Người tiêu dùng cẩn trọng khi liên tiếp phát hiện bánh Trung thu trôi nổi
Hàng ngàn chiếc bánh Trung thu giá rẻ không rõ nguồn gốc đã bị thu giữ, dù vậy người tiêu dùng vẫn cần cẩn trọng khi chọn mua bánh để có một mùa Trăng an toàn sức khỏe.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, hiện nay bánh Trung thu trôi nổi, giá rẻ tràn ngập chợ mạng.
Vào đầu tháng 8, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 8/8/2022 về đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Công an thành phố phối hợp với các ngành chức năng chủ động phát hiện, điều tra làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm đối với các loại thực phẩm phục vụ Tết Trung thu lưu thông trên địa bàn Thành phố. Điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Được biết, chỉ trong vòng 1 tuần qua, hàng ngàn chiếc bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị phát hiện và thu giữ trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, sáng 24/8, tổ công tác Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng là Nguyễn Thị Bích N. (sinh năm 1993, quê Quảng Ninh) cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất rất lớn nên N. đã thu mua các loại bánh Trung thu trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.
Trước đó vào chiều 18/8, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Cầu Giấy, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phát hiện tại trước cửa nhà số 7 đường Phạm Văn Đồng, (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) một đối tượng đang tập kết hàng hóa nghi hàng nhập lậu. Qua kiểm tra, phát hiện có 2.040 chiếc bánh Trung thu và 1.350 gói bánh kẹo các loại, trên bao bì đều in chữ Trung Quốc.
Chủ lô hàng là Nguyễn Huy Nghĩa, sinh năm 1997, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, khai nhận, số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường với giá gần 30 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, Nguyễn Huy Nghĩa không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.
Theo Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý những tiêu chí dưới đây để lựa chọn bánh trung thu đảm bảo an toàn: Chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rõ ràng hay những sản phẩm có bao bì rách nát, sản phẩm bị móp méo hoặc có màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và có mùi khác lạ…
Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Ngà, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quận luôn được lãnh đạo quận quan tâm. Thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm- nơi có làng nghề bánh trung thu truyền thống, quận đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan của quận cùng 13 phường tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh những mặt hàng liên quan đến thực phẩm.
Đặc biệt, quận đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan tăng cường kiểm tra trong dịp Tết Trung thu 2022. Trong dịp Tết Trung thu, ngoài công tác kiểm tra, quận cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 2 phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo.
Hiện nay, theo rà soát, quận có khoảng 27 hộ đang trực tiếp sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn 2 phường. Đây là 2 phường có nghề truyền thống, tuy nhiên, thời gian gần đây cũng đã mai một dần, số lượng các hộ sản xuất giảm nhiều. Tuy nhiên, quận luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm đầu ra và yêu cầu các hộ sản xuất kinh doanh luôn phải đảm bảo an toàn thực phẩm vì liên quan đến sức khỏe của người sử dụng.
Qua kiểm tra 2 cơ sở sản xuất bánh trung thu tại phường Xuân Tảo, đoàn nhận thấy, các cơ sở cơ bản đã chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ cơ sở đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn cũng vừa hướng dẫn vừa nhắc nhở các hộ sản xuất kinh doanh về lỗi vi phạm, đặc biệt là lỗi vượt mức phải xử phạt, chúng tôi sẽ lập hồ sơ để xử phạt. "Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi vừa hướng dẫn vừa nhắc nhở các hộ sản xuất kinh doanh về lỗi vi phạm, đặc biệt là các lỗi vượt mức phải xử phạt, chúng tôi sẽ lập hồ sơ để xử phạt. Ngoài ra, đoàn cũng đã tuyên truyền tới hộ sản xuất kinh doanh cần nâng cao ý thức, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Văn Ngà cho biết.