Người thả cá ngoại lai ra môi trường có thể đối mặt mức phạt rất nặng
Xoay quanh vụ việc thả cá hải tượng long ra ngoài môi trường, hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ. Tuy nhiên vì đây là cá ngoại lai nên người thả có thể bị phạt nặng.
Vừa qua, sự việc một nhóm người phóng sinh cá hải tượng long đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Nhiều người không đồng tình với hành động này vì cho rằng nó có thể gây mất cân bằng hệ sinh thái. Hơn nữa cá hải tượng long vốn là cá ngoại lai, không nằm trong danh mục sinh vật được thả ra môi trường, do đó những người thả cá có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cá hải tượng long có kích thước rất lớn. (Ảnh: cắt từ clip Infonet/NationalGeographic)
Cơ quan chức năng: Phóng sinh cá hải tượng long là hành vi phản cảm
Sau khi đoạn clip ghi lại cảnh tượng nhóm người thả cá hải tượng trở nên ồn ào, cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc. Báo Thanh Niên đưa tin, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, đây là hành động vừa phản cảm, vừa vi phạm quy định của pháp luật.
Nhóm người vận chuyển cá thả xuống sông. (Ảnh cắt từ clip Infonet)
Ông giải thích, cá hải tượng long vốn là loài giới hạn mua bán quốc tế, do đó việc giao dịch cần có giấy phép xuất khẩu do cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.
Cá hải tượng long là sinh vật ngoại lai, không được thả ra môi trường tại Việt Nam. (Ảnh: Khám Phá)
"Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên thả, phóng sinh các loài nguy cấp quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Không nên thả những loài ngoại lai, đặc biệt là những loài ngoại lai xâm hại thuộc danh mục của Bộ Tài Nguyên Môi trường đã ban hành. Nếu thả những loài có nguy cơ xâm hại là vi phạm quy định về bảo vệ môi trường", báo VOV dẫn lời ông Hùng.
Trước đó, vào chiều ngày 15/8, Tổng cục thủy sản cũng đã yêu cầu Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TP.HCM) nhanh chóng làm rõ địa điểm thả cá cũng như những người tham gia phóng sinh. Từ đó sẽ đưa ra đánh giá và có chỉ đạo xử lý phù hợp quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng đang làm rõ địa điểm và những người tham gia thả cá. (Ảnh cắt từ clip Infonet)
Mức phạt đối với hành vi thả cá ngoại lai
Báo VOV đăng tải, tại Nghị định 45/2022 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thả cá ngoại lai có thể bị phạt hành chính lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm.
Những người tham gia thả cá có thể bị phạt khá nặng (Ảnh cắt từ clip Infonet)
Cụ thể, Điều 51 Nghị định 45/2022 nêu rõ:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn không vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại.
3. Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn bị xử phạt như sau: Có thể phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 640 đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ dưới 10 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng."
Cá hải tượng long có thể đạt kích thước đến 200kg. (Ảnh: Kiến Thức)
Còn tại Điều 246 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, hành vi nhập khẩu trái phép động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại trị giá từ 250 - 500 triệu đồng; hoặc giá trị dưới 250 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên sẽ bị phạt từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ 1 - 5 năm.
Thức ăn của cá hải tượng long là các loài tôm cá. (Ảnh: Khám Phá)
Trường hợp hành vi này có tính tổ chức, tái phạm nguy hiểm, trị giá trên 500 triệu đồng thì có thể phạt từ 50 - 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; thậm chí có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.
Chỉ nên phóng sinh những loài cá không có hại với hệ sinh thái. (Ảnh: Dân Việt)
Cá hải tượng long vốn có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Con trưởng thành có thể đạt kích thước 3m, nặng 200kg. Thức ăn của chúng là những sinh vật nhỏ hơn như cá tôm, cua tép... Do đó, nếu thả cá hải tượng ra môi trường không hợp lý có thể đi ngược lại với ý nghĩa ban đầu của việc phóng sinh.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ công bố những thông tin tiếp theo liên quan đến vụ việc.
Cùng cập nhật thêm nhiều tin tức thú vị tại YAN !
Phóng sinh vốn là việc hướng con người đến những việc làm thiện lành, với ý nghĩa nhân văn rằng sinh vật nào cũng có quyền sống. Tuy nhiên không phải cứ phóng sinh những con vật có giá trị cao, kích thước lớn thì sẽ được nhiều phước đức. Đôi khi chỉ là một hành động nhỏ, gần gũi như giúp đỡ người khó khăn, ủng hộ hoàn cảnh vất vả,... nhưng cũng mang đến những giá trị vô cùng cao cả.
Nếu những việc làm này nhân rộng thì sẽ tạo nên một xã hội tuyệt vời.
Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !