Người tốt việc tốt...
Bây giờ cái sự người tốt việc tốt ấy còn rất nhiều, miễn là nó được kích hoạt đúng lúc, đúng chỗ.
Hôm kia bạn đọc báo và cư dân mạng dậy sóng với cái tin một bé gái "bom hàng". Cháu bé lớp 9, chăm mẹ ốm nặng, nghèo tới mức cả tuần mẹ chỉ có một bộ đồ, không có cái để thay, bé bèn đi nhặt ve chai bán lấy tiền mua cho mẹ bộ quần áo. Bé kể con đã “dũng cảm” đặt mua cho mẹ bộ quần áo 90 ngàn. Nhưng rủi thay khi chú shipper đưa tới thì con mới kiếm được 30 ngàn. Con gọi điện xin lỗi cô chủ và chuẩn bị nghe cô chửi thì con phải chịu.
Về phía người phụ nữ bán hàng online. Tất nhiên là rất bực, gọi lại hỏi cho rõ ngọn ngành, rồi... khóc ròng vì nghe và chứng kiến câu chuyện, hết sức cảm phục và yêu đứa con hiếu thảo. Chị quyết định tặng cháu bộ đồ cho mẹ cháu bé và còn mượn tiền của shipper tặng cháu 1 triệu.
Tôi đọc, và nước mắt chảy tràn, không ngăn được dù rất... xấu hổ vì đàn ông mà lại khóc.
Và rồi, ngay lập tức, rất nhiều tấm lòng đã đến với mẹ cháu. Không chỉ bộ quần áo, mà còn đủ tiền để chữa căn bệnh quái ác và rất lạ nữa.
Hôm qua vợ tôi đi chợ về, vừa lấy thịt trong túi ra chế biến vừa nói: Cái Hải nhắn anh lúc nào xuống trại điên báo trước vài ngày, cô ấy gửi tặng 50 cái bánh chưng?
Hải là mối thịt sạch riêng của vợ tôi. Thi thoảng nhận cú điện thoại là lại xách xe chạy đi, lúc về là một túi thịt.
Hai vợ chồng làm nghề bán thịt. Mà thực ra thì chỉ cô này. Chồng có nhiệm vụ vào các làng ngoại ô chọn, hẹn, đặt... rồi mỗi ngày chạy xe vào bắt một con lợn. Dăm ngày một con bò, mang về vất uỵch xuống sân, còn lại phần vợ. Vợ xắn tay áo chừng hơn tiếng thì cái gì ra cái nấy, rất gọn ghẽ dẫu đấy là lợn hay bò. Đã thế lại xởi lởi, hay chuyện. Vợ tôi nghe nói thì trợn mắt lên: Sao biết anh nhà chị? Ôi giời ngày nào em chả đọc anh ấy, biết anh ấy hay xuống thăm trại điên và mái ấm, thôi thì góp một tay...
Ở Chư Sê có một cái mái ấm Giu Se tôi hay xuống thăm, mang quà của bạn bè xuống. Nó của một người đàn ông theo đạo không vợ không con tên Đinh Minh Nhật, nhưng thấy nhiều đứa trẻ sơ sinh bị chôn cùng mẹ theo phong tục, nên đứng ra "chuộc" về nuôi. Luôn luôn xấp xỉ 100 đứa, cao nhất 150, trung bình 120. Cứ thế, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm... nuôi chúng nhẫn nại như con mọn. Mà hơn thế. Mỗi gia đình giờ chỉ 2 con mà còn la oai oái, mà vợ chồng đều có việc cả, đằng này...
Ở ngay ngoại ô Pleiku có một cặp vợ chồng, chồng tên Phước, vợ tên Hạt, đang yên đang lành. Một hôm chồng đi làm (chở đá thuê), thấy một anh điên cứ đứng cà rà không chịu về. Hỏi nhà ở đâu chỉ cười cười, bảo về nhà tao nhé. Thế là leo lên xe. Chạng vạng Phước về, cùng anh chàng điên trước con mắt thất kinh của cả vợ con.
Tới giờ chỗ ấy cũng luôn có hơn trăm người điên. Tôi hay gọi đấy là trại điên Phước Hạt, bởi nói thật, vợ chồng nhà này cũng... điên, không điên không ai làm được thế. Trong số ở đấy, dăm người lên cơn đã... có những hành vi đáng sợ. Họ kể lại rồi cười phe phe. Nhưng lạ, đi khắp nơi không khỏi, cả bệnh viên tâm thần, tới chùa chiền khắp nơi, nhưng về đây là ngoan hiền như cún. Bố của một thanh niên đang ở dưới ấy hôm nọ kể với tôi, em đưa cháu đi khắp nơi, không cách gì khỏi, về đây cháu ngoan hẳn. Em đưa chị Hạt ít tiền, hôm sau anh Phước gọi em xuống, trả lại tiền cho em, bảo chú cầm tiền này rồi đưa cháu về, tôi không nuôi thuê cho chú. Em thất kinh, cầm lại tiền rồi năn nỉ mãi anh ấy mới nguôi, bảo chú còn gia đình, còn con nhỏ, lo mà nuôi cái gia đình ấy, ở đây tôi lo...
Cả hai nơi, mái ấm và trại điên ấy, một mặt là tự làm để có ăn, mặt khác là lòng tốt từ khắp nước. Nhưng cứ nghĩ cảnh sáng sớm ra, mở mắt cái, hình dung hôm nay từng ấy con người ăn gì mặc gì là tôi đã ớn lạnh. Nhưng họ quen rồi, nên chưa đến nỗi cũng... phát điên.
Cũng Gia Lai, có một thầy giáo thấy học sinh đi học đói quá, toàn bụng đói chân đất đi học, có cháu đói tới phát xỉu. Thế là lấy tiền túi mua bánh mì cho các cháu ăn đi học. 4 giờ sáng dậy, tới lò lấy bánh cho rẻ, tới cổng trường đứng phát cho học trò. Cũng là một cách dụ học sinh tới lớp. Rồi báo chí biết chuyện, người tốt biết chuyện, chung tay cùng thầy giúp các cháu, sau ăn tới mặc tới dép, rồi tiến tới giúp cả bò cho những em quá nghèo...
Nhân đây cũng xin nói, rất nhiều trường ở những xã khi được... xóa nghèo, ra khỏi vùng 3 là các cháu học sinh vợi hẳn đi, vì các cháu không còn được hưởng tiêu chuẩn vùng nghèo, trong đó có bữa ăn.
Hôm nọ một nữ nhà văn gốc Gia Lai tổ chức ra mắt sách ở Sài Gòn, nhờ tôi giới thiệu mấy em sinh viên người Gia Lai đang học ở Tp.HCM để cô trao quà bằng tiền bán sách của mình. Tôi thông báo lên facebook. Một thầy giáo ở huyện Krông Pa, một huyện vùng xa và sâu, giới thiệu cho tôi một học sinh của thầy. Tôi đọc và hết sức hoang mang, chẳng nhẽ giờ lại có những hoàn cảnh khổ đến thế. Thầy gửi cho tôi cái ảnh. Không thể khó khăn hơn, không thể khổ hơn khi nhìn vào cái ảnh 1 gia đình 4 người, bố mẹ già yếu bệnh tật, chị thiểu năng. Hôm ấy mấy anh em chúng tôi ngồi, tôi kể câu chuyện và ai cũng rưng rưng. Cuối cùng một quyết định đưa ra: một anh bạn nhà báo và một người nữa, đều đề nghị không đưa tên, mỗi tháng sẽ chuyển giúp cháu 1 triệu. Còn ngay hôm ấy, tôi gom được thêm mấy triệu nhập cùng chỗ cô nhà văn kia tặng cháu...
Còn rất nhiều những lòng tốt, người tốt quanh ta. Như anh bạn, đều như vắt tranh, tháng nào cũng đúng ngày ấy, tự lái xe chở 600kg gạo xuống mái ấm. Như một nhóm bạn HN cũng đúng ngày gửi cho mái ấm 10 triệu... Không thể kể hết trong một bài báo nhỏ.
Vừa qua cũng có nhiều những vụ nhân danh từ thiện để lừa đảo, thậm chí nộp tiền từ thiện vào một vài tổ chức nhà nước vẫn bị xà xẻo, cán bộ bị bắt, phải ra tòa, mà vụ kế toán Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai vừa bị bắt vì biển thủ 3,5 tỉ tiền quỹ phòng chống Covid là ví dụ mới nhất. Rồi hàng loạt lãnh đạo vào lò vì tham ô tham nhũng lâu nay...
Nhưng lòng tốt, người tốt vẫn luôn tươi xanh với cuộc đời này, không kể xiết. Họ là nhân dân lao động, rất nhiều người là lá rách ít đùm lá rách nhiều, mà cái chị Hải bán thịt lợn là một ví dụ hết sức ấm lòng...
Cây đời mãi xanh là thế. Và bởi thế chúng ta yêu cuộc sống này hơn.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.