Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 2: Cố tìm mái nhà cho riêng mình
8 năm từ quê lên TP.HCM học và làm việc, Lê Thị Bảo Trân đã đổi chỗ ở cả chục lần với đủ dạng nhà trọ. "Đó là lý do tôi luôn muốn có nhà của mình, rất sợ cảnh đi ở trọ nhà người ta", Trân trải lòng.
Cố mua nhà vì quá thấu đời trọ
Nhiều năm trọ ở TP, Trân và các bạn đều mong có một nơi gọi là nhà của chính mình. Đặt ra mục tiêu phải mua được nhà TP, họ cố hiện thực hóa giấc mơ, ngày đêm miệt mài làm mọi cách để tăng thu nhập.
Và những người trẻ mà chúng tôi tiếp xúc, đa số đều muốn mua nhà chung cư vì nhiều lý do, mà hơn hết là họ có thể bấm bụng chấp nhận được so với giá nhà mặt đất.
Thời sinh viên nghèo khó, Trân và đứa bạn thuê một căn phòng 10m² trong khu hầu hết là sinh viên ở quận Bình Thạnh, giá mỗi tháng 1,1 triệu đồng bao gồm điện nước. Mùa nóng, phòng như biến thành lò đốt, cộng thêm mùi rác gần nhà bay vào.
"Đóng cửa thì ngộp mà không đóng thì không chịu nổi mùi hôi", Trân nói. Sang mùa mưa, phòng trọ của Trân dù cao hơn lối đi chung khoảng một tấc, song cứ mưa lớn lại ngập lênh láng. Ở được một năm, Trân và người bạn dọn đi nơi khác vì quá sức chịu đựng, dù nơi này gần trường và cách chỗ làm thêm của cô chỉ 4km.
Nhiều lần chuyển trọ gặp chủ nhà "trời ơi đất hỡi" khiến Trân càng ngán ngẩm. "Những lần phải ở trọ như vậy, tôi càng nung nấu ý định có nhà của riêng mình, cho dù nhà rất nhỏ", Trân chia sẻ.
Hiện tại, công việc đã ổn định, có dư dả nên Trân đã thuê một căn hộ ở quận 7 với tiện ích khá đầy đủ, nhưng giấc mơ mái ấm chưa bao giờ hết cháy bỏng với Trân. Để có ngày cầm khóa nhà của mình, ngoài làm truyền thông cho một doanh nghiệp, Trân còn hùn hạp với bạn thuê nhà nguyên căn rồi ngăn phòng cho thuê lại và đầu tư nhỏ về chứng khoán. Không nói rõ thu nhập cụ thể, song cô gái 26 tuổi cho biết đã dành dụm hơn 400 triệu đồng và đang lên kế hoạch có "cuốn sổ hồng" trước năm 30 tuổi.
Giống như nhiều người trẻ mà chúng tôi tiếp xúc, Trân lựa chọn chung cư vì biết nhà mặt đất cô khó với tới. "Tôi nhắm đến phân khúc giá khoảng 2,5 tỉ trở xuống cho căn 1 hoặc 2 phòng ngủ, view đẹp, ít ồn ào và có tiện ích xung quanh. Nếu mua sẽ trả góp", cô gái quê Cà Mau tâm sự về mái nhà mơ ước sau nhiều năm sống đời trọ ở TP.
Tương tự, anh Võ Hoàng Thái đang trọ ở quận Bình Thạnh, cũng nung nấu khát vọng an cư, lạc nghiệp ở TP khi thấy nhiều đồng nghiệp mua nhà trả góp. Làm sale cho một trung tâm Anh ngữ với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, Thái luôn muốn có căn hộ chỉ khoảng 40m², một phòng ngủ, nội thất sắm sửa đơn giản.
"Chỉ sống một mình với lại thu nhập không cao nên tôi chỉ có nhu cầu chừng đó, thấy vậy chứ khó lắm, phải mất nhiều thời gian", Thái cho hay. Một năm nay, thu nhập chính bị giảm sút nặng vì dịch, anh làm thêm vài việc tay trái để bù vào. Anh cắt giảm tối đa mua sắm, giải trí, chỉ mua những thứ thật sự cần. Khoản dành dụm chưa nhiều, song chàng trai quê An Giang vẫn nỗ lực đeo đuổi mục tiêu.
"Vay nợ là cách nhanh nhất để có nhà, dù rất áp lực, nếu đợi đủ tiền mua thì chẳng bao giờ làm được. Tham khảo qua một số ngân hàng, tôi thấy họ cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi năm đầu khoảng 8,8 - 9%, từ năm thứ hai áp dụng lãi suất thả nổi, dao động tầm 10 - 12%/năm rồi giảm dần theo dư nợ còn lại.
Tôi dự tính sẽ góp 70 - 75% lương mỗi tháng, còn lại chừa tiền sinh sống. Nhưng nếu có biến cố gì chắc sẽ phải đi vay người thân, bạn bè vì rất khó để dành được khoản phòng thân", anh Thái chia sẻ.
Chị Trân, anh Thái nằm trong số phần lớn người Việt trẻ có ý định mua nhà ở các TP lớn. Mới đây, trong Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản đầu năm 2022 vừa được công bố của Batdongsan.com.vn, VN là nước có tỉ lệ người dân dự định mua nhà cao nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, đơn vị này còn thống kê có đến 92% trong số hơn 1.000 người VN được khảo sát có ý định mua nhà ở trong tương lai. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là nơi được chọn mua nhiều nhất.
Phải đề phòng rủi ro
May mắn hơn Trân và Thái, anh Đặng Minh Việt (32 tuổi) đang ở cùng bố mẹ và hai em trai trong căn nhà ở quận Tân Bình. Tuy nhiên, anh Việt vẫn có ý định sở hữu căn chung cư riêng cho mình. Với thu nhập khá ổn từ việc làm ở công ty quảng cáo, cùng với đầu tư đất đai và tham gia crypto (tiền mã hóa), mức giá căn hộ mà chàng trai sinh năm 1990 hướng đến sẽ rơi vào 4 - 5 tỉ đồng/căn.
"Tôi chú trọng về an ninh, không gian vừa để dễ quản lý, view đẹp và tiện ích xung quanh. Tôi muốn ở rìa TP một chút để tận hưởng sự yên tĩnh, không khí trong lành chứ không phải suốt ngày nghe tiếng xe cộ ầm ầm", anh nói.
Lựa chọn phân khúc nhà khá cao, anh Việt càng nỗ lực thu nhập để 2 năm tới có thể đủ 50% giá trị căn nhà. Phần còn lại, anh dự định góp trong 15 năm với con số trả gốc lẫn lãi hằng tháng ở mức chấp nhận được so với số tiền kiếm được.
"Tôi đầu tư nhiều thứ, đề phòng rủi ro mất thu nhập chỗ này thì còn từ khoản khác bù vào. Ngoài ra phải đặt kế hoạch cân đối giữa thu nhập và chi tiêu trong một tháng, nếu dư ra nhiều sẽ để dành hoặc dùng để đầu tư. Số tiền đầu tư đó có thể sinh lời nhiều hơn số tiền mình trả cho ngân hàng mỗi tháng.
Mua nhà trả góp dù biết nó là của mình nhưng cứ suy nghĩ nó không hoàn toàn là của mình, nên cố gắng trả nhanh nhất có thể để không phải bận tâm tháng này mình đã trả chưa. Nếu mua tôi sẽ cố gắng tất toán sớm chứ không để đến 15 - 20 năm theo hợp đồng", anh Việt nói.
Theo chàng trai gốc Hà Nội này, lựa chọn mua nhà chung cư trả góp của người trẻ khá hợp lý, song cũng phải tính trước một số rủi ro. "Người mua nên trả trước tối thiểu 40%, mức tốt là 50 - 60%, như vậy tiền góp mỗi tháng dễ thở hơn chứ không gồng mệt lắm. Ngoài ra phải để dành một khoản dự phòng để góp trong vài tháng khi công việc gặp trục trặc.
Chung cư ở lâu sẽ bị khấu hao theo thời gian cùng với các hạng mục khác của tòa nhà có thể xuống cấp và mất giá nếu gặp nhà thầu thi công không có tâm. Chưa kể nhiều khi vào ở không hợp với hàng xóm như họ hát karaoke, chửi bới con cái, nhậu nhẹt um sùm. Lúc đó nếu góp ý không được, muốn dọn đi nơi khác là cả vấn đề", anh Việt nhận định.
Cố gắng nhưng không thành
Trong những người cố gắng có mái nhà ở TP.HCM, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nghiệp là tình cảnh chung của không ít người. Họ dắt díu hai con vào Nam lập nghiệp từ năm 2007, đến giờ vẫn chưa thể có căn nhà riêng của mình. Người chồng làm công nhân ở KCN Tân Tạo, tối siêng năng chạy xe ôm để kiếm thêm tiền. Chị Nghiệp cũng làm công nhân, nhưng đêm nhận thêm hàng may gia công cơ sở ở nhà. Vừa cố làm thêm, họ vừa tiết kiệm từng đồng để có ngày chạm được căn nhà mơ ước.
6 năm sau, khi dành dụm và vay mượn thêm được hơn 200 triệu đồng, họ đã nhắm căn hộ chung cư trả góp để thoát đời ở trọ. Nhưng lúc đó, mẹ già ở quê Quảng Ngãi lại té ngã, nằm liệt giường. Chị Nghiệp phải bỏ việc, về chăm mẹ và số tiền dành dụm đã "nát" dần trong gia cảnh khó khăn.
Lần thứ hai họ định mua nhà là cuối năm 2019 với căn hộ chung cư trả góp ở Bình Chánh, nhưng rồi dịch lại bùng đến. Việc làm công ty bữa đực bữa cái, thu nhập giảm nặng, khiến họ không dám ký hợp đồng trả góp.
Đến nay, vợ chồng chị Nghiệp vẫn đang ở trọ sau hơn 15 năm mưu sinh, sống dè sẻn ở thành phố. Tiền dành dụm còn lại? Họ nói gần hết rồi, còn gì nữa đâu sau nhiều tháng nghỉ việc vì dịch. Kế hoạch mua nhà của họ lại trở về từ đầu và không biết bao giờ mới được cầm khóa nhà của mình trong tay...
MẠNH DŨNG
>> Kỳ tới: Người từ bỏ, người không nghĩ tới
"Đầu tư cho con học hành tốt hơn nhà cửa. Mà để lại tài sản cũng không nhất thiết phải là nhà, có thể là khoản tiết kiệm, hay khoản đầu tư sinh lời nào đó, rồi con tự lập thêm".
Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 1: Sống tạm bợ ở phòng trọ chật hẹp Có căn hộ, căn nhà bé nhỏ ở thành phố là giấc mơ ngày đêm của bao người trẻ sau những năm bôn ba học hành, làm việc.