Người phương xa háo hức trở về

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 01:30:02

Nhiều bà con ở nước ngoài cho biết đã lên kế hoạch hoặc đã mua xong vé máy bay để hè này về Việt Nam thăm gia đình, người thân sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh hoặc vì nhiều lý do khác.

Sáng 11-4, tại sân bay Melbourne (Úc) rất đông kiều bào háo hức chuẩn bị hành lý và làm thủ tục về Việt Nam thăm người thân - Ảnh: THU LÊ

Nỗi mong ngóng được về quê sau gần 3 năm bị "cầm chân" vì dịch bệnh còn được "tiếp sức" bởi giá vé máy bay đã quay về mức trước dịch, thậm chí rẻ hơn nếu chịu khó canh "sale". Có người đã mua vé từ tháng 2 để tháng 5 về nước, có người phải lên kế hoạch công việc từ cuối năm trước để có thể về nước trong năm nay.


"Ba tôi ngóng từng ngày"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ kế hoạch về thăm ba mẹ trong tháng 5 này, chị Thanh Trà - tiến sĩ ngành lâm nghiệp đang làm việc ở Viện ĐH California tại Riverside (UCR hoặc UC Riverside) ở Nam California, Mỹ - cho biết đã bị "hụt" mua vé để về đợt tháng 4 cùng bạn chỉ vì chậm chân một chút.

Hồi tháng 2, lúc đầu tuần nghe bạn mách một đại lý bán vé máy bay về Việt Nam có giá khá mềm, chưa tới 800 USD/vé khứ hồi, chị Trà đã tính sẽ thu xếp về cùng bạn ngày 8-4. Nhưng chỉ 2 ngày sau khi bạn nói, khi liên hệ đại lý chị mới biết họ đã hết sạch vé về Việt Nam trong tháng 4 và bán sang vé của tuần đầu tháng 5. Rốt cuộc chị đặt mua vé khứ hồi ngày 7-5 với giá 760 USD và chỉ có thể về một mình vì lúc đó cả chồng và hai con đều bận việc.

"Từ lúc biết tin tôi đã mua được vé và sẽ về nhà, ngày nào ba cũng mở lịch ra ngóng", chị Trà chia sẻ. Kể từ khi qua Mỹ làm việc năm 2012 và định cư lại từ đó tới nay, bận bịu đủ mối lo toan công việc, cuộc sống, chị chưa có dịp về thăm ba mẹ. Năm nay ba đã 83 tuổi, mẹ cũng đã 75, chị không muốn chần chừ thêm nữa dù với những người làm công ăn lương ở Mỹ như chị Trà, việc thu xếp nghỉ phép luôn phải có kế hoạch từ trước rất lâu.

"Để về thăm nhà trong tháng 5, ngay từ lúc này mình đã phải hướng dẫn một chị kỹ thuật viên tại lab các khâu nuôi cấy nấm men, vi khuẩn trong phòng thí nghiệm, những việc đó phải tuân thủ giờ giấc kỹ thuật nên bây giờ cần hướng dẫn để lúc mình đi vắng chị ấy sẽ giúp được", chị Trà nói. Thậm chí chị còn phải sắp xếp, tính toán các công việc của mình sao cho trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tháng khi trở về từ Việt Nam, mọi thứ không bị gián đoạn hay xáo trộn gì.

Sau hai năm dịch COVID-19 gián đoạn đi lại, nay nhiều kiều bào ở Úc đã có thể làm thủ tục tại sân bay Melbourne (Úc) để về quê thăm người thân - Ảnh: THU LÊ


"Bạn bè nhiều người đã mua vé"


Chung tâm trạng như chị Thanh Trà, chị Quý Hà - giảng viên chuyên ngành điện ảnh tại một trường ĐH ở TP New Heaven, bang Connecticut (Mỹ) - cũng dự tính về Việt Nam thăm mẹ dịp hè này. "3 năm rồi không về được, tôi cũng muốn đưa các con về thăm bà, nhân thể làm thêm một vài công việc khác ở Việt Nam để phục vụ công việc nghiên cứu của mình", chị Hà nói.

Lần nào về Việt Nam chị Hà cũng cố hết sức để thu xếp đưa cả nhà về, lần này cũng vậy. Để đi cả nhà, mùa hè luôn là thời điểm phù hợp nhất khi hai con đều nghỉ học. Mọi năm thời gian nghỉ phép nhiều lắm cũng chỉ kéo được hai hoặc ba tuần, nhưng năm nay do dịch bệnh, một số việc có thể làm từ xa nên gia đình chị dự định sẽ ở lại khoảng một tháng hoặc hơn. "Giá vé về Việt Nam cũng đang tốt, chưa tới 1.000 USD/vé khứ hồi nên đã có 8 gia đình bạn bè tôi mua vé xong", chị Hà háo hức.

Theo chị Hà, giá vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam có mức chênh đáng kể nếu chọn chặng đi khoảng 20 giờ hoặc chặng 28-30 giờ. Nếu mức chênh không quá lớn, chị thường sẽ chấp nhận mua mắc hơn để không phải ngồi quá lâu. "Dù vậy theo tham khảo giá vé hiện nay, tôi thấy mức chênh khoảng 300 USD nên nếu đi cả nhà chắc vẫn phải chịu khó ngồi lâu một chút để tiết kiệm", chị nói.

Gia đình chị Tania Nguyen háo hức với tấm vé máy bay, hộ chiếu vắc xin chuẩn bị làm thủ tục tại sân bay Melbourne (Úc) về Tân Sơn Nhất (Việt Nam) sáng 11-4 - Ảnh: THU LÊ


Tranh thủ về để... cưới

Biết vé máy bay đang rẻ, chị Nguyễn Thị Thao (hiện sống tại thành phố Saitama, tỉnh Saitama, Nhật Bản) đã đặt vé để cả nhà về Việt Nam trong tuần đầu tháng 5. "Trước đây chỉ riêng một người vé một chiều về Việt Nam đã là 10 triệu đồng, nay thì cả nhà tôi (gồm hai vợ chồng và một con nhỏ một tuổi rưỡi - PV) mà chỉ mất 8 triệu đồng nên tôi tranh thủ đưa con về thăm ông bà do dịch bệnh mà từ hồi có cháu, ông bà cũng chưa được gặp", chị chia sẻ và cho biết thêm đây là lần đầu tiên chị mua vé máy bay của Vietjet.

Nhiều bạn bè của chị Thao cũng đã về hoặc đặt vé về dịp này. Chị cho biết trong các group cộng đồng người Việt tại Nhật, nhiều người còn tranh thủ dịp này về Việt Nam làm đám cưới.

"Họ yêu nhau mấy năm rồi, rất muốn về Việt Nam tổ chức đám cưới bên người thân và gia đình nhưng vì dịch bệnh phải hoãn lại, giờ là lúc thuận lợi cho việc đó. Tôi biết một đôi vừa về cưới và đã qua lại Nhật, còn một đôi nữa cuối năm nay sẽ về", chị nói.

Do chị Thao đang trong thời gian nghỉ thai sản, dịch vụ vận chuyển hàng quốc tế chiều Nhật - Việt của chị có thể phối hợp làm việc online nên cả nhà dự kiến ở lại Việt Nam hơn một tháng rồi mới quay lại Nhật.

Cũng từ Nhật, chị Thùy Linh - người đại diện cho Công ty Mitsui Suisan Japan ở khu vực phía bắc vùng thủ đô Tokyo - vừa về Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu các sản phẩm chế biến từ cá nóc hôm 1-4 tại TP.HCM và gặp gỡ các đối tác ở Việt Nam. Lần này chị đã có được những thành công ngoài mong đợi và dự kiến trở lại trong mùa hè năm nay cho các phần việc tiếp theo.

"Giá vé máy bay từ Nhật về Việt Nam giờ đã rẻ hơn nhiều nếu đi các chuyến bay của Việt Nam khai thác. Do lần đầu trở lại sau dịch, tôi chọn đi hãng bay của Nhật với nhiều dịch vụ trọn gói cho yên tâm nên giá vé còn hơi đắt, khoảng 18 triệu đồng (trước đây chỉ khoảng 10 triệu đồng). Nhưng bạn tôi mua vé sau tôi, cũng về nước đợt này của Hãng Vietjet, vé cho 3 người mà chỉ mất 20 triệu", chị Linh nói.

Theo chị Linh, sau dịch bệnh, nhiều công việc được linh hoạt làm từ xa nên một số bạn chị đã về Việt Nam thăm nhà tính ở lại lâu hơn. Một người bạn của chị làm ở mảng công nghệ thông tin đợt này cũng sẽ ở lại 3 tháng.


Người Nhật tìm cơ hội kinh doanh

Trong khi đó, anh Phi Thoàn, CEO một công ty xúc tiến du lịch - thương mại Nhật - Việt tại tỉnh Kanagawa, cho biết ở giai đoạn này công ty anh chủ yếu giới thiệu khách lẻ từ Nhật tới Việt Nam. Số khách này hiện vẫn chưa nhiều và chủ yếu họ đi tìm cơ hội kinh doanh chứ không phải du lịch. Dù giá vé một chiều tới Việt Nam từ Nhật hiện khá tốt, chỉ tầm từ 8 - 10 triệu đồng song mức phí bảo hiểm y tế ở Nhật rất đắt, khoảng 12 triệu đồng nên khi vẫn còn những e ngại dịch bệnh, nhiều người sẽ chọn tạm thời chưa đi đâu lúc này nếu không thật cần thiết.


Hứa hẹn một mùa hè sôi động

Trong tháng 3-2022, Việt Nam đã đón được 15.000 lượt khách quốc tế, tăng gấp 10 lần so với tháng trước. Theo các doanh nghiệp, con số này còn tiếp tục tăng mạnh trong mùa hè năm nay khi đường về nhà của kiều bào xa quê, du học sinh... đang mở cửa rộng rãi hơn sau hai năm bị gián đoạn.


N.BÌNH


Du lịch thêm "xôm tụ" khi có khách kiều bào

Hành khách từ Nhật Bản về được người thân đón tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiều 11-4 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist, chia sẻ hiện đã bắt đầu ghi nhận lượng kiều bào về Việt Nam đông dần lên, và dự kiến sau lễ 30-4, con số này sẽ tăng mạnh khi đây là thời điểm du lịch trong nước rất sôi động, các chính sách mở cửa du lịch quốc tế bắt đầu "độ ngấm" sau hơn một tháng thực thi.


Trải nghiệm dài ngày, đa dạng nhu cầu

Ông Nguyễn Minh Mẫn, trưởng phòng truyền thông và marketing của TST tourist, cho biết thông thường khi về Việt Nam, bà con sẽ tổ chức các đoàn du lịch gia đình, thuê xe thăm người thân kết hợp tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng. "Ngoài cơ hội đón được hàng ngàn khách Việt kiều, công ty du lịch còn "hưởng thêm" số người thân tại Việt Nam cùng đi tour với Việt kiều và rõ ràng ngành du lịch cần có sự chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ngay từ bây giờ", ông Mẫn nói.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà chia sẻ thêm hồi trước dịch, thời điểm bà con về nước nhiều nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhưng sau 2 năm bị gián đoạn, chỉ cần mở cửa là họ sẵn sàng về chứ không còn đợi đến Tết. Bà con thường đặt tour rất sớm, nhiều người khi còn ở nước ngoài đã đặt tour, lên kế hoạch di chuyển, đi chơi rất chu đáo. "Với nhóm khách đặc thù này, chúng tôi luôn có sản phẩm để đáp ứng và dự đoán mùa hè này, nhóm khách là bà con về thăm quê hương sẽ là nhóm khách chủ lực", bà Trà dự đoán.

Theo các chuyên gia ngành du lịch, khi bà con trở về thường lưu trú dài ngày (1 đến 3 tháng) nên không chỉ đi một tour mà sẽ có những tour xuyên Việt khác, sử dụng rất nhiều dịch vụ, chi tiêu cao. Nhóm khách này thường thích ngắm cảnh đẹp Việt Nam, khám phá lại các hoạt động quen thuộc ngày xưa như chèo thuyền, vào vườn cây trái. Một số thích nghỉ dưỡng trong các khu resort đẹp, hiện đại gắn với biển.


Đẩy nhanh quá trình hồi phục du lịch trong nước

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel Holdings, ngay từ đầu năm 2022 Hãng Vietravel đã mở cửa trở lại các văn phòng ở Mỹ, Pháp, Úc, Thái Lan, Singapore để kiều bào đến đăng ký sử dụng các dịch vụ của hãng. Và thực tế đến nay trên các chuyến bay về Việt Nam, hành khách là người Việt, du học sinh, người Việt xa quê... vẫn chiếm đa số.

Ông Bùi Thế Duy, tổng giám đốc Lửa Việt tours, đặt kỳ vọng thị trường có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục từ phân khúc khách này. "Tiêu dùng nội địa đang cải thiện rất tốt nhưng tốc độ bán vẫn chậm, vì vậy nếu đón được luồng khách Việt kiều, khách quốc tế sắp tới thì sự hồi phục mới thực sự mạnh mẽ", ông Duy nói.

Trong khi đó, với kinh nghiệm dẫn khách Việt kiều nhiều năm, anh Hoàng Anh Tuấn - hướng dẫn viên tự do - cho biết với nhóm khách Việt kiều họ rất thích mua sắm đặc sản, thời trang ở Việt Nam nên hệ thống cửa hàng, trung tâm mua sắm cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Trước việc nhiều bà con đang mong muốn về thăm quê hương, giới kinh doanh cũng kỳ vọng đây là nguồn khách hỗ trợ mảng du lịch nội địa hồi phục nhanh hơn.


N.BÌNH


Giá tốt - chất lượng cao

Tuy nhiên, dù nhận định đây là nhóm khách chịu di chuyển và chi tiêu nhiều nhưng sau hai năm chịu nhiều khó khăn chung của thế giới, có thể cũng có việc tính toán hơn, cân nhắc tour có giá tốt, chất lượng dịch vụ tương xứng. Vì vậy, các chương trình khuyến mãi, giảm giá vẫn rất được quan tâm.

Ngoài ra, về sản phẩm, các tour bán dạng trọn gói, kèm dịch vụ xe vận chuyển, linh hoạt trong hành trình sẽ được ưu tiên lựa chọn. Theo ông Nguyễn Đông Hòa - phó tổng giám đốc Saigontourist Group, trong nỗ lực đón khách quốc tế trở lại, trong đó có khách là kiều bào, Saigontourist định kỳ hằng quý doanh nghiệp cũng tung ra các gói khuyến mãi chung của các đơn vị, bên cạnh các chương trình khuyến mãi riêng tại từng đơn vị. Do đó, những người đi du lịch ở Việt Nam sẽ có cơ hội du lịch với giá tốt, chất lượng cao.

Nhiều kiều bào đã bắt đầu lên mạng đặt vé về Việt Nam thăm người thân sau hơn hai năm bị chia cắt bởi dịch COVID-19. Thời gian qua, một số đường bay được mở lại nhưng tần suất còn hạn chế, thủ tục nhập cảnh còn chưa rõ ràng, giá vé quá cao.

Chia sẻ Facebook