Người thuộc nhóm máu nào có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày?
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nhóm máu có mối quan hệ với nguy cơ ung thư. Vậy nhóm máu nào có nguy cơ ung thư dạ dày cao nhất?
Các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với ung thư dạ dày bao gồm nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), hút thuốc, uống rượu và ăn nhiều muối. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố nguy cơ khác gây ra ung thư dạ dày, và nhóm máu cũng đóng một vai trò đối với căn bệnh này.
Bằng chứng từ một nghiên cứu di truyền lớn được công bố trên trang web của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ Pubmed, đã kết luận người nhóm máu A có nguy cơ ung thư dạ dày cao nhất, kế đến là người thuộc nhóm máu AB.
Để có được kết luận trên, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu di truyền lớn nhằm đánh giá mối liên quan của các nhóm máu và kiểu gien với nguy cơ ung thư dạ dày. Ngoài ra, họ cũng đã phân tích một cách có hệ thống các tài liệu đã xuất bản và tiến hành phân tích tổng hợp tất cả các nghiên cứu có liên quan.
Các nhà nghiên cứu đã xác định kiểu gien của các nhóm máu trong 4.932 trường hợp ung thư dạ dày và 6.158 trường hợp đối chứng, đồng thời đánh giá mối liên quan giữa các nhóm máu và kiểu gien với nguy cơ ung thư dạ dày.
Dữ liệu được lấy từ 3 nghiên cứu lớn:
Nghiên cứu liên kết toàn bộ bộ gien Nam Kinh - Bắc Kinh (Trung Quốc)
Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI)
Nghiên cứu bệnh chứng được thực hiện ở các tỉnh Giang Tô và Ninh Hạ (Trung Quốc).
Kết quả đã phát hiện cả nhóm máu A và AB đều liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày, theo Pubmed .
Phân tích kiểu gien cũng cho thấy mối liên quan giữa nhóm máu A và AB với nguy cơ ung thư dạ dày.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích một cách có hệ thống tổng hợp 40 nghiên cứu, bao gồm tổng cộng 33.613 trường hợp ung thư dạ dày. Kết quả cũng đã phát hiện người nhóm máu A có nguy cơ ung thư dạ dày cao nhất và sau đó là nhóm máu AB - phù hợp với nghiên cứu di truyền kể trên, theo Pubmed .
Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: Các phân tích đã xác nhận người nhóm máu A có nguy cơ ung thư dạ dày cao nhất và kế đến là nhóm máu AB.
Mặc dù bạn không thay đổi được nhóm máu nhưng có thể giảm nguy cơ ung thư bằng cách thay đổi thói quen không tốt như không hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu hoặc bia. Đồng thời, không nên nấu thức ăn ở nhiệt độ cao như rang, rán, nướng, quay sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, bạn có thể tăng cường bổ sung những thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa ung thư như:
-Bông cải xanh: Bông cải xanh chứa các hợp chất isothiocyanate và indole, có tác dụng ngăn chặn các chất gây ung thư và làm chậm sự phát triển của khối u. Các loại rau họ cải khác, như bắp cải, xà lách và rau cải xanh, chứa các hợp chất tương tự.
-Cà rốt: Cà rốt cũng như cải xoăn và rau chân vịt có chứa chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư trực tràng.
-Cà chua: Cà chua, đặc biệt là cà chua được nấu chín rất tốt cho cơ thể bạn. Chúng có chứa chất carotenoid hay còn gọi là lycopene giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến.
-Bí đỏ: Bí đỏ rất giàu beta-carotene và các sắc tố carotenoid khác. Ngoài việc là một chất chống ô xy hóa, beta-carotene được chuyển hóa thành vitamin A, một chất dinh dưỡng cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư, theo Healthgrades .
-Tỏi: Tổ chức Y tế Thế giới khuyên bạn nên thêm 1 nhánh tỏi vào khẩu phần ăn hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và ung thư vú.
-Chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm một số loại ngũ cốc, các loại rau và đậu bảo vệ cơ thể chống lại ung thư ruột kết.
-Hành tây: ăn nhiều hành tây giúp giảm 88% nguy cơ ung thư họng và ung thư tuyến tiền liệt 71%.
-Khoai lang: Chứa nhiều chất chống oxy hóa beta carotene, vitamin, chất khoáng và nhiều chất xơ, có hiệu quả phòng ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.
-Sữa chua: Có hoạt tính chống virut và chống ung thư nhờ kích thích kháng thể.
-Các loại hạt: Tất cả các loại hạt chế biến thành các loại thực phẩm đóng gói như ngũ cốc, bột mì và mì ống có chứa axit folic giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Minh Hoa (t/h)