Người phụ nữ phải cắt nửa thận sau khi đi massage thư giãn

Chia sẻ Facebook
27/12/2022 07:41:51

Người phụ nữ 41 tuổi sau khi đi massage đã phải vào viện cắt bỏ một nửa thận vì sai lầm nguy hiểm.


Theo báo cáo của "White Deer Video", một phụ nữ 41 tuổi giấu tên ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc gần đây đã đến một tiệm massage để thư giãn. Trong quá trình nhân viên thực hiện, chị cảm thấy dường như lực xoa bóp của nhân viên hơi mạnh nên khiến phần bụng khó chịu. Đáp lại phàn nàn của chị, nhân viên massage lại giải thích rằng đó là do chất thải đang được tống ra và các tế bào mỡ bị đốt cháy.


Sau khi về nhà, chị cảm thấy bụng phình to, đau dữ dội, đồng thời xuất hiện các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Cuối cùng chị rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê nên được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Kết quả chụp CT scan toàn bộ ổ bụng cho thấy thận trái của nữ bệnh nhân có tổn thương và khối u mạch cơ mỡ (angiomyolipoma) bị vỡ dẫn đến xuất huyết. Báo cáo cho biết chị có một khối u thừa ở thận trái, nhưng nó rất nhỏ và không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên sau lần đi massage, khối u đã bị vỡ và gây chảy máu ồ ạt.

Sau khi máu ngừng chảy, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u bị vỡ và cắt bỏ một nửa quả thận trái đã ngưng hoạt động.


Từ trường hợp trên có thể thấy tuy massage là giải pháp trị liệu vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó thích hợp với tất cả mọi người. Những nhóm người không nên thực hiện massage là:

- Một số người có vết thương trên cơ thể hay nhiễm trùng mưng mủ, có bệnh về máu hay có nguy cơ bị xuất huyết, bệnh nhân khoa xương như: gãy xương, sai khớp, kết hạch ở xương khớp, u xương, viêm tủy xương không được xoa bóp.

- Những người mắc bệnh tim nặng, bệnh thần kinh, cao huyết áp, não, phổi, gan, thận, đều không nên massage.

- Người bị huyết khối không nên xoa bóp, nếu không sẽ khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt đối với những bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch, việc xoa bóp có thể khiến huyết khối rơi ra và đi vào não và phổi cùng với tuần hoàn máu, dẫn đến tắc mạch phổi, nhồi máu não.

- Những người vừa trải qua phẫu thuật không thích hợp với phương pháp trị liệu massage vì lúc này cơ thể tương đối yếu, vết thương còn chưa lành hẳn, xoa bóp không thể huy động khí huyết toàn thân mà càng làm trầm trọng thêm sự suy nhược.

- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt không nên xoa bóp đặc biệt vùng thắt lưng và vùng chậu, nếu không sẽ kích thích tử cung, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

- Người bệnh lâu ngày thể trạng kém hay những người suy nhược, gầy yếu có thể sẽ không chịu được sự đau buốt khi massage, tốt nhất là không nên xoa bóp.

- Những người có tiền sử bệnh tiểu đường càng lâu càng dễ mắc các bệnh về mạch máu và thần kinh, chỉ cần da bị tổn thương sẽ kéo dài thời gian lành vết thương, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi mạch máu dễ vỡ không nên tùy tiện xoa bóp. Nếu cần xoa bóp thì phải do bác sĩ có chuyên môn thực hiện, chú ý động tác nhẹ nhàng, chậm rãi, đồng thời rút ngắn thời gian xoa bóp.

-Ngoài ra, sau khi tắm gội, vận động mạnh, uống rượu, khi bị sốt cao cũng đều không nên xoa bóp.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook