Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 6: Mua đất xa để có... nhà gần?

Chia sẻ Facebook
24/04/2022 12:12:43

Với những người trẻ sau mươi năm làm việc và lập gia đình ở thành phố, có vài cách để cố gắng mua được nhà riêng.

Nhà đất giá rẻ đang mời gọi người ít tiền đầu tư kiếm lời - Ảnh: MẠNH DŨNG

Phổ biến nhất là họ cố dành dụm một khoản tiền cộng thêm hỗ trợ của gia đình hai bên hoặc mượn của người thân, bạn bè để trả trước một phần căn hộ chung cư, phần còn lại sẽ trả góp 10 - 20 năm.

Những căn hộ này thường cấp độ bình dân ở vùng ven hoặc diện tích nhỏ có giá khoảng 1,5 - 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên còn giải pháp "linh động" hơn dù không phải ai cũng thành công trong đêm dài lắm mộng được ngủ nhà riêng mà ôm đống nợ nần.


Người may mắn

"Năm năm trước, bạn tôi rủ mua đất trong lúc tôi đang có kế hoạch mua căn hộ chung cư ở TP.HCM với giá 2,1 tỉ đồng ở quận 6 gần công ty đang làm việc. Biết trong tay vợ chồng tụi tôi lúc đó chỉ có chưa nổi 300 triệu đồng, tụi nó phân tích nhiều thứ làm cho tôi đắn đo thật sự", chị Nguyễn Thị Thanh Hồng (31 tuổi, ở quận 6, TP.HCM) tâm sự.

Chị kể người bạn này từng mua bán nhà đất nhỏ "vài vòng thành công", khuyên chị nên lấy số tiền này đầu tư mua đất. Lập luận người bạn này đưa là: "Giá đất đai luôn tăng cao hơn giá căn hộ chung cư. Cứ thả tiền mua đất trước, khi có lời bán ra. Nếu không muốn xoay vòng kinh doanh đất đai tiếp thì lấy tiền đó mua căn hộ chung cư vẫn có lợi".

Theo chị Hồng, cụ thể bài toán mua đất xa để có nhà gần này được tính như sau: Vợ chồng có 300 triệu đồng dành dụm và mượn thêm nội - ngoại hai bên được 400 triệu đồng không tính lãi, rồi họ mượn thêm bạn bè 100 triệu đồng nữa là tất cả có được 800 triệu đồng.

Sau đó, họ theo người bạn đi mua miếng đất nền diện tích 5mx30m vị trí đẹp ở khu dân cư hiện hữu gần thị trấn Hậu Nghĩa, tỉnh Long An. Thời điểm cách đây năm năm, sau khi cộng tất cả tiền mua đất và thuế phí phần bên người mua phải chịu, vợ chồng chị Hồng phải thanh toán 760 triệu đồng. Tính ra họ vẫn còn dư 40 triệu để phòng thân khi ốm đau.

Ngược lại, nếu lấy toàn bộ số tiền 800 triệu đó đi mua căn hộ chung cư 2,1 tỉ ở quận 6 như tính toán ban đầu, vợ chồng chị Hồng vừa phải mắc nợ người thân 500 triệu đồng vừa vẫn phải trả góp ngân hàng 1,3 tỉ đồng còn thiếu.

Người bạn dẫn chị Hồng đi mua đất tự tin trấn an: "Đất đai đang sốt, tui bảo đảm sau một, hai năm nữa, bạn sẽ có lời ít nhất cũng đủ trả nửa tiền căn hộ chung cư, chứ không phải nặng nợ nữa". "Nếu thực tế không được như giấc mơ đẹp này thì sao?", chị Hồng hỏi bạn.

"Thì mình sẽ cho bạn mượn 300 triệu không lãi để đắp thêm mà mua lại chung cư", người bạn tự tin trả lời và còn hứa tặng lại chị Hồng luôn khoản hoa hồng 2% mà anh ta đã được bên bán đất ở Long An trả công dẫn khách.

Và thực tế may mắn đúng như người bạn này hứa hẹn. Vợ chồng chị Hồng đặt bút ký hợp đồng mua đất tháng 6-2017, thì đến tháng 11-2019 họ bán lại được 1,75 tỉ đồng, lời hơn gấp đôi sau hơn hai năm đầu tư vào đất.

Người bạn làm môi giới địa ốc nói rằng họ "trúng đậm" vì nhờ đầu tư đúng thời điểm đất đai Long An đang sốt, nhất là phải biết chọn mua đúng vị trí dân cư hiện hữu khá đẹp cũng như diện tích vừa phải rất dễ thanh khoản.

Anh ta rủ vợ chồng chị Hồng tiếp tục đầu tư đất, nhưng họ quyết định "cắt lời", lấy tiền mua lại chung cư để đỡ phải đi làm quá xa. Trả hết nợ nần, họ chỉ còn dư ra khoảng 1,2 tỉ đồng, cộng thêm khoản tiền dành dụm trong hai năm được gần 200 triệu nữa.

Họ quay lại mua chính căn chung cư định mua ban đầu dù đã lên giá 2,35 tỉ đồng, nhưng họ nhẹ hẳn gánh nặng nợ nần trả góp.

Những năm sốt đất, nhiều bạn trẻ ít vốn cũng thả tiền đầu tư như chị Hồng. Kẻ xuống Long An, Tiền Giang, người sang Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng... Ít tiền thì mua cái nền nhỏ 500 - 700 triệu đồng, kha khá một chút thì kiếm miếng đất ngót nghét tỉ đồng, hoặc nhóm bạn hùn hạp mua miếng lớn hơn.

Nhiều người tính toán giá đất sẽ lên nhanh hơn giá chung cư, đặc biệt là chung cư bình dân ở vùng ven thành phố. Sau một, hai vòng quay đầu tư đất, họ sẽ lấy tiền lời kiếm được để trở lại mua căn hộ ở thành phố cho giảm gánh nặng nợ nần trả góp.

Thực tế cách tính này không ít người may mắn thành công như chính em trai của chị Hồng. Anh Nguyễn Thanh Hoàng cũng mới lập gia đình, không đủ tiền mua nhà ra riêng, đã bắt chước chị, lấy tiền dành dụm và mượn thêm người thân được 1 tỉ đồng lên đầu tư một miếng đất nhỏ 750m2 ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.

Đầu năm 2021, anh bán lại lời được 750 triệu đồng trong vòng một năm bỏ tiền đầu tư. Lấy cả vốn lẫn lời từ đất này, anh quay lại mua căn hộ chung cư ở TP Thủ Đức, khu quận 9 cũ, với diện tích 65m2, hai phòng ngủ khá đẹp mà chẳng còn thiếu bao nhiêu tiền.

"Nếu không mua đất mà mua ngay chung cư với số ban đầu, tôi sẽ phải trả góp cả tỉ đồng, gánh nặng suốt nhiều năm khi tổng thu nhập của cả vợ chồng mỗi tháng chưa được 25 triệu đồng", Hoàng chia sẻ...

Chị Mỹ Tú đầu tư đất Lâm Đồng để kiếm lời mua căn hộ ở TP Thủ Đức, nhưng đang bị “ngâm vốn” vì khó bán được đất - Ảnh: MẠNH DŨNG


Kẻ bị "ác mộng" đêm dài

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người may mắn trong cách tính toán đầu tư kiếm tiền từ miếng đất xa để quay lại mua căn hộ, mua nhà gần ở thành phố như chị Hồng, anh Hoàng, thì cũng không ít kẻ vẫn đang lâm cảnh bế tắc chưa có lối ra.

Có những lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân "đâm đầu" vào miếng đất rẻ nhưng trục trặc pháp lý không bán lại được; hoặc ít vốn mà mê đất rộng nên mua sâu trong rừng, không thuận tiện giao thông, rất khó tìm khách để bán lại.

Chị Trần Mỹ Tú (32 tuổi, ở TP Thủ Đức) kể vợ chồng chị đang bị kẹt một miếng đất rộng cả 1.000m2 ở Lâm Đồng mà chưa bán lại được để có tiền mua chung cư ở TP.HCM. Khoảng tháng này năm ngoái, họ theo bạn bè lên Bảo Lộc mua đất.

Với số vốn gần 1 tỉ trong tay, kể cả tiền dành dụm của cha mẹ về hưu, ban đầu chị Tú định mua nền đất nhỏ có thổ cư gần trung tâm thành phố Bảo Lộc để chắc chắn về pháp lý, nhưng theo dẫn dắt của "cò", chị đã qua huyện Bảo Lâm để cũng với số tiền ấy mua được đất rộng hơn, "view núi rừng thơ mộng".

Không ngờ chỉ ít tháng sau, chị phát hiện miếng đất mình mua rơi ngay vào khu vực đang trục trặc pháp lý mà báo đài phản ánh. Lời lãi đâu chưa thấy mà đã phải lo lắng đến mất ngủ, vợ chồng chị Tú đang cố tìm khách để bán lại "hòa vốn cũng được". Tuy nhiên, dù đã gửi nhiều "cò" suốt từ trước tết đến giờ, chị vẫn chưa thể bán được.

Tình cảnh này cũng giống câu chuyện của chị N.T.H., một ngân viên ngân hàng ở quận 5, TP.HCM. Chị không đi Lâm Đồng mà mua đất nền 125m2 ở huyện Đức Hòa, Long An với giá 1,2 tỉ đồng đầu năm ngoái để hy vọng bán kiếm lời, mua căn hộ gần chỗ làm ở thành phố.

Mới 27 tuổi, chưa kịp tích lũy bao nhiêu tiền, chị phải thế chấp chính căn nhà của cha mẹ mình để vay ngân hàng tới 90% số tiền mua đất. Hơn hai năm đã qua, đất vẫn chưa bán được, chị H. như đang ngồi trên đống lửa với khoản trả lãi ngân hàng mỗi tháng ngốn hết sạch tiền lương mới đi làm mấy năm.

"Đất sinh lời sinh lãi đâu chưa thấy, tôi chỉ thấy mỗi tháng vừa nhận được lương đã phải chuyển trả nợ ngay cho ngân hàng, vô cùng mệt mỏi, lo âu", chị H. tâm sự.

"Thấm đòn đất đai rồi, tôi mới hiểu là dù có đi xa, mua đất nhỏ, đất rẻ gì đi nữa thì cũng phải cẩn thận nhìn lại vốn liếng và thu nhập của mình.

Theo tôi, đừng bao giờ vay ngân hàng quá 50% tiền mua đất, nhất là với những người thu nhập không cao, chỉ đủ chi tiêu cuộc sống. Nếu đất chậm bán được hoặc trục trặc gì đó, sẽ căng thẳng với khoản trả nợ ngân hàng", chị H. trải lòng.

Vì sao tự đòi hỏi mình ngay từ trẻ đã phải có căn hộ riêng với giá cao như vậy để rồi mang gánh nặng trả nợ còng lưng? Nên hay không nên? Có cách khác không?


Kỳ cuối: Nên hay không nên cố mua nhà?

Tuổi trẻ mua được căn nhà riêng của mình để không phải sa lầy nợ nần, gánh nặng cuộc sống, là hiếm hoi. Ngoài gia đình hỗ trợ và may mắn cuộc đời lẫn công việc, họ còn phải giải những bài toán khó của riêng mình...

Chia sẻ Facebook