Người trẻ nhọc nhằn tìm mái nhà an cư - Kỳ 1: Sống tạm bợ ở phòng trọ chật hẹp

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 11:52:04

Có căn hộ, căn nhà bé nhỏ ở thành phố là giấc mơ ngày đêm của bao người trẻ sau những năm bôn ba học hành, làm việc.

Một gia đình công nhân trẻ thuê nhà tại Khu công nghiệp Tân Bình, với ước mơ có được căn nhà ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG


Nó luôn là thời sự nóng, đau đáu của nhiều người song chẳng dễ chạm vào khi giá nhà thị trường quá cao so thu nhập, còn căn hộ "xã hội" có giá bình dân thì gần như đã mất tích...

4h chiều, dựng chiếc xe máy cũ kỹ ở đầu dãy trọ, Trần Thiện Khang xách bọc thịt với bó rau vào bếp chuẩn bị cơm tối mang đến chỗ làm cho vợ và mẹ vợ. Căn phòng trọ vỏn vẹn 9m² trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) là nơi ở tạm bợ của vợ chồng Khang và mẹ vợ anh từ sau Tết.


Chưa đủ nửa diện tích tối thiểu

"Rẻ, ít nóng, gần chỗ làm của vợ và mẹ vợ tôi", Khang nói về tiện ích phòng trọ. Căn trọ lợp tôn, trần thấp, không gác, bao gồm luôn bếp và nhà vệ sinh được thuê với giá 1,4 triệu đồng/tháng, thêm điện nước là 1,6 - 1,7 triệu đồng, trông rối mắt bởi nhiều vật dụng sinh hoạt thiết yếu.

Gia đình Khang dọn đến đây sau khi trả căn trọ nóng hầm hầm bên quận 4. Gửi đứa con gái hai tuổi về quê cho ông bà nội, vợ chồng trẻ lại dẫn nhau tha hương, kiếm tiền gửi về nuôi con và tích cóp chuẩn bị cho đứa con thứ hai sắp ra đời.

Khu trọ Khang đang sống là chỗ ở của những lao động miền Tây, gần Khu chế xuất Tân Thuận. Nó có hơn 10 phòng gồm hai dãy. Lối đi ở giữa bốc mùi và chỉ đủ một xe chạy vào, muốn trở ra phải dẫn lùi chứ không thể quay đầu xe.

Cây quạt máy nhỏ xíu luôn được mở số lớn nhất chỉ tạm giảm nóng cho ba người nhà Khang chen nhau nằm. Chỗ nấu ăn và sàn nước ngay trước phòng vệ sinh, trên tường kê tấm gạch đựng bếp gas và nồi cơm điện. Phía dưới đặt kệ bếp chèn chật chén đĩa, bao gạo. Quần áo đi làm và rổ, nồi, xoong, chảo được treo lên vách để tiết kiệm diện tích.

Luật cư trú 2020 quy định 8m² sàn/người là mức tối thiểu cần đáp ứng khi đăng ký tạm trú tại nhà thuê. Phòng trọ của vợ chồng Khang chưa đạt được phân nửa diện tích nhà ở tối thiểu.

So với vợ chồng Khang, phòng trọ của chị Phan Thị Tình ở phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) rộng hơn một chút nhờ có gác và để được hai xe máy. Căn phòng 15m² lợp tôn, có bếp nhỏ và nhà vệ sinh riêng được thuê 1,8 triệu đồng.

Tuy nhiên, cô công nhân 31 tuổi này ở ghép cùng hai người bạn để đỡ tiền và mới chỉ đạt được hơn nửa diện tích tối thiểu theo quy định của Luật cư trú. Do mỗi ngày họ ở xưởng gần 10 tiếng, nên phòng trọ chỉ dành để ngủ đêm, còn ban ngày rất nóng. Mỗi tối, xe đạp chị Tình dựng ngoài cửa, hai xe máy của bạn dẫn vào đã chiếm diện tích cả nửa phòng. Một người trên gác, phía dưới dư một góc là nơi chị Tình và người đồng hương trải nệm ngả lưng.

Thu nhập thấp, nhiều chi phí phải lo, chị Tình chưa dám nghĩ đến một chốn an cư nơi TP cho mình - Ảnh: DIỆU QUÍ


Chật vật từng đồng bạc

Không biết chạy xe máy, chị Tình sáng nào cũng đạp xe 2km đến chỗ làm, chiều lại đạp lên dốc về nhà. Vô Sài Gòn từ năm 2020, làm việc trong một công ty giày da xuất khẩu, lương của chị Tình 6,5 - 6,7 triệu đồng/tháng tính luôn phụ cấp. Tháng nào tăng ca thêm 1,5 tiếng/ngày, con số đó mới nhích lên được 7,5 - 8 triệu đồng.

"Tiết kiệm lắm mới tạm dư chút ít, chứ không là tháng nào hết tháng đó, còn phải vay mượn thêm" - cô công nhân quê Hà Tĩnh cho biết ngoài tiền trọ và ăn uống, chị còn mua thuốc trị bệnh mắt, một số vật dụng trong nhà và đồ phụ nữ.

Tháng nào tăng ca, sau khi trả các khoản chi phí và gửi về quê cho mẹ 1 triệu đồng, chị mới dư được khoảng 1,5 triệu đồng. "Một thân một mình co kéo mãi mới được chừng đó. Tiền dư đó tôi gửi tiết kiệm để phòng trường hợp khẩn cấp, đám tiệc, ốm đau", chị kể.

