.
Bạn có thường xuyên gọi điện về cho gia đình?
Cuộc sống hiện đại, những đứa trẻ sẽ trưởng thành và rời xa vòng tay của bố mẹ để đến vùng đất, chân trời mới. Ở nơi xa, vòng quay cuộc sống, những thú vui bao quanh khiến nhiều người sao nhãng đến việc hỏi thăm, quan tâm đến người thân của mình.
Bạn đang học tập, sinh sống tại một thành phố xa nhà. Công việc bận rộn, những cuộc hẹn, tụ tập bạn bè liên miên ngày nối ngày, đã bao giờ bạn "giật mình" nhận ra đã khá lâu bản thân chưa gọi điện để hỏi thăm bố mẹ?
"Lười biếng" dù chỉ là một cuộc gọi
Tôi từng xem MV ca nhạc Lớn Rồi Còn Khóc Nhè của nam ca sĩ Trúc Nhân. Hình ảnh Trúc Nhân - đại diện cho những người trẻ luôn bận rộn trong cuộc sống, quay cuồng với deadline, với những áp lực công việc mà đôi khi hờ hững với người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. Anh chàng vội vàng tắt máy khi thấy mẹ gọi điện. Và tôi bỗng thấy bóng hình của mình trong câu chuyện mà Trúc Nhân kể. Còn bạn thì sao?
Bạn đã từng cảm thấy mình "lười biếng" với việc gọi điện về cho bố mẹ, bạn thậm chí hoãn việc đó từ ngày này sang ngày khác. Thứ 2 đầu tuần nhiều việc thôi để mai sẽ gọi điện về, thứ 3 lại có hẹn đi ăn với đồng nghiệp, thứ 4 hội bạn thân lại rủ đi cafe,... cứ thế có khi 3 - 4 ngày, thậm chí cả tuần có người mới chợt nhớ ra mình đã lâu chưa gọi về cho bố mẹ. Cũng có những trường hợp bố mẹ đợi lâu không thấy con liên lạc liền chủ động gọi trước. Thế nhưng cũng chỉ là những câu hỏi han vội vã, lời hồi đáp qua loa: "Mấy hôm nay con bận quá", "Con phải đi rồi, bố mẹ gọi lại sau nhé",...
- "Tôi nhớ lại khoảng thời gian năm tôi 18 tuổi, khi ấy, lần đầu tiên xa nhà để đến một thành phố mới học tập, tôi lạ lẫm với mọi thứ xung quanh và nhớ nhà vô cùng. Suốt học kỳ I năm nhất đại học, tần suất tôi gọi điện về nhà có thể nói nhiều không đếm xuể. Thế nhưng, thời gian trôi đi, việc học dồn dập, tôi bắt đầu quen với nơi ở mới, con người mới. Những cuộc gọi hàng chục phút đồng hồ cho mẹ cũng rút ngắn chỉ còn vài phút. Ít dần, ít dần,... từ mỗi ngày gọi 1 lần xuống vài ngày gọi 1 lần. Đến thời điểm hiện tại, xa nhà đã hơn 10 năm, tôi nhận ra mình ngày càng ít gọi điện về cho gia đình."
- "Mình xa nhà cũng đã được 4 năm. Khoảng 2 - 3 ngày mình gọi điện hỏi thăm sức khỏe bố mẹ 1 lần."
- "Mỗi lần gọi điện, hỏi thăm sức khỏe bố mẹ rồi mình cũng tắt máy. Vì quả thật cũng không có nhiều chuyện để nói cùng bố mẹ. Có lẽ do mình đã trưởng thành, có nhiều vấn đề cũng ngại kể lể sợ bố mẹ lo lắng".
Có nhiều lý do mà người ta đưa ra để "trì hoãn" những cuộc gọi về cho gia đình. Bận rộn, không có chuyện gì để nói,... dù là lí do gì đó cũng có thể gọi là sự "lười biếng". Tất nhiên, ai cũng có công việc của riêng mình, nhưng 1 cuộc gọi hay một tin nhắn cũng sẽ chẳng tốn kém quá nhiều thời gian. Chúng ta vẫn có thời gian sắp xếp những cuộc hẹn cafe, những buổi tụ tập bạn bè, thì sẽ chẳng khó khăn để cầm điện thoại lên và gọi về cho bố mẹ, hoặc đơn giản nhắn 1 tin để họ yên tâm.
Đừng bao giờ để yêu thương quá muộn
Khi chúng ta trưởng thành, cuộc sống vội vã, bận rộn khiến nhiều người cho rằng, việc gọi điện về cho bố mẹ giống như một báo cáo hàng ngày. Những cuộc gọi nhanh chóng, chỉ nói vài 3 câu đã vội tắt máy. Về phía những người trẻ là như thế, nhưng ở đầu dây bên kia, với bố mẹ việc nhận được cuộc gọi từ con là điều vô cùng quý giá. Đứa con bé bỏng ngày nào cũng cần chăm bẵm nay đã trưởng thành và sống ở 1 nơi xa lạ, bố mẹ lo hôm nay trời nắng mưa thất thường con đi làm vất vả, đứng ngồi không yên chẳng biết con đã ăn cơm chưa, có nhịn đói, có bị ốm, bị mệt,... hay không?
Tôi đã từng đọc được một bình luận như sau: "Bố mẹ thường gọi cho tôi trước, đều đặn một tuần 2 lần, đều đặn đến mức tôi coi nó là thói quen, coi nó là nghiễm nhiên, và rằng tôi đã từng nghĩ chẳng cần gọi về nhà đâu, vì kiểu gì thì hai người cũng liên lạc với tôi thôi mà." Vậy đấy, bố mẹ luôn nhớ và mong chờ những cuộc gọi từ chúng ta. Nhưng đó là khi bố mẹ còn khỏe, còn có thể gọi điện cho ta, sẽ thật tồi tệ nếu 1 ngày họ bị ốm hay chẳng thể gọi điện cho bạn thường xuyên nữa.
Vậy nên, cuộc sống dù có bộn bề đến đâu, chúng ta cũng sẽ có đôi ba phút rảnh rang, hãy nhấc điện thoại lên và gọi về nhà, có thể chẳng cần nói gì cao sang, tình cảm, chỉ vài câu trần thuật kể về cuộc sống của bạn thôi, hay đơn giản hỏi: "Bố mẹ đã ăn cơm chưa", "Bố mẹ đang làm gì" , ... cũng đã khiến những người làm cha, làm mẹ yên tâm và hạnh phúc.
Cuộc sống hối hả ai cũng bận rộn với công việc của chính mình. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian để gọi điện cho gia đình. Ta sẽ chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai, vì vậy, hãy luôn yêu thương, quan tâm, hỏi han đến người thân của mình. Ngày nào còn nhận được cuộc gọi từ gia đình đó là niềm hạnh phúc, hãy trân trọng những khoảnh khắc đáng quý.
Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY !