Người trẻ Trung Quốc khó mua nhà

Chia sẻ Facebook
08/10/2022 08:06:56

Đối với thế hệ millennials - những người trải qua hơn 30 năm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không ngừng nghỉ, những bế tắc khi mua nhà được xem là cuộc khủng hoảng đầu tiên đối với họ.

Li (34 tuổi), sống tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đã lên sẵn kế hoạch cho tương lai: mua một căn hộ nhỏ, sau đó kết hôn với bạn gái - người đang mang trong mình đứa con của anh. Tuy nhiên, khủng hoảng nhà đất tại đại lục khiến mọi thứ thay đổi. Li hiện tại không vợ, không con, không nhà, với độc một khoản vay thế chấp kéo dài 20 năm, theo CNA.

Mọi thứ bắt đầu kể từ khi dự án bất động sản ở Hồ Nam bị tạm dừng. Cha mẹ của cô gái tin rằng con gái họ không nên cưới Li vì nhà cửa chưa đuề huề, sau sẽ khó ổn định.

“Họ nói rằng một căn hộ chưa hoàn thiện không phải là nhà. Cô ấy đã phá thai và chia tay với tôi,” Li kể lại. “Nó đã lấy đi tất cả niềm tin của tôi. Cả thế giới như sụp đổ. Dù tuyệt vọng nhưng tôi không thể làm gì được”.

Câu chuyện được CNA trích dẫn đã phần nào bộc lộ quan niệm từ xa xưa của người dân Trung Quốc. Đối với họ, nhà là một thứ gì đó rất thiêng liêng và ý nghĩa. Ở quốc gia tỷ dân, cũng có một khái niệm gọi là "nền kinh tế mẹ chồng" - nơi hơn 35 triệu đàn ông độc thân chưa tìm được vợ. Các bà mẹ theo đó có quyền lựa chọn cho con gái một người chồng có năng lực tài chính và đủ tiền mua nhà.

“Bất kỳ người đàn ông Trung Quốc nào cũng có thể nói với bạn rằng: Nếu không có tài sản riêng, bạn sẽ gần như không thể tìm được vợ, trừ khi may mắn. Nếu bạn là một người đàn ông bình thường như tôi, chí ít bạn cũng phải có một căn hộ. Còn không, chẳng ai sẵn sàng kết hôn với bạn đâu. Mà ngay cả có đi chăng nữa, liệu bạn có dám kết hôn với cô ấy không? Bạn có cảm thấy điều đó là không công bằng?", Li nói.

Li hiện tại không vợ, không con, không nhà, với độc một khoản vay thế chấp kéo dài 20 năm, theo CNA.

Li chỉ là một trong số hàng triệu người dân Trung Quốc đang phải vật lộn với khủng hoảng nhà đất dai dẳng. Việc các nhà phát triển bất động sản thiếu tiền tạm dừng xây dựng khiến họ gần như mất tất cả.

“Tôi không lạc quan chút nào. Tôi nghe nói giám đốc điều hành của nhà phát triển mới đây còn bị bắt nữa”, một người dân nói.

Được biết khu chung cư chưa hoàn thành của Li nằm ở Tương Đàm. Quá mệt mỏi sau nhiều năm lăn lộn, Li tìm đến nơi có nhịp sống chậm này để tìm một căn hộ giá phải chăng.

Nó được tính theo diện “tài sản bán trước” (presales), tức người mua thanh toán trước một phần, thường khoảng 30% giá trị căn hộ, sau đó tiếp tục trả các khoản thế chấp hàng tháng. Nếu mọi thứ suôn sẻ, ngôi nhà sau khi hoàn thiện sẽ tăng giá rất nhiều so với trước.

Đối với người Trung Quốc, nhà là một thứ gì đó rất thiêng liêng và ý nghĩa.

Theo CNA, khoản tiền trả trước của Li rơi vào khoảng 200.000 nhân dân tệ. Anh vay tiếp ngân hàng 500.000 nhân dân tệ vì không đủ vốn.

“Khoản trả nợ hàng tháng của tôi không nhiều, khoảng 3.000 nhân dân tệ vì căn hộ không lớn lắm,” anh nói.

Có thể, khoản nợ chỉ chiếm gần 35% thu nhập của Li, nhưng đối với một người mua nhà khác tên Tian, khoản thanh toán thế chấp lên tới 2.800 nhân dân tệ/tháng - tức chiếm 70% thu nhập của cả gia đình.

Trước đó, Tian gom góp vay của bố mẹ, bạn bè và ngân hàng, với dự định mua một căn hộ vào năm 2018, khi vợ anh có bầu. Đây cũng là dự án mà Li bỏ tiền vào - thứ lẽ ra phải được hoàn thành và bàn giao vào tháng 8/2020. Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi Tian thất nghiệp trong đại dịch. Mọi gánh nặng tài chính đổ dồn sang cho vợ anh.

Để gây áp lực lên chủ đầu tư và chính quyền địa phương, Tian và một số người mua nhà khác đã chuyển đến khu chung cư chưa hoàn thiện. Họ cũng gửi thư đến các ngân hàng và đe dọa sẽ ngừng thanh toán nếu dự án tiếp tục bị đóng băng.

“Chúng tôi đã nói chuyện với chính quyền và chủ dự án. Họ không thể đưa ra phản hồi rõ ràng, chỉ câu giờ và lừa chúng tôi", Tian cho biết.


Theo: CNA


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook