Người phụ nữ U70 một mình nuôi 4 miệng ăn trong căn nhà 6m2 ở Hà Nội
Dù đã ở độ tuổi U70 nhưng bà Phạm Thị Tuyết ở Đê La Thành, Hà Nội vẫn phải ngày ngày gồng gánh nuôi người con trai bị mất khả năng lao động cùng 2 đứa cháu nội đang tuổi đến trường.
Câu chuyện về những căn nhà chỉ vỏn vẹn vài m2 giữa lòng Thủ đô xưa nay không phải hiếm. Tuy nhiên, câu chuyện của gia đình bà giáo già đã về hưu ở Đê La Thành lại khiến nhiều người xót xa bởi cuộc đời truân chuyên của bà. Ở tuổi U70, lẽ ra bà phải được hưởng cuộc sống an nhàn, thảnh thơi thì ngày ngày vẫn phải chắt chiu lo cơm áo gạo tiền vì trong căn nhà vỏn vẹn 6m2 ấy bà vẫn là trụ cột kinh tế.
Từ căn nhà 70m2 bỗng chốc biến thành căn nhà 6m2
Dân Trí chia sẻ, bà Phạm Thị Tuyết (69 tuổi) từng là giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuộc sống của gia đình bà vốn rất khấm khá, chồng bà là bộ đội, sau khi phục viên thì làm lái xe. Hai ông bà sinh được 2 người con: 1 trai, 1 gái. Trước đây cả gia đình sống trong căn nhà khang trang 70m2. Nhưng biến cố bắt đầu ập đến khi chồng bà Tuyết gặp sự cố trong một lần lái xe khiến 6 công nhân bị thương.
Để khắc phục hậu quả của sự cố này, gia đình đã phải bán đi căn nhà 70m2. Sau khi đền bù xong, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ. Sau đó, cả nhà phải chuyển đến khu bếp hai tầng 6m2 của bố mẹ để sinh sống. "Chúng tôi cải tạo, chắp vá thành "túp lều" 5 tầng, sinh sống từ năm 1999 đến nay", bà Tuyết chia sẻ với Dân trí.
Những người hàng xóm thường nói đùa rằng "nhà bà Tuyết 5 tầng, cao nhất xóm". Tuy nhiên, căn nhà chỉ có diện tích vỏn vẹn 6m2 khiến mọi sinh hoạt trong gia đình đều rất khó khăn.
Tầng một gồm khu bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh và quầy tạp hóa nhỏ được bà Tuyết mở từ khi về hưu để có thêm thu nhập. Từ tầng 2 trở lên lần lượt là các phòng ngủ và nhà kho. Vì không gian chật chội nên hầu như ngày nào các thành viên cũng phải xếp hàng chờ đến lượt đi vệ sinh. Có khi họ phải dùng đến nhà vệ sinh công cộng gần nhà.
Giữa các tầng được ngăn bằng chiếc cầu thang gỗ hẹp và dựng thẳng đứng. Bà Tuyết không thể nhớ nổi mình đã vấp ngã bao nhiêu lần ở chiếc cầu thang này suốt 20 năm qua. Mỗi lần di chuyển bà và các thành viên trong gia đình đều phải cúi khom người để tránh bị va đập. Không gian ngủ cũng chật chội không kém khiến các thành viên không thể duỗi thẳng chân, nhất là cậu cháu trai cao 1m78 của bà.
Vì không gian chật hẹp nên mỗi mùa hè cả gia đình đều cảm thấy nóng bức và ngột ngạt, khó thở. Còn mùa đông thì lại lạnh thấu xương, mưa tạt khắp căn nhà. Vậy nhưng, nơi đây hiện tại chính là chỗ ở của gia đình 4 thành viên gồm 3 thế hệ khác nhau.
Vừa là bà, vừa là bố mẹ của hai đứa cháu
Tưởng chừng như việc phải chuyển từ căn nhà 70m2 sang sống ở căn nhà chỉ có vỏn vẹn 6m2 đã là biến cố lớn nhất của gia đình bà Tuyết nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Năm 2011, con dâu bà Tuyết mang theo hai đứa con chỉ mới 4 và 6 tuổi bỏ đi biệt tích. Cả gia đình đã mất rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm nhưng không có kết quả. Cuối cùng bà Tuyết nhận được điện thoại báo 2 cháu đang ở Trà Vinh liền một mình lặn lội vào đón.
Hai năm sau, con dâu muốn đón con gái về sống chung. Bà Tuyết vì thương cháu thiếu thốn tình cảm của mẹ nên đồng ý. Tuy nhiên chỉ được một năm người phụ nữ ấy lại tiếp tục bỏ đi. "Từ đó đến bây giờ, mẹ chúng vẫn bặt vô âm tín, thỉnh thoảng gọi điện, nhưng chưa một lần về thăm con" , bà Tuyết chia sẻ với Dân Trí.
