Người trẻ sinh con khi chưa sẵn sàng, bố mẹ già lại vất vả chăm cháu
Nhiều cặp đôi kết hôn khi còn quá trẻ, chưa đủ trưởng thành để làm bố, làm mẹ. Chính vì vậy, ông bà lại một lần nữa phải thành bố, thành mẹ để nuôi cháu. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bức xúc bởi lẽ 'con ai người đó chăm'. Ông bà hoàn toàn không có trách nhiệm gì cả.
Hẳn ai làm mẹ hoặc thậm chí chỉ cần trong nhà có một đứa trẻ cũng biết việc chăm sóc cho em bé không hề dễ dàng. Nhiều người cho rằng đứa trẻ còn bé, chỉ biết nằm thì đã làm gì mà vất vả. Thế nhưng việc ăn uống, giặt đồ, hay những lúc con trẻ quấy khóc thì ai lo. Và đây là việc mà hầu như bà mẹ nào cũng trải qua. Tuy nhiên, hiện nay có một thế hệ trẻ kết hôn quá sớm, vẫn chưa đủ chín chắn, trưởng thành. Vậy là cháu sinh ra lại một tay ông bà chăm nom vất vả khiến mọi thành viên trong nhà đều mệt mỏi.
Sinh con khi còn quá trẻ, vẫn nuối tiếc những cuộc vui
Ngày nay, không ít bạn trẻ lấy chồng và có con ở độ tuổi khá trẻ, khi bản thân chưa đủ chín chắn cũng như trưởng thành để có thể trở thành ông bố, bà mẹ hoàn hảo. Chẳng hạn như những cô gái mới tuổi 20, 21. Khi mà bạn bè vẫn còn đang học đại học, quen người này, người kia, đi du lịch khắp nơi thì họ đã lấy chồng. Ở cái độ tuổi đó, liệu có ai thực sự muốn buông bỏ hoàn toàn những cuộc chơi ngoài kia hay vẫn còn nuối tiếc thời thanh xuân rực rỡ.
Mặc dù cũng có những bạn trẻ đã chuẩn bị một tâm lý vững vàng, sẵn sàng chịu trách nhiệm làm bố, làm mẹ của mình. Thế nhưng, đó chỉ là một con số nhỏ và không phải ai cũng làm được như vậy. Họ còn quá trẻ, chưa thể lường trước được những gì mà bản thân sẽ phải hy sinh, từ những cuộc vui chơi bên bạn bè, kinh tế để có thể chăm con tốt cũng như những kiến thức nuôi dạy trẻ nhỏ một cách khoa học…
Nguyên Khánh (23 tuổi, Bình Định) cho biết bản thân cô có con khi vừa mới tốt nghiệp đại học, công việc lại chưa có, vẫn đang trong độ tuổi ăn chơi nên gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Cô tâm sự: “Tự dưng đang là sinh viên, được bố mẹ chu cấp tiền sinh hoạt mỗi tháng, bỗng chốc mình trở thành mẹ của một đứa trẻ. Nói thật, thời gian đầu mình thấy vô cùng áp lực, không biết làm sao để có đủ tiền nuôi con, làm sao để em bé được khỏe mạnh. Không chỉ thế, nhìn bạn bè đăng hình sống ảo, du lịch chỗ này, chỗ kia mình cũng thấy rất tủi thân vì không biết bao giờ mới được như vậy. Có con vui thật nhưng cũng có lúc mình cảm thấy tiếc nuối”.
Ông bà lại thành bố mẹ bất đắc dĩ, trông cháu thay con
Chính vì tâm lý chưa sẵn sàng lên chức ở độ tuổi quá trẻ như vậy, nhiều người đã để con cho bố mẹ chăm sóc. Thậm chí, một số người còn để mặc cho đứa trẻ tự lớn với tâm lý “trời sinh voi sinh cỏ”. Bên cạnh đó, khi sinh con ở độ tuổi quá nhỏ, chưa đủ chín chắn, các bạn trẻ cũng cảm thấy lúng túng, không biết phải làm sao. Vì vậy mà ông bà lại một lần nữa trở thành bố mẹ, chăm sóc cháu thay con mình. Cũng chính nhờ sự giúp đỡ của ông bà ban đầu mà nhiều bạn nảy sinh tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm và dần dần để phụ huynh của mình trở thành bố mẹ “bất đắc dĩ”.
Nhiều người thường có suy nghĩ rằng cháu cũng là máu mủ ruột thịt của ông bà nên việc chăm nom, đỡ đần là điều hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, đó chỉ là phụ giúp khi ông bà có thời gian chứ không phải là nghĩa vụ, là trách nhiệm. Người trẻ chúng ta cần phân biệt rõ sự hỗ trợ và trách nhiệm. Bởi lẽ, bố mẹ đã nuôi lớn con cái suốt hơn 20 năm, nay ở độ tuổi cần được nghỉ ngơi, không có lý do nào phải bắt họ làm bố mẹ của một đứa nhóc vài tháng tuổi thêm lần nữa.
Tâm sự với chúng tôi, bác Khanh (56 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Con trai bác lấy vợ sớm lúc mới có 21 tuổi. Vợ chồng nó sinh con khi vẫn còn đang học đại học, nhà vợ nó lại neo người nên 2 ông bà lại ở nhà chăm cháu thay. Lắm lúc cũng mệt, vất vả vì giờ chăm trẻ nó không như ngày xưa, ăn uống, bỉm tã đủ thứ. Nhưng mà biết phải làm sao, đó cũng là con, là cháu của mình, giờ mình không chăm thì vợ chồng nó phải làm như thế nào”.
Đó cũng là câu chuyện của rất nhiều ông bố, bà mẹ khi con cái lập gia đình và có bé con quá sớm. Dù mệt, dù đôi phần không muốn nhưng rồi thương con, thương cháu, ông bà vẫn nai lưng ra chăm nom. Đôi lúc sự khác biệt trong cách chăm trẻ giữa các thế hệ khiến gia đình xích mích nhưng ông bà vẫn luôn cố gắng để lo cho con cái.
Con ai sinh ra, người đó chăm
Dù ông bà có đồng ý chăm cháu hộ thì chúng ta cũng nên nhớ rằng đó không phải là trách nhiệm. Có lý do gì cho việc con mình đẻ ra nhưng lại bắt ông bà phải trông, phải trở thành người bố, người mẹ thêm một lần nữa. Khi đã quyết định đi đến hôn nhân, trở thành bố, thành mẹ thì bản thân mỗi người nên chuẩn bị đối mặt với những trách nhiệm to lớn đang chờ đợi. Chứ không phải là nghĩ rằng có ông bà nên cứ đẻ, còn đâu chăm sóc thì lại đẩy cho họ và nghĩ rằng đó là lẽ dĩ nhiên, nhà nào cũng như vậy.
Bố mẹ đã vất vả lam lũ cả một đời nuôi chúng ta khôn lớn trưởng thành. Khi con cái lớn là lúc họ được nghỉ ngơi thư thái chứ không phải lại đầu tắt mặt tối trông cháu. Mỗi người trẻ chúng ta khi quyết định làm bất kỳ điều gì hãy nghĩ về tương lai, nghĩ về trách nhiệm, áp lực sẽ phải đối diện chứ đừng đùn đẩy nó cho bất kỳ ai.
Hơn nữa, chăm trẻ con vốn chẳng phải công việc đơn giản, nhàn hạ gì. Nhiều người cho rằng cái bọn trẻ con thơm mùi sữa, lúc nào cũng nằm ngủ ngoan ngoãn ấy thì có gì mà vất vả. Thế nhưng, cả ngày cứ quanh quẩn từ sáng đến tối bên bọn nhóc ấy, lại cơm nước việc nhà, đến một người trẻ còn thấy mệt chứ nói gì tới ông bà đã già yếu. Hơn hết, chắc chắn rằng sẽ chẳng có ai hiểu con hay chăm con tốt hơn mẹ cả. Và khi một đứa trẻ được chào đời, trách nhiệm chính thuộc về bố mẹ của nó chứ chẳng phải là ông bà.
