Người Thượng Hải giúp nhau giữa phong tỏa
Horace Lu không ngờ kỹ năng về quan hệ công chúng lại giúp anh mua được thực phẩm tươi sống cho hàng xóm giữa lúc Thượng Hải áp lệnh phong tỏa.
Từ khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa theo từng giai đoạn ngày 28/3, Lu, 32 tuổi, đã chi tổng cộng 2.700 tệ (425 USD) để mua rau, thịt tươi cùng 500 quả trứng cho bản thân và hàng xóm nhờ các công cụ hỗ trợ làm việc trực tuyến.
Lu ở trong khu dân cư tại phía đông sông Hoàng Phố, nơi lệnh phong tỏa giai đoạn đầu được dỡ bỏ hôm 31/3, dù đa số cộng đồng ở khu vực này vẫn chịu các biện pháp hạn chế.
"Những người bán hàng ở Phố Đông yêu cầu đặt hàng theo số lượng lớn, nghĩa là cần phải tập hợp những người có chung nhu cầu", Lu nói.
Anh sử dụng mẫu bảng biểu đặt câu hỏi và ghi chú dữ liệu trực tuyến của Tencenty, hãng công nghệ khổng lồ có trụ sở tại Thâm Quyến, để thu thập thông tin từ 60 người hàng xóm trong nhóm WeChat và chuyển cho bên cung cấp thực phẩm.
Nhiều người trong số 26 triệu người dân Thượng Hải đã sử dụng những công cụ tương tự để tìm nguồn cung ứng cho cộng đồng, phổ cập tin tức và kết nối người cần giúp đỡ, khi thành phố đối mặt tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trong bối cảnh đợt Covid-19 tồi tệ nhất đang bùng phát.
Mã Xuân Lôi, bí thư thành ủy Thượng Hải, hôm 31/3 xin lỗi vì "không đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân tại khu vực bị phong tỏa". Hai tài liệu y tế trực tuyến trên Tencent là "Trợ giúp y tế khẩn cấp Thượng Hải" và danh sách "bệnh viện, đơn vị tư vấn trực tuyến, điền đơn thuốc và hỗ trợ tâm lý" đều do sinh viên đại học địa phương khởi xướng trong đợt bùng dịch gần đây.
"Thành phố đang đối mặt tình trạng thiếu nguồn lực y tế do đại dịch và những người cần cấp cứu không được quan tâm đầy đủ", Hua Rongqi, sinh viên Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, người đã viết tài liệu trực tuyến "trợ giúp y tế khẩn cấp" tối 30/3 sau khi đọc được thông tin người bệnh nguy kịch tìm trợ giúp trên mạng xã hội, nói.
Hua cùng với hơn 30 bạn học tự nhận là "nhóm bảo vệ" Thượng Hải. Các thành viên trong nhóm duy trì và cập nhật dữ liệu trực tuyến, cung cấp thông tin như bệnh viện nào vẫn có dịch vụ ngoại trú và đăng tin chi tiết về một số ca bệnh trên Weibo để thu hút chú ý. Tài liệu này đã được xem hơn 100.000 lần.
Trong bối cảnh khu vực Phố Đông bị phong tỏa hàng loạt, hơn 20 bệnh viện trong thành phố đã đóng cửa dịch vụ ngoại trú thông thường, gây áp lực lên nguồn lực y tế vốn quá tải và khiến những người mắc bệnh hen suyễn, suy thận, ung thư và bệnh nhân cần cấp cứu đối mặt với rủi ro cao hơn.
Sáng 1/4, hơn 500 người đã nhập thông tin vào tài liệu trực tuyến, đa số là bệnh nhân ung thư và tiểu đường cần hóa trị, lọc máu khẩn cấp hoặc cần mua thuốc. Hơn 30 bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời nhờ nhóm của Hua.
Joyce Chen, một người dân ở Phố Đông có bố mắc bệnh tiểu đường cần lọc máu định kỳ, cho biết đang gặp khó khăn để tìm cơ sở điều trị khi bệnh viện mà bố cô hay tới khám đã tạm ngừng nhận bệnh nhân ngoại trú trong thời gian phong tỏa.
"Chúng tôi đợi hai ngày và cuối cùng tìm được cách lọc máu cho bố tôi. Ông khi đó đã nổi mẩn ngứa khắp người", Chen nói. "Nhưng chúng tôi không biết khi nào và làm thế nào để vượt qua lần chạy thận tiếp theo".
Phòng y tế quận Phố Đông đã phải xin lỗi vì "xử lý không thỏa đáng" một bác sĩ cấp cứu, người từ chối cung cấp máy khử rung tim cho một người dân ở Phố Đông trong thời gian phong tỏa với lý do cần xin phép cấp trên. Bệnh nhân này lên cơn hen và đã tử vong.
Trước khi toàn thành phố phong tỏa, một nữ y tá cũng chết vì lên cơn hen sau khi bệnh viện nơi cô đang công tác ở Phố Đông từ chối nhận điều trị vì đang đóng cửa để khử trùng Covid-19.
"Chúng tôi thực sự mong muốn chính quyền có thể thành lập một đội cứu thương di động sau khi chứng kiến những ca bệnh như thế này", Hua nói.
Lu, người không thể rời khỏi khu chung cư từ 19/3 và có thể đối mặt đợt phong tỏa mới do tòa nhà lại ghi nhận ca Covid-19 mới, cho biết có thể vẫn phải dựa vào những công cụ này vài ngày nữa.
Anh đã nhìn thấy người trong khu dùng Jielong Wechat, một nhóm chat cho phép người dùng điền thông tin tóm tắt mà ai cũng xem được.
"Mọi người đều dùng WeChat nên không gặp quá nhiều trở ngại", Lu nói, cho biết một số người cao tuổi vẫn cần trợ giúp khi sử dụng công cụ này. Anh nhận định công cụ trực tuyến là cách hữu ích "để tự làm mọi thứ" thay vì chờ người khác giúp đỡ.
Thượng Hải đang ghi nhận vài nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, khiến thành phố trở thành tâm chấn đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất Trung Quốc sau đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán đầu năm 2020.
Trung Quốc ghi nhận hơn 7.300 ca nhiễm trên toàn quốc hôm 1/4. Con số này rất nhỏ so với nhiều quốc gia, nhưng lại bị coi là đáng báo động ở Trung Quốc, đất nước vẫn kiên trì theo đuổi chính sách "Không Covid".
Hồng Hạnh (Theo SCMP/AFP )