Trong khi đó, chiếc xe máy cũ của Trần Thiện Khang hằng ngày không đậu trước phòng mà để phía ngoài lối vào trọ để tiện đi làm. Khang làm tài xế xe ôm công nghệ. "Mỗi tối bắt đầu chở khách từ 11 giờ đêm tới 6 giờ sáng hôm sau. 7 tiếng "nổ cuốc" kiếm hơn 400.000 đồng, cộng thêm 40.000 đồng tiền thưởng đạt mốc 1 của hãng xe, lâu lâu được khách boa nữa", nam tài xế 26 tuổi nói.

Những ngày sắp tới hạn đóng tiền nhà, Khang chạy thêm vài tiếng buổi chiều. Nhưng xăng lên giá và xe cũ hay hư nên anh chẳng còn dư bao nhiêu. Mấy hôm nay thực phẩm tăng giá, Khang và mẹ vợ chọn ăn ít lại trong bữa tối, nhường thức ăn cho vợ đang mang bầu 4 tháng có thêm dinh dưỡng.

Không chỉ công nhân, nhiều người làm văn phòng cũng đang cảnh sống trong những phòng trọ chỉ từ 15 - 20m². 4 năm nay, anh Trần Văn Nguyên (quận Bình Thạnh) vẫn trú ngụ trong phòng 15m² vì như vậy mới có thể tiết kiệm được một chút. Chỗ anh Nguyên thuê gần trung tâm TP nên dù nhỏ nhưng tiền thuê có giá 2,7 triệu đồng, tiền điện nước lên 3,2 triệu đồng.

Căn nhà gồm 3 tầng với 21 phòng, phòng nào có bancông sẽ trả thêm 500.000 đồng, người thuê chủ yếu là sinh viên và dân văn phòng. "Ở đây được cái đi làm tiện, muốn đi đâu cũng dễ", anh Nguyên nói.


Không dám mơ đến... cái nhà vệ sinh

Là nhân viên trẻ tại một công ty bất động sản, thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng nhưng anh Nguyên vẫn chọn thuê nhà nhỏ và chưa dám nghĩ đến chuyện mua nhà dù ước mơ đã có từ thời sinh viên.

Nhu cầu an cư của người dân TP.HCM hiện rất lớn, nhưng do mặt bằng giá nhà ở tăng cao đã cản trở kế hoạch mua nhà của nhiều người. Anh Nguyên kể tiền thuê nhà, ăn uống với phí sinh hoạt đã chiếm nửa thu nhập, trong khi lương đứng im. "Đợt dịch vừa rồi thất nghiệp nhưng may mắn còn tiền tiết kiệm "cứu mạng" mấy tháng, hai tháng nay tôi mới có việc làm. Ngay cả chuyện cơm áo còn phải tính tới tính lui, cố cày lắm cũng chỉ dư dả một khoản phòng thân hoặc đầu tư nhỏ nhỏ thôi", anh Nguyên tâm sự.

Cuộc sống phải chắt bóp từng ngày, nên khi được hỏi về chuyện an cư ở TP, vợ chồng Khang lắc đầu: "Cái nhà vệ sinh riêng sạch sẽ ở Sài Gòn còn chưa có, nói chi nguyên một căn nhà". Họ chỉ muốn trụ lại TP để kiếm tiền, dành dụm thêm vài năm để đón đứa con gái lớn lên ở cùng, cho hai đứa trẻ đi học.

Hiện nay, những người như chị Tình nằm trong số 70% lao động có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Sống trong những căn trọ chật chội với mức sống quá thấp, họ chưa thấy khả năng nào để tìm được chỗ an cư của riêng mình.

"Mua nhà ở thành phố với tôi là ước mơ đau đáu ngày đêm nhưng xa vời lắm, nhà ở xã hội còn không với tới được. Làm công nhân, giá nhà đất ngày càng cao, trong khi lương không cải thiện bao nhiêu" - chị Tình đưa mắt nhìn phòng trọ, tâm sự.


Ở trọ chật hẹp để tiết kiệm

Trà My, vợ Khang, và mẹ chị làm công nhân cùng công ty trong khu chế xuất, chỉ khác chuyền sản xuất. Chị My mới làm ở đây khoảng nửa tháng, sau khi lãnh 6,2 triệu đồng cho 19 ngày làm ở công ty cũ. Đang mang thai hơn 4 tháng, cô không thể thức xuyên đêm cả tuần với lượng hàng tăng cao nên đành nghỉ.

Sang chỗ mới, để được lãnh gần 12 triệu đồng mỗi tháng bao gồm phụ cấp và cơm trưa, My phải làm cả tuần từ 7h sáng tới 10h tối, riêng chủ nhật đến 5h chiều. "Tiền làm ra đem đóng trọ, ăn uống, gửi về quê cho con 3 triệu đồng/tháng, nếu con bệnh thì phải gửi thêm, rồi trả nợ mượn xoay xở hồi mấy tháng dịch", Trà My nói và cho biết dù đang mang thai song cô không dám chuyển chỗ ở rộng hơn cho thoải mái.

"Chịu khó ở chật chút để dành phòng khi ốm đau, tiền đi sanh, mua tã, sữa, quần áo cho con", cô nói và cho biết thêm dự định mua nhà vẫn chỉ là trong giấc mơ.

8 năm từ quê lên TP.HCM học và làm việc, cô đã đổi chỗ ở cả chục lần với đủ dạng nhà trọ. "Đó là lý do tôi luôn muốn có nhà của mình, rất sợ cảnh đi ở trọ nhà người ta".


>> Kỳ tới: Cố tìm mái nhà cho riêng mình

Cú huých từ gói vay ưu đãi 15.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 - 2023 đang hút vốn tư nhân vào các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Chia sẻ Facebook