Người 'thu nhỏ' những công trình nhà cổ
Không như những đứa trẻ khác, 7 tuổi Trương Văn Bộ đã có niềm say sưa đặc biệt với xi măng, bùn đất, cát vữa… Để rồi, những thứ đó gắn bó với anh suốt 18 năm qua, giúp Bộ tạo nên những công trình tiểu cảnh độc đáo, mô phỏng mái đình, mái chùa, gian nhà thờ tổ hay những nhà cổ năm gian...
Những công trình tí hon
Trong khoảng sân nhỏ, Trương Văn Bộ đang cẩn thận lợp từng viên ngói, tỉ mỉ trét từng kẽ xi măng... để hoàn thành ngôi nhà cổ theo yêu cầu của một khách hàng ở Vĩnh Phúc. Ngôi nhà 5 gian có mái ngói mũi cổ. Đường bao, lối vào, gian bếp... đậm chất truyền thống của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Có điều, ngôi nhà này chỉ cao xấp xỉ một viên gạch, nhiều chi tiết trong nhà chỉ cao bằng chiếc bật lửa. Tất cả đều được Bộ làm với tỷ lệ 1/40 so với ngôi nhà thực tế.
Không chỉ ở sân, mà khắp khu vườn rộng hơn 100m vuông của gia đình cũng sắp đặt nhiều sản phẩm tiểu cảnh do chàng trai 9X này làm ra. Trương Văn Bộ cho biết, dù là làm mô hình mini nhưng cũng phải trải qua các công đoạn như xây nhà thật. Cũng phải làm đế, móng, sau đó dựng vách, tùy từng loại kiến trúc sẽ dựng kèo, cột, đổ tường bằng bê tông hay xây bằng từng viên gạch. Khi mô hình thô được hình thành, sẽ lợp ngói, gắn mái đao đuôi phượng, xây bậc thềm, lát gạch. Có những mô hình bé xíu, phải dùng đến nhíp để lợp từng viên ngói.
“Để mô phỏng như thật, tôi thường mài từng viên gạch để cho ra những viên mái ngói nhỏ như đầu đũa. Công trình nào cần viên ngói to bằng ngón tay thì phải đúc khuôn và nung từng viên mái ngói tí hon. Trong các công đoạn thì việc lên ý tưởng và cách thi công chia tỉ lệ công trình là khó nhất. Một công trình lớn để hoàn thiện phải trải qua khoảng 1- 2 năm là chuyện bình thường”, Bộ chia sẻ.
Đã là không gian sống thì không thể thiếu cây xanh. Tất cả cây cảnh sử dụng cho các mô hình đều được Bộ tự giâm, tự chiết cành. Điều này không hề đơn giản, bởi theo Bộ “Việc chọn cây nào phù hợp, đặt ở đâu cũng là vấn đề lớn với các mô hình nhỏ. Đó phải là những cây cảnh dễ trồng, dễ chăm, chịu được thời tiết 4 mùa. Tôi phải đọc thêm tài liệu về nghệ thuật bonsai, cây cảnh để trồng cây sao cho tổng thể mô hình hài hòa, chân thực nhất”.
Những ngôi nhà cổ mini của Bộ sống động như thực với lớp rêu phong trên bờ tường, mái ngói, khoảng sân. Ít ai biết để có được điều đó, là những buổi chiều Bộ lang thang đi khắp các bờ tường trong làng cạy rêu, về xay nhuyễn, trộn với sữa chua không đường hoặc nước vo gạo, rồi mới quét lên công trình.
Các tiểu cảnh đình làng của Bộ thường có kích thước khoảng một gang tay. Các khu nhà cổ thường khoảng hai gang tay với đầy đủ chi tiết: ao, sân, vườn, nhà cửa, cây cối, chuồng nuôi... Những công trình nhà thờ tổ thì to hơn, thường là 1m2x80cm. Khi có cơ hội, Bộ thường đến tận nơi, xem xét, chụp ảnh, nghiên cứu kỹ các công trình rồi mới làm. Nhiều cái làm xong phải đập đi làm lại nhiều lần mới ra sản phẩm ưng ý.
“Ngày trước, tôi hay ước chừng kích thước bằng mắt nên làm ra không giống thật, nhiều lúc công trình bị gãy đổ. Sau này, khi học chuyên ngành cơ khí, đã giúp tôi có khả năng kiểm soát bản vẽ, chia nhỏ tỷ lệ đúng chuẩn hơn dù là chi tiết nhỏ nhất”, chàng trai 24 tuổi thổ lộ. Ngành học cơ khí cũng giúp Bộ luyện được sự tỉ mỉ, kiên trì, không hấp tấp nóng vội.
Mong muốn bảo tồn văn hóa Việt
Về xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, hỏi nhà “Bộ tiểu cảnh”, ai cũng biết. Trong mắt những người hàng xóm vui tính, Bộ là cậu bé kỳ quặc, với sở thích không giống ai.
Từ năm học lớp 2, anh chàng đã tỏ ra khác với bạn bè đồng trang lứa. Nhiều hôm đi học về, Bộ thường đến trước những ngôi nhà đang xây dở trong làng, ngồi ở đó cả buổi, chăm chú theo dõi. Anh chàng cũng hay tha nhặt những vật dụng cũ kỹ, đồng nát về nhà. Rồi nhịn ăn sáng, lấy tiền mua xi măng, về trộn với cát, dùng dây thép và giấy vở học sinh làm khuôn, lọ mọ đắp trát những căn nhà mini. Phần mái và tường được tạo ra từ khuôn bìa carton, đan thêm các cây nhỏ để liên kết. Lúc thì xây nhà nuôi châu chấu, nuôi vịt. Lúc khác xem tivi thấy Chùa Một Cột, cũng hì hục xây. Cứ thế, từ trưa đến tối, quên cả ăn. Quần áo lúc nào cũng lấm lem xi măng, bùn đất.
Bố mẹ nghĩ Bộ lại bày trò để lười học nên quát mắng, bắt dẹp hết. Không từ bỏ, Bộ lén dậy từ lúc 4-5 giờ để làm, trời gần sáng thì lại giấu các “công trình vĩ đại tí hon” của mình vào một góc. Để bố mẹ yên lòng, Bộ cũng chăm chỉ học hành hơn, kết quả học tập luôn đạt loại tốt. Năm 12 tuổi, Bộ xây một ngôi nhà hiện đại tí hon, mô phỏng giống 60-70% ngôi nhà mình đang ở. Thấy Bộ đam mê thực sự, bố mẹ cũng xuôi, dần quay sang ủng hộ. Bố xây cho Bộ cái lán nhỏ để anh chàng thỏa thích bày vẽ. Ông nội chỉ cho anh cách xây, còn ông ngoại dạy anh cách nung gạch...
Hiện, những công trình Bộ thực hiện mô phỏng hai loại kiến trúc chủ yếu là đình chùa miếu mạo và nhà cổ mang đậm nét dân gian Việt Nam. Những tiểu cảnh đình, chùa Bộ lấy cảm hứng từ những kiến trúc đặc trưng riêng thời Lý, thời Nguyễn với những chi tiết ở phần mái, đuôi phượng độc đáo. Về nhà ở dân gian, Bộ thường mô phỏng những ngôi nhà cổ Bắc Bộ có tuổi đời cách đây 100 năm trước với nhà 5 gian và có khu bếp và chăn nuôi riêng và chiếc cổng dẫn vào nhà quen thuộc.
Trương Văn Bộ cho biết, để có thể làm nên một công trình mang đậm chất hơi hướng cổ xưa, điều đầu tiên phải hiểu rõ những chi tiết, bối cảnh, tìm tài liệu chuyên môn, tìm hiểu kỹ văn hóa, lịch sử ở thời kỳ xuất hiện công trình đó. Đây cũng chính là điểm mấu chốt tạo nên điểm khác biệt cho những công trình anh tự tay thực hiện.
Chàng trai 9X khoe tác phẩm thu nhỏ Hoàng thành Thăng Long mà mình đang làm dở. Những công trình của Hoàng thành trông y như thật, nhưng lại nằm gọn ở một... góc sân. “Nhiều công trình của Hoàng thành xưa đã nằm trong lòng đất, nên tôi chỉ làm một góc của Hoàng thành, trong đó, kết hợp những công trình nổi như Đoan Môn và một số công trình mà các nhà khoa học phục dựng bằng hình ảnh 3D. Dù kích thước nhỏ, nhưng mỗi hạng mục công trình đều sẽ được thể hiện rõ từng chi tiết nhỏ”, anh tiết lộ thêm.
Bộ cũng thích những mô hình nhà Việt cổ. “Nó đang dần bị thay thế bằng những tòa chung cư, biệt thự, nhà ống. Bằng cách nào đó tôi muốn lưu giữ lại nét đẹp truyền thống của người Việt. Thời gian tới, tôi cũng sẽ phục dựng lại một số kiến trúc cổ trong làng đang có nguy cơ bị phá bỏ”. Để nâng cao chất lượng các mô hình tiểu cảnh, Bộ cũng sẽ theo học thêm chuyên ngành về thiết kế kiến trúc, mỹ thuật.
Giới đam mê bộ môn tiểu cảnh hầu như ai cũng biết Trương Văn Bộ. Anh hiện là người sáng lập đồng thời là trưởng nhóm của fanpage Hội Tiểu cảnh và mô hình, có đến 51 nghìn hội viên. Bộ thường chia sẻ các kinh nghiệm làm một mô hình tiểu cảnh sao cho sắc nét, chân thực. Thỉnh thoảng, anh cũng tổ chức các cuộc thi nhỏ làm tiểu cảnh để khích lệ tinh thần những bạn trẻ có chung niềm đam mê, đồng thời lan tỏa tình yêu với kiến trúc cổ.
Mỗi đơn hàng là một câu chuyện
Mục đích ban đầu chỉ để làm chơi, nhưng sau khi đăng tải hình ảnh các công trình tiểu cảnh lên mạng xã hội, Bộ đã nhận được nhiều lời khen ngợi, ủng hộ từ bạn bè, người quen. Năm thứ 2 đại học, Trương Văn Bộ bắt đầu có những vị khách tìm đến tận nhà với mong muốn phục dựng lại những căn nhà cũ đơn sơ, giản dị, từng gắn với họ nhiều kỷ niệm. Từ thú chơi đam mê từ thuở nhỏ, Bộ bắt đầu kiếm được tiền. Sản phẩm đầu tiên Bộ bán giá 200 nghìn đồng, có sản phẩm lên tới 10 triệu đồng. Mọi chi phí thu được anh lại đầu tư cho đam mê phục dựng mô hình của mình.
“Mỗi một đơn hàng đều mang lại cho tôi cảm xúc đặc biệt. Có chú ở trong Thanh Hóa tìm đến nhờ tái hiện lại ngôi nhà ngày xưa mình đã sống. Tôi làm hoàn toàn dựa vào lời kể hồi tưởng của chú. Có thể với người khác, trông nó hơi lộn xộn, nhưng khi chú nhận sản phẩm, tôi thấy chú rất xúc động và tâm đắc. Hay một bác nữa ở Hải Dương, tìm đến nhờ tôi phục dựng lại nhà thờ tổ, vì khu đất ấy đang trong dự án sắp phải di dời để xây dựng chung cư. Tôi mất khá nhiều thời gian vào công trình ấy, phải sử dụng gần 3.000 viên ngói, 400 viên gạch lát sân. Lúc nhận sản phẩm, thấy bác vui, tôi cũng vui lây”, Bộ nhớ lại.