Người trẻ ngày càng lười nhờ được bố mẹ hậu thuẫn: 27 tuổi vẫn ăn bám

Chia sẻ Facebook
20/05/2023 03:10:21

Dù không việc làm, không tiền đồ, những người trẻ này cũng chẳng cảm thấy sốt sắng, bởi họ biết bản thân luôn có bố mẹ hậu thuẫn, có thể 'ăn bám' bất cứ lúc nào.

"Giới trẻ giờ đâu khổ như thế hệ xưa, được bố mẹ chiều quá nên cần gì kiếm tiền" - Đây chính là nhận định của rất nhiều người hiện nay. Quả thật điều này không phải là đúng với tất cả người trẻ, nhưng cũng có không ít trường hợp như vậy trong xã hội.

Dù đã bước vào ngưỡng cửa sinh con, lập nghiệp từ lâu, thế nhưng thay vì phấn đấu vì bản thân, họ lại hưởng thụ cuộc sống "ăn bám" gia đình. Tương lai có ra sao, họ cũng chẳng thèm bận tâm, bố mẹ chở che ngày nào thì tính ngày đó.

Thay vì cố sống tự lập, nhiều người trẻ lại chọn trở về nhà "ăn bám" bố mẹ. (Ảnh: Getty Images)

"Những đứa trẻ to xác" chỉ thích sống hưởng thụ bằng tiền bố mẹ

Ở Nhật Bản có một nhóm người, được gọi là Hikikomori, họ không đi làm, cũng chẳng buồn giao tiếp với ai, mỗi ngày đều ở nhà "ăn bám" bố mẹ. Kiểu người này tại Việt Nam cũng không hề hiếm gặp. Dù gia đình có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, thế nhưng họ lại chẳng bao giờ biết tận dụng mà ngược lại còn thoải mái tận hưởng cuộc sống an nhàn, mặc cho bố mẹ còng lưng chu cấp. Hiện nay cũng có rất nhiều người, dù đã 27, 28 tuổi nhưng lại chẳng vội vã với cuộc sống, cả ngày chỉ nằm nhà xem phim, nghe nhạc hoặc tụ tập bạn bè.

Thực tế, lối sống này cũng một phần bắt nguồn từ việc được bố mẹ nuông chiều. Thế hệ 7x-8x trước đây hầu như đều có chung một suy nghĩ, đó là làm sao để kiếm tiền, tiết kiệm lo cho cuộc sống của con cái sau này. Đến khi con trưởng thành, họ vẫn tất bật mua nhà cửa, sắm xe cộ cho.

Người trẻ chẳng cần làm gì cũng có nhà, xe sẵn có từ bố mẹ. (Ảnh: Musee Magazine)

Thay vì tốn công, người trẻ lại vui vẻ tận hưởng cuộc sống ấm no nhờ tiền của bố mẹ. (Ảnh: ABC)

Khi bước chân vào đời, những người trẻ đã có sẵn một cuộc sống sung sướng từ bố mẹ. Họ nhanh chóng bị điều đó nhấn chìm, đến mức quên cả việc nỗ lực vì tương lai. Họ tin rằng dù bản thân làm gì cũng đều có bố mẹ lo cho. Cuộc sống hiện tại đối với họ cũng đủ tốt, thế nên chẳng cần phải phấn đấu cho tốn công.

Suy nghĩ đó không chỉ ngày một, ngày hai mà nó còn ngày càng ăn sâu vào tâm trí người trẻ, cuối cùng sinh ra những "đứa trẻ to xác", chỉ nghĩ đến ăn chơi, hưởng thụ bằng tiền từ gia đình. Kể cả khi kết hôn, sinh con, họ vẫn quen thói "ăn bám" bố mẹ, thiếu gì cũng gọi về xin tiền.

Người trẻ vui vẻ nhận những món quà đắt đỏ từ bố mẹ như một điều bản thân xứng đáng có được. (Ảnh: iStock)

Sự che chở quá mức từ gia đình "chôn vùi" nỗ lực của con trẻ

Có bố mẹ chở che, hỗ trợ là điều tốt, nhưng nếu không biết cách tận dụng, con cái sẽ dễ "lầm đường lạc lối". Sự yêu thương quá mức từ gia đình đôi khi lại biến những người trẻ trở thành kẻ lười biếng, không coi trọng việc cố gắng, phát triển bản thân.

Nhiều người đi làm như đi chơi. Chỉ cần gặp chút khó khăn hoặc cảm thấy không vừa ý, họ sẵn sàng bỏ việc, quay trở về nhà với bố mẹ. Bản thân họ biết rằng kể cả mình có thất nghiệp thì vẫn có gia đình hậu thuẫn, không phải lo về cơm áo gạo tiền. Đó cũng là một trong những lý do khiến tỉ lệ người trẻ nhảy việc hiện nay lớn hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Nhiều người còn trẻ nhưng không có mục tiêu, động lực sống. (Ảnh: HubPages)

Đáng buồn hơn là những trường hợp thích viện lý do ăn bám bố mẹ, ví như "tập trung học cao hơn" hay "về nhà để báo hiếu gia đình". Thực tế, việc họ làm chỉ là ở nhà, vui chơi tận hưởng, tiêu tiền của người thân. Những lời biện minh trên là cách để họ trì hoãn việc ra ngoài kiếm sống. Họ lấy lòng thương từ bố mẹ để thỏa mãn sự lười biếng của chính mình.

Dù bố mẹ có đồng tình hay không, họ cũng chẳng bận tâm, chỉ cần bản thân không phải ra ngoài làm lụng là được. (Ảnh: Eiga)


Xin hãy nghĩ đến bố mẹ và chính bản thân mình

Bố mẹ không thể bên ta mãi mãi - đó là điều hiển nhiên ai cũng biết nhưng không phải ai cũng nghĩ đến. Cuộc sống "ăn bám" bố mẹ cũng vậy, dù thế nào cũng chẳng thể dài lâu. Nhất là đối với những gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc. Họ cố gắng cả đời để tạo điều kiện cho con phát triển, đến khi đã già vẫn phải tất bật làm lụng lo cho một người vô công rỗi nghề. Điều đó vô cùng bất công.

Thế nên, nếu có bố mẹ hậu thuẫn, người trẻ cần coi đó là cơ hội quý giá của mình, tận dụng mọi thứ để phát triển bản thân thay vì nuôi thói quen lười biếng. Kể cả khi đã có nhà, xe, mọi người vẫn có thể phấn đấu vì một cuộc sống tốt hơn nữa.

Chẳng có điểm dừng nào cho sự nỗ lực. Hãy nhớ rằng hành động của bản thân bạn không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn cả cho thế hệ sau này. Sự nỗ lực của bố mẹ chính là tiền đề để phát triển cho con cái. Thế nên việc bạn nỗ lực ở hiện tại cũng sẽ giúp cho con bạn có thêm cơ hội học hỏi ở tương lai.

Phấn đấu vì bản thân chưa bao giờ là điều dư thừa. (Ảnh: NHK)

Hãy cố gắng vì những gì bố mẹ đã trao cho bạn. (Ảnh: BBC)

Bố mẹ không có trách nghiệm phải chăm lo cho con cái cả đời. Mỗi người nên tự phấn đấu vì cuộc sống của chính mình, kể cả có được hậu thuẫn hay không. Chỉ khi nỗ lực, bạn mới có thể tận hưởng thành quả một cách trọn vẹn nhất.


Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN !

Bố mẹ nào cũng vậy, cố gắng làm lụng cả đời để mang lại cho con một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Kể cả khi con trưởng thành, trong mắt họ chúng vẫn còn là những đứa trẻ nhỏ, cần được ở bên chăm sóc, bao bọc. Nhưng yêu thương con cũng cần phải đúng cách, không thể lúc nào cũng sẵn sàng để chúng dựa dẫm mãi được.

Thay vào đó, bố mẹ nên trở thành nguồn động lực thúc đẩy con nỗ lực hơn. Khi con trưởng thành, hãy để chúng tự lập. Đây mới là cách giáo dục, giúp đỡ đúng đắn của các bậc phụ huynh.


Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook