Người trẻ nghĩ về 30-4
Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày hòa bình 30-4-1975, ngày nay Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí và vai trò trên trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Có nhiều người trẻ luôn hoài bão, ước mơ, nỗ lực cống hiến để đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và tươi đẹp hơn.
Tôi mong rằng các bạn trẻ hãy học cách biết ơn cuộc sống, hiểu rằng mình đang rất may mắn khi được độc lập, tự do thay vì cho rằng những gì các bạn đang có là điều hiển nhiên. Chính lòng biết ơn ấy sẽ tạo ra động lực tích cực để các bạn nỗ lực hơn mỗi ngày.
LƯU THANH HUYỀN
* LƯU THANH HUYỀN
(Giám đốc phát triển năng lực & tổ chức L'Oréal Việt Nam và vào danh sách Forbes Việt Nam Under 30 hạng mục Ảnh hưởng Xã hội năm 2022):
Biết ơn cuộc sống
Là người trẻ sinh trưởng trong hòa bình, tôi thấy mình rất may mắn. Đó cũng là một trong những điều khiến mỗi sáng thức dậy tôi đều biết ơn cuộc sống.
Tôi từng nghe mẹ kể lại những câu chuyện về cuộc sống trong thời chiến, khi mẹ đang làm việc thì phải chạy trốn khi nghe tiếng máy bay. Cả nhả, cả xóm phải trốn dưới hầm, bao trùm bởi nỗi sợ bom đạn. Không ai biết ngày mai sẽ ra sao.
Thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòa bình, nếu như không nghe được những câu chuyện từ ông bà, cha mẹ, có lẽ chúng tôi cũng không tưởng tượng được cảnh sống vất vả khi ấy. Tôi tin rằng giờ đây, việc mỗi ngày không cần phải lo lắng về bom đạn, chiến tranh, phải tự hỏi liệu mình có còn sống được đến ngày mai hay không, đó đã là một hạnh phúc.
Tôi luôn hiểu rằng chính cuộc sống hòa bình, được đánh đổi bởi máu, nước mắt và sinh mạng của thế hệ cha ông, đã cho phép tôi có đủ điều kiện để dám mơ ước cho bản thân, mơ được sống có ích hơn, giúp ích cho gia đình, xã hội nhiều hơn.
Nhìn ra bạn bè quốc tế, có thể thấy người dân ở nhiều quốc gia không được may mắn như ở Việt Nam. Đối với những người trẻ sống trong chiến tranh, tôi nghĩ mơ ước lớn nhất của họ chính là được độc lập, được có những điều kiện sống cơ bản nhất.
Sau hơn 5 năm làm việc ở vị trí quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia, tôi có dịp lắng nghe và tiếp xúc với nhiều người trẻ.
Cùng với khát khao được cống hiến, đó là động lực để tôi sáng lập VOCO - Trung tâm hướng nghiệp trực tuyến Việt Nam, và VOCF - Hội chợ việc làm trực tuyến Việt Nam, với mong muốn mang lại cho người trẻ cơ hội để được tiếp cận với thông tin về văn hóa công ty, thực trạng nhu cầu doanh nghiệp, thực tế ngành nghề... để có góc nhìn rộng hơn, từ đó đưa ra sự lựa chọn chính xác hơn, đặc biệt là trong những năm đầu đi làm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp người trẻ nâng cao kỹ năng xây dựng nhãn hiệu, thúc đẩy tư duy mở, để họ có nhiều hoài bão hơn, tự tin hơn vào bản thân mình.
Qua hành trình làm việc, tôi khao khát được nhìn thấy một cộng đồng người trẻ Việt Nam tin vào năng lực của bản thân, có định hướng tốt, từ đó hướng đến mục tiêu cá nhân, và xa hơn nữa là việc người trẻ được ghi nhận trên thị trường lao động quốc tế, ghi dấu với hình ảnh cần cù, chăm chỉ, đồng thời có khả năng giải quyết các vấn đề lớn, nói được và làm được.
* BS.CKI HÀ HIẾU TRUNG
(Bí thư Đoàn, phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Ung Bướu, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2021)
Phải sống xứng đáng
Trước thời điểm 30-4-1975, nhiều lớp thanh niên đã “xếp bút nghiêng”, gác lại ước mơ của cá nhân để hoàn thành ước mơ lớn của cả dân tộc là độc lập dân tộc, tự do cho đất nước. Đó cũng là lý tưởng cao đẹp nhất của tầng tầng lớp lớp những thanh niên thời ấy.
Lý tưởng, mơ ước ấy được khắc họa trong đoạn thoại của bộ phim Mùi cỏ cháy do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc: “Trong buổi bình minh của cách mạng, ai sẽ là người đi vào mờ sáng.
Có tôi và hơn một nghìn sinh viên các trường đại học nhập ngũ lần này. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa qua những áng văn, những bài thơ. Tháng 4 năm 1975 sẽ trả lời cho bạn hạnh phúc là gì?”.
Là công dân của TP.HCM, đồng thời là người trẻ thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trong đất nước hòa bình, thống nhất và phát triển, tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc.
Tôi thấy mình may mắn khi được sống trong một đất nước yên bình, không còn phải nghe tiếng súng, tiếng bom, đặc biệt là khi tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn; bên cạnh đó, thanh niên luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện phát triển bản thân về mọi mặt.
Trong quyển sách Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của cố thượng tướng Trần Văn Trà có đoạn trích một bức thư của 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã):
“Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn...
Xin cho chúng tôi gửi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa”.
Bức thư để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, hiểu rằng để có được cuộc sống bình yên tốt đẹp của hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đã phải cống hiến, hy sinh tính mạng, tài sản, xương máu qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ với biết bao gian khổ, hy sinh.
Để qua đó nhận thấy trách nhiệm của người trẻ ngày hôm nay là tiếp tục xây dựng đất nước phát triển hơn, sống xứng đáng với những hy sinh mất mát của thế hệ trước, tiếp tục học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng với sự đồng lòng, đoàn kết của mỗi người dân Việt Nam, đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để có thể sớm “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Hòa bình mang lại những điều kiện thuận lợi để tôi được quyền quyết định cuộc sống của mình, theo đuổi hoài bão riêng, chuyên tâm học tập với khát vọng thay đổi số phận.
NGÔ TƯỜNG VY
* NGÔ TƯỜNG VY
(sinh viên năm 2 ngành sư phạm tiếng Anh, Đại học Sài Gòn; trưởng ban nhân sự và tài chính tại CLB Khuyến tài TP.HCM):
May mắn sống trong thời bình
Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, mẹ buôn bán, cha mắc bệnh suy thận mãn tính từ những năm tôi còn rất nhỏ.
Tôi trưởng thành từ khó khăn, nhất là về tài chính, nhưng tôi vẫn luôn tin rằng mình còn may mắn hơn nhiều số phận khác, và may mắn nhất khi được sống trong thời bình. Hòa bình cho tôi cảm giác bình an và không phải lo lắng về những trận mưa bom bão đạn có thể ập đến tước đi mạng sống của mình và gia đình bất cứ lúc nào.
Là sinh viên năm 2 ngành sư phạm tiếng Anh ở Trường đại học Sài Gòn, tôi vẫn đang cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn một cách trọn vẹn nhất để mai này khi rời khỏi mái trường, tôi sẽ trở thành một nhà giáo có đủ kiến thức để truyền đạt cho thế hệ sau.
Khi xưa ông cha ta đã gửi gắm tuổi trẻ vào từng tấc đất quê hương để mang đến hòa bình, ngày nay tôi mong dành thời thanh xuân của mình để cống hiến và đóng góp xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.
Bằng niềm đam mê dành cho nghề giáo và tâm huyết, và bản thân trưởng thành từ gian khó, tôi mong có thể mang tri thức đến cho các em nhỏ trên mọi miền đất nước, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều gia đình còn phải nặng gánh lo toan cơm áo gạo tiền, không có cơ hội đầu tư vào tri thức cho trẻ nhỏ.
Tôi mong mọi trẻ em đều được tiếp cận giáo dục và trở thành những công dân tốt, có tương lai vững vàng về sau.
Khi tham dự buổi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ và học bổng 1&1 của Hội Khuyến học TP.HCM, tôi có cơ hội mở rộng tầm nhìn, gặp gỡ nhiều bạn trẻ tài năng ở khắp các lĩnh vực.
Có nhiều bạn cũng như tôi, lớn lên với nhiều thử thách bủa vây, nhưng họ chưa bao giờ bỏ cuộc. Điều này không chỉ truyền cảm hứng và động lực, mà còn giúp tôi nhận ra rằng người trẻ Việt Nam là những bạn trẻ có năng lực, tinh thần cầu tiến, nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Tôi tin rằng với nguồn lực là những người trẻ đầy nhiệt huyết và khát vọng ấy, tương lai Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng phát triển, hội nhập quốc tế, và chúng ta có quyền mơ ước về đất nước Việt Nam giàu mạnh hơn, khẳng định vị thế trên trường quốc tế hơn vào một ngày không xa.
Từ quận Cam nghĩ về giá trị hòa bình
Là một người lớn lên ở xứ sở cờ hoa, ngày 30-4 không mang nhiều ấn tượng đối với tôi ngoài một chút ký ức hồi còn nhỏ đi học tiểu học ở Việt Nam. Tôi còn nhớ lúc đó con đường trong xóm treo cờ đỏ mỗi nhà. Tôi liền giục ba mẹ tôi cũng treo cờ cho đẹp. Ước muốn của một đứa trẻ chỉ đơn giản thế thôi.
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành khoa học chính trị ở Mỹ và trở thành một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành, có một điều tôi nhận ra được là hòa bình là một cột mốc mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng muốn đạt được. Phải có hòa bình thì đất nước mới phát triển được. Người dân mới an cư lạc nghiệp. Khái niệm hòa bình là một thứ nói ra ai cũng biết.
Nói về ngày 30-4, ở Việt Nam là một ngày lễ lớn mà mọi người chung vui. Tuy nhiên đối với một số nhóm, ngày đó là một kỷ niệm buồn. Nhưng bất kể từ góc nhìn nào, ngày 30-4 là ngày kết thúc của một cuộc chiến khốc liệt.
Cho nên là một người chịu sự ảnh hưởng của nhiều nền giáo dục khác nhau, tôi xem ngày 30-4 như một cột mốc trong lịch sử. Còn bây giờ, sau 47 năm, không còn mang nhiều ý nghĩa của việc người thắng kẻ thua như trước nữa.
Nhắc đến Việt Nam, ở nước ngoài và đặc biệt là ở Mỹ, người ta thường nghĩ đến chiến tranh Việt Nam, những khu rừng, rồi bom rồi đạn. Nhưng nhìn kỹ Việt Nam còn có nhiều thứ để góp phần cho xã hội và kinh tế thế giới. Việt Nam đang phát triển rất nhanh và mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các nhà đầu tư.
Người trẻ Việt Nam bất kể là sinh ra và lớn lên ở trong nước hay ngoài nước phần lớn không còn quan tâm nhiều đến chiến tranh Việt Nam nữa. Tôi nghĩ họ cũng như tôi, xem đó như là một chuyện đã xảy ra.
Mình không có khả năng để thay đổi quá khứ. Đó có thể là một bài học cho thế hệ sau, nhưng không quyết định tương lai. Đất nước mình vẫn chưa hoàn thiện, nhưng mình vẫn có thể xem xét những gì nước mình đang có và nắm bắt những cơ hội tốt nhất có thể. Chỉ có nhìn về phía trước mà đi tiếp thì mình mới phát triển.
VỸ AN (33 tuổi, ở quận Cam, California)
Thật tình cờ, nhiều chương trình xây dựng tủ sách do học sinh, sinh viên khởi xướng kêu gọi quyên góp sách trên mạng xã hội trong tháng 4 này.