Người trẻ sống kiểu 'mặc kệ', nền kinh tế của Trung Quốc bị đe dọa
Các chuyên gia cho rằng thái độ bi quan của giới trẻ có thể đe dọa nền kinh tế vốn đã chậm lại của Trung Quốc.
Người trẻ sống kiểu 'mặc kệ', nền kinh tế của Trung Quốc bị đe dọa
"Tôi đang bailan (thối rữa), hãy để tôi yên", Yan Jie (28 tuổi) dán một mảnh giấy ghi chú trước cửa phòng của mình.
Yan đang sống chung phòng trọ với một đồng nghiệp ở ngoại ô Thượng Hải. Anh thường tự chế giễu bản thân, nói rằng mình là kẻ lười biếng bằng cách dùng cụm từ "bailan" - có ý nghĩa "để mặc thối rữa", đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc.
"Khi được giao nhiệm vụ trong công việc, tôi cố gắng tránh né. Nếu buộc phải làm, tôi vẫn thực hiện nhưng không nỗ lực hết mình", anh chàng đang làm nhân viên của một công ty công nghệ thông tin quy mô vừa nói với South China Morning Post.
Khi bố mẹ thúc giục chuyện kết hôn, Yan nói hãy cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Yan cho biết, chọn bailan đã cho phép anh có lối sống thoải mái hơn và biết dành nhiều thời gian cho sở thích của mình, chí ít là ở thời điểm hiện tại.
"Từ nhỏ tôi đã được dạy phải siêng năng và không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng đến tuổi trưởng thành, tôi phát hiện ra điều đó thực sự mệt mỏi. Tại sao chúng ta không thể giảm tốc độ? Tại sao luôn phải phấn đấu để vươn lên vị trí đứng đầu?", Yan bày tỏ.
Bỏ mặc tất cả
Bailan ám chỉ thái độ từ bỏ khi mọi thứ dần trở nên khó khăn, để mặc các mục tiêu vì nhận thấy quá khó để đạt được. Trào lưu "bỏ mặc thối rữa" xuất phát từ tâm lý bất lực của nhiều người trẻ Trung Quốc khi không thể chạy theo kỳ vọng quá cao từ xã hội.
Vì vậy, thay vì dành sức lực để cố gắng khắc phục tình thế, nhiều người trẻ đang chọn bỏ mặc, về cơ bản không còn phấn đấu để đạt được thành tựu hay bước lên bất kỳ nấc thang cao hơn nào trong xã hội.
Bailan được cho là thuật ngữ phát triển từ cụm từ "tang ping" - có ý nghĩa "nằm im, mặc kệ sự đời", chỉ cần làm việc đủ để tồn tại. Những cụm từ này phổ biến đến nỗi nó được sử dụng bởi chính quyền Trung Quốc ở mọi cấp, từ cán bộ địa phương đến cơ quan cao cấp nhất.
Giáo sư Yu Hai, từ Khoa Xã hội học tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, giải thích rằng sau khi chấp nhận tâm lý "nằm im", giới trẻ đã đẩy tư duy ấy lên thành "để mặc mọi thứ mục rữa".
"Tang ping là một lựa chọn vô hại, không làm gì hơn ngoài đảm bảo mức sống vừa đủ. Nhưng cụm từ 'để mặc thối rữa' cho thấy tâm lý hoàn toàn từ bỏ, thậm chí chấp nhận tình huống tồi tệ hơn, mang hàm ý tiêu cực, là điều gì đó đáng trách về mặt đạo đức", ông nói.
Vị giáo sư nói thêm rằng đó là một "cơ chế đối phó" của những người trẻ để tự bảo vệ mình trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và áp lực xã hội ngày càng gia tăng.
"Không ai thích bị người khác là mô tả là 'mục nát', nhưng khi một người đặt mình vào vị trí quá thấp và tự gọi mình như thế, họ đã tự cứu mình khỏi những lời chỉ trích".
Ông Yu phân tích tâm lý này nhằm chống lại kỳ vọng xã hội quá lớn suốt nhiều năm - khi ai cũng được khuyến khích trở nên tham vọng, khao khát làm giàu và trở thành lãnh đạo.
Với Yan, điều khiến anh lựa chọn "để mặc thối rữa" là vì giá nhà đất cao vượt xa khả năng chi trả và việc hẹn hò cũng quá khó khăn. Thay vì cố gắng đạt đến các tiêu chuẩn ấy, anh quyết định bỏ mặc tất cả.
Người trẻ bi quan
Cụm từ bailan xuất phát từ môn bóng rổ, cũng là môn thể thao phổ biến nhất Trung Quốc. Nó mô tả tình huống một người chơi cố tình thua ván đấu để đẩy nhanh thất bại không thể tránh được.
Thuật ngữ này nhanh chóng phổ biến trong những người trẻ chán nản tại đất nước tỷ dân.
Trên Xiaohongshu (nền tảng tương tự Instagram của Trung Quốc), tìm kiếm cụm từ "bailan" cho ra 2,3 triệu kết quả. Trên Bilibili, một trong những nền tảng video lớn, "let it rot" (hãy để nó thối rữa) là một trong những chủ đề phổ biến nhất.
Dù tư duy "để mặc thối rữa" không nhất thiết phổ biến trong giới trẻ, các chuyên gia cho rằng sức lan truyền của nó đủ để phản ánh cảm giác bi quan và vỡ mộng thực sự của cả một thế hệ. Đây là hiện tượng đáng chú ý, có thể tác động tiêu cực đến một nền kinh tế vốn đang trên đà chậm lại.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vào tháng 7 là 19,9%, cộng với giá nhà quá đắt đỏ, tất cả khó khăn đó khiến ý tưởng về một tương lai ổn định trở nên bất khả thi.
Với những người ở độ tuổi 20-30, việc nuôi cha mẹ già trong khi chăm sóc con nhỏ là gánh nặng lớn giữa bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng.
Giáo sư Shi Lei, chuyên về kinh tế tại Đại học Phúc Đán, sự cạnh tranh khốc liệt là kết quả của nền kinh tế phát triển liên tục suốt vài thập kỷ.
"Cách đây vài thập kỷ, khi mới bắt đầu chính sách cải cách và mở cửa, rất nhiều việc làm và cơ hội có sẵn do lượng nhân tài còn thấp. Mọi người cảm thấy kiếm tiền thật dễ. Nhưng thời kỳ ấy đã kết thúc sau khoảng 40 năm", ông nói khi đề cập đến sự mở cửa kinh tế Trung Quốc vào năm 1978.
Hiện tại, một người muốn tìm việc cần có một bản lý lịch tốt hơn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế cao. Điều đó khiến nhiều người không thể tìm được việc làm.
Đinh Phạm