Người trẻ Singapore ngại cưới, ngại sinh con vì lạm phát
Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt hàng ngày của người trẻ Singapore mà còn có tác động đến nhiều quyết định quan trọng của họ trong cuộc sống.
Cuối cùng thì các giới hạn liên quan đến Covid-19 ở Singapore cũng đã được dỡ bỏ, Namirah Awang, 26 tuổi và vị hôn phu 27 tuổi của cô nhanh chóng quyết định về chung một nhà sau nhiều ngày chờ đợi. Cô và bạn trai đang lên kế hoạch mời 1.000 người thân và bạn bè đến dự đám cưới của mình vào năm tới.
Thế nhưng, nếu như đám cưới của chị gái cô vào tháng 2/2020 (vài tuần trước khi đại dịch bùng phát ở quy mô toàn cầu) chỉ tiêu tốn khoảng 40.000 đô la Singapore (SGD - khoảng 720 triệu đồng), thì vợ chồng cô sẽ phải bỏ ra gấp đôi số tiền đó khi tổ chức đám cưới với quy mô tương tự vào năm 2023.
Chi phí leo thang
Nhà tổ chức đám cưới Zhang Wen Xin cho biết, giá tiệc cưới trọn gói của khách sạn đã tăng khá nhiều đối với các đặt phòng từ giữa năm 2023 trở đi. Trong những năm trước, mức tăng hàng năm thường là chỉ ở mức 10 SGD trên mỗi khách hàng.
Tại The Joyden Hall, một địa điểm tổ chức sự kiện tầm trung ở trung tâm mua sắm Bugis+, giá cho một bữa tiệc tối cuối tuần đã tăng từ mức ước tính 1.100 SGD (gần 20 triệu VND) cho một bàn 10 khách vào năm 2021 và 2022 lên khoảng 1.700 SGD (hơn 30 triệu đồng) cho các đặt chỗ vào năm 2023 và 2024.
Ở phân khúc cao cấp hơn, cùng một bàn tiệc 10 người tại khu nghỉ dưỡng Capella Singapore, đảo Sentosa đã tăng giá từ 2.222 (40 triệu đồng) lên 3.390 (60 triệu đồng), 3.184 (57 triệu đồng) và 4.015 đô la Singapore (hơn 72 triệu đồng) trong cùng khoảng thời gian trên.
Mặc dù Namirah và vị hôn phu háo hức làm đám cưới, nhưng có con không phải là ưu tiên hàng đầu của họ.
“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi cần ổn định cuộc sống trước khi có con. Cưới xong phải có nhà đã rồi mới tính chuyện con cái”, Namirah cho biết.
Suy nghĩ của Namirah là điều dễ hiểu, vì chi phí nuôi con là một khoản không hề nhỏ đối với nhiều người. Nhiều người ở độ tuổi ngoài 30 đã trì hoãn việc có con ít nhất một năm vì chi phí đắt đỏ khiến họ căng thẳng, theo ông Jeremy Tiang, quản lý cấp cao về dịch vụ tài chính của công ty Advisors’ Clique.
Theo theAsianparent, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Singapore ít nhất là 340.000 USD từ khi còn nhỏ đến khi 21 tuổi. Những chi phí này bao gồm mang thai và sinh nở, chăm sóc trẻ sơ sinh, giáo dục, các lớp học ngoại khóa, các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và quần áo, cũng như chăm sóc sức khỏe .
Tuy nhiên, nếu như việc nuôi con là gánh nặng khiến Namirah e ngại, thì mua nhà có khi cũng là giấc mơ ngoài tầm với, khi cô phải chật vật tính toán làm sao trả được 72.000 SGD (gần 1,3 tỷ VND) tiền làm đám cưới trong khi ngân sách vợ chồng cô chỉ có 50.000 SGD (gần 900 triệu VND).
Bên cạnh đó, các khoản vay mua nhà ở Singapore cũng đang vô cùng đắt đỏ, vì lãi suất cho vay mua nhà cố định do đã lên tới 4,5%/năm khi các ngân hàng Singapore tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Tương lai ảm đạm
Không chỉ Namirah mà rất nhiều người dân ở Singapore, đặc biệt là người trẻ, đang phải vật lộn với giá cả tăng cao, buộc họ phải cắt giảm chi phí hay tìm việc làm thêm mỗi cuối tuần.
Ngoài các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày, các khoản mua sắm lớn liên quan đến các quyết định quan trọng của cuộc đời như cưới hỏi, nuôi dạy con cái, v.v. đã tăng mạnh ở quốc đảo này trong thời gian qua.
Tỉ lệ lạm phát toàn phần ở Singapore trong tháng 8 và tháng 9 tăng lên tới 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chỉ số này Singapore giảm xuống còn 6,7% trong tháng 10, nhưng triển vọng kinh tế quốc gia này vẫn còn mờ mịt.
Hôm 23/11, Cục quản lý tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết, lạm phát tổng thể dự kiến sẽ ở mức trung bình khoảng 6% trong cả năm, trong khi lạm phát cơ bản sẽ ở mức 4% và tiếp tục tăng trong vài quý tới trước khi chậm lại rõ rệt hơn vào nửa cuối năm 2023 khi tình trạng thị trường lao động được nới lỏng và tình hình lạm phát toàn cầu dịu xuống.
Các dự báo chính thức mới được công bố cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore cho năm 2022 chỉ ở mức 3,5%, thậm chí tốc độ năm 2023 còn thấp hơn, nằm trong khoảng từ 0,5 đến 2,5%.
Để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng, Cục Quản lý Tiền tệ Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ lần thứ 5 trong vòng 12 tháng hồi tháng 10.
Chính phủ Singapore cũng thông báo sẽ hỗ trợ 500 SGD tiền mặt (khoảng 9 triệu đồng) cho khoảng 2,5 triệu cá nhân ở Singapore như một phần của gói hỗ trợ mới trị giá 1,5 tỷ đô la Singapore.
Bộ Tài chính nước này cho biết, gói hỗ trợ này, ngoài các biện pháp hỗ trợ chi phí sinh hoạt khác trong năm nay, dự kiến sẽ giúp 40% số người có thu nhập thấp nhất “trang trải đầy đủ” chi phí gia tăng do lạm phát gây ra .
Nguyễn Tuyết (Theo Straits Time, Channel News Asia, theAsianparent)