Người trẻ thích sống thanh đạm: Nỗi lo mới của Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 15:40:00

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Doris Fu tưởng tượng một tương lai khác cho mình và gia đình: ô tô mới, căn hộ rộng rãi, ăn tối ở nhà hàng sang trọng dịp cuối tuần và thỉnh thoảng du lịch các đảo nhiệt đới.

Thay vào đó, người phụ nữ 39 tuổi làm nghề tư vấn tiếp thị ở Thượng Hải trở thành một trong nhiều người trẻ trong độ tuổi 20 và 30 ở Trung Quốc đang cố gắng cắt giảm chi tiêu nhiều nhất có thể, trong bối cảnh thỉnh thoảng lại có đợt phong tỏa vì COVID-19 bùng lên, tỷ lệ thất nghiệp cao và thị trường bất động sản ảm đạm.


“Tôi không còn đi làm móng tay, làm tóc nữa. Tôi chuyển sang dùng các loại mỹ phẩm nội địa”, Fu nói với Reuters .

Xu hướng sống tiết kiệm được những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cổ vũ bằng những chia sẻ cách chi tiêu ít tốn kém và các mẹo tiết kiệm tiền. Xu hướng này đang trở thành một mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi suýt rơi vào tình trạng giảm phát trong quý 2 năm nay. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn một nửa GDP Trung Quốc.

Nhiều người trẻ Trung Quốc chuyển sang lối sống tiết kiệm vì cảm giác bất an. (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi đã vẽ biểu đồ hành vi người tiêu dùng trong 16 năm qua nhưng năm nay mới thấy hiện tượng đáng lo ngại như vậy trong nhóm người tiêu dùng trẻ Trung Quốc”, Benjamin Cavender, giám đốc quản lý Nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc (CMR) cho biết.

Chính sách "zero COVID" để lại tác động đáng kể lên kinh tế Trung Quốc. Việc chính phủ siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ cũng gây nhiều tác động lớn lên lực lượng lao động trẻ.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm từ 16-24 tuổi chiếm gần 19%, giảm nhẹ so với mức 20% hồi tháng 7, theo số liệu thống kê của chính phủ. Nhiều người bị giảm lương, nhất là trong ngành bán lẻ và thương mại điện tử, theo kết quả các cuộc khảo sát. Lương trung bình ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 1% trong 3 tháng đầu năm nay, theo số liệu của hãng tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin.

Vì thế, không ít người trẻ chọn cách sống tiết kiệm hơn.

“Tôi thường xem phim mỗi tháng 2 lần, nhưng chưa từng bước chân vào rạp từ khi đại dịch xảy ra”, Fu cho biết.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tiếp tục tăng lên 5,4% trong tháng 8 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với 7% hồi năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.

Gần 60% người Trung Quốc giờ chuyển sang tiết kiệm nhiều hơn, thay vì mạnh tay chi tiêu và đầu tư, theo kết quả cuộc khảo sát hằng quý của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Tỷ lệ đó cách đây 3 năm là 45%.

Các hộ gia đình Trung Quốc gửi thêm 10,8 nghìn tỷ tệ (1,54 nghìn tỷ USD) vào ngân hàng trong 8 tháng đầu năm nay, tăng đáng kể so với mức 6,4 nghìn tỷ tệ cùng kỳ năm ngoái.

Đó là một vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc, khi nước này từ lâu vẫn dựa vào lượng chi tiêu của người dân để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất giảm lãi suất cơ bản trong năm nay, nhằm khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.


Bữa tối 10 tệ

“Khi thị trường việc làm trở nên khó khăn và sức ép suy giảm kinh tế mạnh mẽ, cảm giác của người trẻ về sự bất an và bất ổn là điều họ chưa từng trải qua”, Zhiwu Chen, giáo sư ngành tài chính tại Trường Kinh doanh thuộc ĐH Hong Kong, cho biết.

Một cô gái độ tuổi 20 ở Hàng Châu, sử dụng nickname Lajiang, thu hút được hàng trăm ngàn người theo dõi với hơn 100 video về cách làm bữa tối giá 10 tệ trên những ứng dụng Xiaohongshu và Bilibili.

Trong video dài 1 phút được gần 400.000 view, cô chuẩn bị bữa ăn với miếng cá basa phi-lê giá 4 tệ, tôm đông lạnh giá 5 tệ, rau 2 tệ, sử dụng một chiếc thớt và nồi cơm điện màu hồng.

Nhiều thảo luận trên mạng xã hội tập trung vào chủ đề tiết kiệm tiền, như “Thách thức chi tiêu 1.600 tệ mỗi tháng” ở Thượng Hải.

Yang Jun, một người luôn phải trả nợ thẻ tín dụng trước khi đại dịch xảy ra, lập một nhóm mang tên Viện Nghiên cứu chi tiêu tiết kiệm trên mạng Douban từ năm 2019. Nhóm này thu hút được 150.000 thành viên. Yang cho biết cô đang tiết kiệm chi tiêu và bán đồ đã sử dụng trên các trang thanh lý để có thêm tiền.

“COVID-19 khiến mọi người cảm thấy bi quan. Bạn không cảm thấy giống như trước đây nữa, không thể tiêu hết số tiền bạn có để tháng sau kiếm tiếp”, cô gái 28 tuổi chia sẻ.


Nguồn: Reuters

Chia sẻ Facebook