Nhưng nhiều người trẻ lại không hề nghĩ vậy, họ vẫn cứ mặc định việc gì cũng có bố mẹ lo. Bố mẹ đã nuôi mình khôn lớn, trưởng thành thì lại càng có kinh nghiệm chăm trẻ hơn. Cứ như vậy, dù đã vất vả nuôi con cả một đời, dựng vợ, gả chồng cho con xong giờ lại quay về với vai trò làm bố, làm mẹ như những ngày đầu tiên. Quá bức xúc với tâm lý như vậy của nhiều người trẻ, chị Hiền (28 tuổi, Ninh Bình) lên tiếng: “Mình không thể hiểu nhiều bạn ngày nay nghĩ gì khi đẻ con ra xong vứt cho ông bà chăm. Cạnh nhà mình có 2 bác, sáng nào cũng phải dậy sớm nấu cháo cho cháu ăn rồi đưa đến lớp, chiều lại tất tả đón về. Con dâu thì chỉ cần dậy đúng giờ rồi đi làm, không phải lo con cái gì hết. Nhìn bác mà mình cũng thấy mệt thay”.
Nhiều người cho rằng ông bà đã lớn tuổi, ở nhà trông cháu cũng là niềm vui. Thế nhưng, ông bà chỉ vui khi chơi với các cháu chứ không phải đầu tắt mặt tối lo từng bữa cơm, bữa cháo, từng cái bỉm… Chẳng có ai vui vẻ khi ngày nào cũng phải lo ăn uống, chăm sóc từng li từng tí cả. Người trẻ chúng ta nên nhớ rằng con cái là bổn phận, là trách nhiệm của bố mẹ, không phải của ông bà. Nếu chưa đủ khả năng chăm sóc con cái thì hãy đợi thêm một chút thời gian tới khi đủ chín chắn. Đừng vì vài phút nông nổi mà bắt bố mẹ già phải một lần nữa nuôi con.
Nhìn chung, Gen Z làm bố, làm mẹ có thể sẽ gặp đôi chút trở ngại, khó khăn ban đầu. Thế nhưng, làm bố, làm mẹ cũng là cách để chúng ta trưởng thành. Hãy làm sao để có thể chăm lo cho con mình một cách tốt nhất, đừng “hành hạ” ông bà đã già yếu.
Cùng cập nhật những tin tức khác tại YAN !
Ngoài những tin tức về giải trí và đời sống được cập nhật liên tục, bạn có thể tham gia vào cộng đồng những người tò mò về lá số thông qua app Tử Vi Hàng Ngày. Ứng dụng này sẽ giúp bạn khám phá về tình yêu và sự nghiệp một cách đơn giản và nhanh nhất. Tải app tại đây.
Chăm sóc con cái là trách nhiệm của mỗi người bố, người mẹ. Thế nhưng, ngày nay, có một số bạn trẻ kết hôn ở độ tuổi còn quá sớm, chưa sẵn sàng với việc làm bố, làm mẹ. Chính vì vậy, nhiều người đã nhờ bố mẹ trông cháu. Tuy vậy, bố mẹ đã vất vả cả một đời người nuôi chúng ta khôn lớn trưởng thành. Giờ là lúc họ đã tuổi cao, sức yếu, cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng chứ không phải tiếp tục làm phụ huynh thêm một lần nữa. Bố mẹ có thể giúp các con chăm cháu nhưng đó là khi họ đủ sức khỏe và cảm thấy vui vẻ chứ điều đó hoàn toàn không phải là nghĩa vụ hay trách nhiệm. Người trẻ chúng ta hãy có trách nhiệm với những gì mình làm, sẵn sàng đối diện với mọi vấn đề khi sinh một em bé ra.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !