Người trẻ ngày càng ít kiên nhẫn với bố mẹ, hở một tí liền không vừa ý
Chỉ cần bố mẹ làm gì đó không vừa ý, những người con sẽ ngày lập tức tỏ ra khó chịu, buông những lời nói chê bai, gây tổn thương. Thậm chí nhiều người còn cho rằng bố mẹ luôn cổ hủ, phiền phức.
Có rất nhiều người càng lớn lại càng trở nên xa cách bố mẹ hơn. Họ chỉ về nhà, tương tác với người thân vì trách nghiệm, không phải tình cảm. Khi được bố mẹ nhờ vả, họ liền tỏ ý không bằng lòng. Chỉ cần người nhà làm điều gì đó không vừa ý, chắc chắn họ sẽ thể hiện thái độ khó chịu, thậm chí còn dùng lời lẽ đau lòng để lên án, phán xét.
Nhưng điều họ quên mất rằng, bản thân cũng từng là một đứa trẻ, bố mẹ đã nhẫn nhịn nuôi lớn suốt hàng chục năm. Không báo hiếu đã đáng trách, tại sao còn khó khăn với gia đình?
Ra đường thì niềm nở, về nhà lại hoạnh họe đủ điều
Có rất nhiều người trẻ ra xã hội thì tươi vui, niềm nở, nhưng khi về nhà lại khó khăn với chính gia đình của mình. Mỗi một hành động của bố mẹ, họ đều cảm thấy không vừa mắt. Thậm chí chỉ một chút sai lệch nhỏ, họ cũng sẵn sàng lên án cha mẹ. Lúc nào những người này cũng cho rằng bố mẹ cổ hủ, không biết gì nên từ chối nói chuyện, tiếp xúc cùng.
Nhưng có thật là thế? Thực ra ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ đã làm đủ thứ để chúng ta có được một cuộc sống tốt nhất. Chỉ cần con cái muốn, họ sẽ làm mọi thứ để đáp ứng. Có lẽ cũng vì điều này mà nhiều người con đã hiểu lầm rằng, việc làm hài lòng chúng là bổn phận và trách nhiệm của bố mẹ. Nếu bản thân không hài lòng thì luôn sẵn sàng hoạnh họe, khó chịu với bố mẹ.
Đáng buồn hơn, nhiều người con hiện nay còn không muốn giúp đỡ gia đình của mình, kể cả là việc nhỏ nhặt. Điển hình như khi bố mẹ muốn học sử dụng điện thoại thông minh, ipad, con lại viện cớ, không muốn mất thời gian ngồi hướng dẫn. Chỉ cần bố mẹ hiểu chậm, con cái cũng lập tức gắt gỏng, bực mình. Hay như chuyện nói tiếng Anh cũng vậy. Cứ thấy bố mẹ không biết gì là một số người lại đùa giỡn, cười chê chính người nhà của mình.
Nhưng có lẽ những người con được nhắc đến ở trên quên rằng ai là người đã giúp chúng có được cuộc sống như hiện tại. Công sinh thành đã lớn, công dưỡng dục còn đáng quý hơn. Bố mẹ chính là người đã dạy con biết đi, biết đọc, biết viết. Chính nhờ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ mà các con mới có cơ hội tiếp xúc nhiều với internet, smartphone, được đến trường học thêm những thứ mới. Khi con cái đòi hỏi, họ chưa từng quay lưng. Dù con cái có làm điều gì sai, họ cũng kiên nhẫn dạy bảo, đồng hành bên cạnh.
Hãy đối xử với gia đình bằng tình cảm, đừng chỉ nghĩ đó là trách nghiệm
Những người trẻ khi đã có thể sống tự lập, họ rời xa gia đình, không còn gắn bó với bố mẹ như trước. Họ tính toán từng ngày về thăm bố mẹ, nhưng bạn bè rủ đi chơi lại chưa từng nao núng.
Mỗi khi về quê, họ lại ngủ, xem phim cho hết ngày, cho rằng sự hiện diện của bản thân đã đủ để làm tròn bổn phận bên gia đình, còn việc bố mẹ muốn làm gì, có vui hay không chưa bao giờ là nỗi bận tâm. Thậm chí có những người chỉ về nhà khi bố mẹ gọi nhiều, còn tâm can luôn cảm thấy khó chịu, phiền phức.
Thực tế chẳng có bố mẹ nào lại không muốn ở bên cạnh con cái của mình. Đối với họ, mỗi phút giây được ở cạnh con đều rất đáng trân trọng. Dù không thể mãi ở bên nhưng lúc nào họ cũng cố gắng yêu thương, chăm lo cho con cái. Vì vậy, nếu còn có thể, xin hãy dành thời gian cho bố mẹ. Họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và thương yêu.
Già đi chưa bao giờ là một việc dễ dàng, quãng thời gian này cũng rất khó khăn đối với bố mẹ. Thế nên những người con hãy đồng hành bên cạnh bố mẹ, giống như cách họ luôn ở bên khi ta khôn lớn, trưởng thành.
Bố mẹ nào cũng vậy, dù luôn nỗ lực vì con cái nhưng lại không muốn chúng phải vất vả vì mình. Kể cả vậy, mỗi người con vẫn nên báo hiếu gia đình, đó là điều hiển nhiên, không cần ai phải nhắc nhở.
Đừng quên cùng Yan.vn cập nhật thêm những tin tức hấp dẫn về đời sống và xã hội!
Sinh ra ở hai thế hệ, thế nên bố mẹ và con cái luôn có những góc nhìn, quan điểm khác nhau. Nhưng không thể để những điều đó làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Thay vào đó, cả gia đình nên trò chuyện, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó tuy khó, nhưng lại là cách tốt nhất để các thành viên có thể thấu hiểu lẫn nhau. Nhờ vậy mối quan hệ trong nhà cũng trở nên gắn kết hơn rất nhiều. Đấy mới là ý nghĩa thực sự của hai chữ "gia đình".
Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY !