Người quân tử cao thượng không khiến người khác đố kỵ
Thà làm con suối nhỏ, hội tụ dòng nước nhỏ bé; thà làm sơn cốc sâu, bao dung vạn vật thế gian. Đạo của người quân tử có lẽ cũng là như vậy.
Lão Tử cho rằng phải nhận thức được mặt cương cường của sự vật nhưng trong đối nhân xử thế lại phải kiên trì tại mặt yếu nhược của sự vật; phải hiểu biết về mặt hiển lộ, sáng tỏ của sự vật, nhưng trước sau luôn đứng ở chỗ tối, không màng vinh hiển. Đó chính là thà làm một con suối nhỏ, hội tụ dòng nước trong thiên hạ; thà làm sơn cốc sâu, bao dung vạn vật thế gian, vạn trượng hồng trần. Đạo của người quân tử có lẽ cũng là như vậy.
Quách Tử Nghi thời nhà Đường là một danh thần có nhiều công trạng. Sau khi bình định loạn An Sử , ông còn vài lần đánh bại đội quân phản loạn nơi biên cương và những tộc người khác xâm lăng. Có thể nói rằng ông là bậc lương đống của quốc gia, công trùm thiên hạ.
Nhà họ Quách cũng vô cùng phú quý hưng vượng, 7 người con trai, 8 người con rể nhà họ Quách ai nấy đều là các trọng thần trong triều. Con trai Quách Tử Nghi còn được trọng vọng gả cho ái nữ của hoàng tộc. Có thể nói vào thời đầu Trung Đường, nhà họ Quách là đại gia tộc huy hoàng đệ nhất trong thiên hạ, ngay cả hoàng đế cũng phải nể mặt vài phần.
Nhưng Quách Tử Nghi, vị trọng thần bậc nhất này lại không hề bị địa vị hiển hách, gia tộc hưng vượng mê hoặc tới mức lú lẫn. Thời thời khắc khắc ông luôn khiêm nhường, cẩn trọng, thậm chí trong đối nhân xử thế ông tự hạ thấp, tự bêu xấu bản thân.
Quách Tử Nghi từng hạ lệnh, cổng nhà họ Quách luôn rộng mở, bất kỳ ai cũng có thể tuỳ ý ra vào, thậm chí đi thẳng vào nhà trong. Có người hiếu kỳ, quả thực đã đi thẳng vào trong nhà họ Quách, thì bắt gặp Quách Tử Nghi lại bê nước rửa mặt, lấy khăn bông, phấn thơm cho thê thiếp của mình, hoàn toàn không có một chút khí khái phong độ nào của một vị tướng quyền uy.
Sau khi sự việc này truyền đi, các con trai nhà họ Quách đều cảm thấy bị sỉ nhục. Họ bèn cùng nhau đến trước mặt cha, khuyên ông sau này đừng làm những việc hèn kém, tự hạ thấp bản thân như vậy, tránh nhà họ Quách phải mất mặt.
Nhưng Quách Tử Nghi lại nói với các con rằng, ông khiêm tốn sẽ giúp nhà họ Quách trường tồn bởi dẫu rằng ông công trùm thiên hạ, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là thần tử. Nếu khoa trương thanh thế, thì khi bản thân còn sống, hoàng thượng có thể không thế này thế khác. Nhưng vạn nhất một hôm nào đó ông không còn trên đời nữa, hễ có kẻ tiểu nhân dâng lời sàm tấu, nhà họ Quách chắc chắn sẽ gặp phải tai ương, hoạ hại. Hiện giờ ông làm như vậy, người khác cho là tự rước nhục vào thân, nhưng lại có thể thể hiện ra rằng nhà họ Quách không hề uy hiếp tới hoàng thượng, tới những người khác. Do vậy sẽ không khiến người khác phải đố kỵ, cũng không khiến hoàng thượng dấy khởi nghi tâm. Những người con trai nghe xong lời này mới hiểu được nỗi khổ tâm của Quách Tử Nghi, ai nấy đều bái phục.
Trong khi người người thi nhau tiến về phía trước, bản thân lại nguyện ở lại phía sau. Trong khi ai nấy đều cầu danh, cầu lợi nhưng bản thân lại kiên định giữ mình, không cầu quá nhiều tích luỹ. Những người có thể làm được như vậy, quả thực vô cùng cao thượng.
Người quân tử có thể đứng vững giữa thế gian, ung dung mà tinh thần không phải lao tâm khổ tứ. Dẫu không làm nên công trạng gì nhưng họ lại có thể mỉm cười với những điều sáng suốt. Phúc lộc là thứ mà người người đều khao khát truy cầu, nhưng bản thân người quân tử lại cầu bảo toàn, chỉ mong tránh khỏi tai hoạ. Nếu làm được như vậy căn bản là đang ở trong đại đạo vô cùng huyền diệu. Thái độ sống lấy tiết kiệm, đơn giản làm trọng, bởi lẽ những thứ cứng cỏi sẽ bị huỷ trước tiên, những vật sắc nhọn sẽ gặp trở ngại đầu tiên. Khi đối đãi với vạn vật cần có một tấm lòng bao dung, không hà hiếp, bắt nạt người khác. Đây chính là cảnh giới tư tưởng cao nhất.
Quách Tử Nghi lập được đại công như vậy, có thể được gọi là bậc “tri hùng” , không ỷ thế ức hiếp người khác. Nhưng ông lại có thể buông bỏ thân thế, khoan dung đãi người, khiêm nhường, cẩn trọng, không hề phô trương thanh thế, đây gọi là “thủ hùng” , nắm vững hình thế.
Chỉ những người quân tử đạt tới cảnh giới cao như vậy, mới có thể biến nguy thành an giữa thời cuộc đời đầy rẫy tai ương. Đây cũng chính là tự hạ thấp bản thân, khom lưng, cúi mình, nhằm tìm được điểm cân bằng, tránh bị vấp ngã.
Có câu rằng: “Thái Sơn bất khí thổ nhưỡng, cố năng thành kỳ vĩ; Thâm hải bất trạch tế lưu, cố năng tựu kỳ đại”, ý rằng: Núi cao không chê đất thấp nên mới trở nên vĩ đại; biển rộng không chọn con nước nhỏ nên mới được bao la. Sự vĩ đại của người quân tử chính là bắt nguồn từ đây.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Mời xem video :