Tuy nhiên, biến cố lớn hơn xảy ra khi anh Nam (con trai bà Tuyết cũng là bố của hai đứa trẻ) bị bệnh, mất khả năng lao động. Từ đó, vợ chồng bà Tuyết phải thay nhau làm việc để có tiền chạy chữa cho con trai và nuôi hai đứa cháu. Nhưng bất hạnh vẫn cứ bủa vây gia đình bà. Đến năm 2009, chồng bà Tuyết phát hiện bị bệnh K phổi, chỉ sau 1 năm ông ra đi để lại gánh nặng kinh tế lên đôi vai của người vợ. Vậy là từ đó đến nay bà Tuyết vừa là ông, vừa là bà đồng thời gánh luôn trọng trách làm bố mẹ của hai đứa trẻ.
"Cuộc đời tôi như cuốn tiểu thuyết, bấp bênh và gian truân. Ngày chồng mất, tôi vừa là ông, là bà, vừa là bố, là mẹ của hai đứa trẻ", người phụ nữ 70 tuổi bật khóc nói với Dân trí.
Người phụ nữ U70 là trụ cột gia đình, chỉ ước mơ các cháu được thành tài
Đều đặn mỗi ngày người phụ nữ U70 đều dậy từ sáng tinh mơ để dọn hàng tạp hóa. Đồng lương giáo viên về hưu ít ỏi của bà không đủ để lo cho 4 miệng ăn cũng như cho hai cháu đến trường. Chính vì thế, ngày ngày bà vẫn phải miệt mài chắt bóp từng chút một. Bên cạnh đó, bà cũng quán xuyến tất cả mọi công việc trong gia đình từ nấu cơm đến giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Bà luôn động viên và dành thời gian để hai cháu chuyên tâm học hành.
"Mọi người cứ bảo tôi chiều các cháu, nhưng tôi muốn bù đắp cho hai đứa, khuyến khích chúng dành toàn thời gian học tập. Lắm lúc tôi nghĩ, nếu mình không còn nữa, ba bố con nó biết sống thế nào", bà Tuyết lo lắng chia sẻ với Dân trí.
Trước đây, câu chuyện của gia đình đã từng được lên một chương trình truyền hình khiến nhiều người xúc động. Lúc đó bà Tuyết chỉ có một ước mơ là được tổ chức sinh nhật cho hai cháu, điều mà đứa trẻ nào cũng háo hức mong chờ. Tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, căn nhà chật chội mà hai cháu cũng chưa từng dám dẫn bạn về nhà chơi.
Có mặt trong buổi tiệc sinh nhật mà chương trình giúp người bà thực hiện điều ước, cả 3 bà cháu đều xúc động bật khóc. Người phụ nữ U70 chỉ mong mỏi các cháu có thể học hành đến nơi đến chốn, sau này có một công việc ổn định.
“Vài năm nữa, khi hai đứa trẻ lớn lên tự lo được cuộc sống riêng, nếu phải ra đi, tôi cũng không còn điều gì ân hận", bà Tuyết nghẹn lời nói về mong ước của mình với Dân trí.
Bà nội nuôi cháu trai ăn học ở TP.HCM
Trước đó, mạng xã hội cũng từng xúc động chia sẻ câu chuyện người bà U70 thức đêm làm hàng, 2 ngày được 50.000 đồng nuôi cháu trai ăn học. Báo Thanh niên đăng tải, đó là câu chuyện của nam sinh Bùi Nhất Long, 18 tuổi, hiện đang sống TP.HCM. Bố bỏ đi, mẹ cũng lập gia đình mới, Nhất cùng em trai sống cùng ông bà ngoại. Sau đó một thời gian, ông ngoại cũng bị bệnh mà ra đi, mọi gánh nặng dồn lên vai của người bà.
Để có tiền lo cho hai cháu ăn học, bà ngoại đã phải làm đủ nghề từ công nhân, đi phụ hồ, nhận làm đồ gia công. Thậm chí có những ngày bà phải cặm cụi làm từ sáng đến tối suốt 2 ngày mới được 50.000 đồng khiến nhiều người xót xa. Nhưng chỉ cần nghĩ đến các cháu của mình người bà lại có động lực để tiếp tục làm việc.
Vậy mới thấy cả cuộc đời vất vả nhưng ông bà luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa cháu của mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng họ vẫn còn rất nhiều nỗi lo, đặc biệt là tương lai của các cháu. Hy vọng rằng các bạn có thể phấn đấu vươn lên để không phụ sự kỳ vọng của người bà tảo tần. Bạn nghĩ sao về tình cảm của người bà dành cho những đứa cháu của mình? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé!
Đối với bà Phạm Thị Tuyết hai cháu chính là hy vọng, là tương lai và động lực sống của bà. Dù có khó khăn hơn, vất vả hơn bà vẫn luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho các cháu. Điều này khiến chúng ta bất giác nhớ tới ông bà của mình. Có lẽ người bà nào cũng đều như vậy, luôn mong cho cháu được học hành thành tài. Chính vì thế, chúng ta càng phải trân trọng và biết ơn ông bà nhiều hơn. Đừng quên quan tâm chăm sóc và dành nhiều thời gian ở bên ông bà khi còn có thể bạn nhé!
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !