Người phụ nữ một mình nuôi con khiếm khuyết nơi nghĩa trang

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 00:27:08

Sống giữa những ngôi mộ nhưng mẹ con bà Nga lại chẳng bận tâm. Mỗi ngày, bà chỉ cố gắng đi làm để kiếm tiền nuôi cậu con trai khiếm khuyết, không thể làm chủ bản thân.

Ở một góc nghĩa trang lạnh lẽo tại quận Gò Vấp, TP.HCM, có hai mẹ con bà Vũ Thị Thanh Nga (52 tuổi) ngày ngày sống ở đây, trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp và ẩm thấp. Cứ mỗi buổi chiều, người mẹ lại lặng lẽ bế con lên chiếc xe lăn, đẩy đi hóng mát.

Cậu con trai 12 tuổi được mẹ cho ra ngoài liền tỏ vẻ thích thú, xoay tới xoay lui ú ớ như cố gắng nói điều gì đó. Hình ảnh đó tuy bình dị nhưng lại chất chứa biết bao nỗi buồn.

Cuộc sống của mẹ con bà Nga khiến nhiều người xót xa. (Ảnh: Tuổi Trẻ)


Cuộc sống bên bạt ngàn ngôi mộ của mẹ con bà Nga

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, bà Nga cho biết, 8 năm trước, do hoàn cảnh khó khăn nên bà đã ôm con trai đến nghĩa trang Bắc Hợp xin được nương náu nhờ. Con bà tên là Nguyễn Hoàng Gia Anh, từ khi lọt lòng mẹ đã sống trong cơ thể khiếm khuyết, không thể tự làm chủ bản thân, kể cả những việc cơ bản nhất như ăn uống, vệ sinh cá nhân hay giao tiếp.


Chẳng oán trách số phận, lúc nào bà Nga cũng dành trọn vẹn tình yêu thương cho Gia Anh. Bà nghĩ: " Ông trời cho trái nào chịu trái đấy. Con mình sinh ra là máu mủ của mình, nên dù con có thế nào tôi cũng thương, cố gắng nuôi chứ bỏ sao đành ".

Thời gian mới sinh xong, bà phải ra ngoài thuê trọ, đi làm hồ để kiếm tiền sống qua ngày, còn chồng vào Bình Thuận làm ăn xa. Căn trọ chật hẹp, nóng bức và ẩm thấp đã khiến Gia Anh liên tục ốm nặng. Không còn cách nào khác, bà Nga chỉ đành đến nghĩa trang Bắc Hợp xin ở nhờ trong căn phòng trọ 10m2. Tuy nhỏ nhưng nơi đây khá sạch sẽ, mẹ con bà cũng chỉ tốn tiền điện nước hàng tháng.

Mỗi ngày, bà Nga lại nhận chở thuê nước đá, nước ngọt cho các đại lý. 4 giờ sáng, bà đã phải lên đường đi làm, nhờ người quét dọn nghĩa trang trông con giúp. Khi nào cậu bé ăn sáng hoặc đi vệ sinh ra nhà, bà lại tất tả chạy về lo cho con rồi mới an tâm đi tiếp.

Chẳng ai có thể ngờ có những mảnh đời phải sống nhờ nơi nghĩa trang lạnh lẽo. (Ảnh minh hoạ: Sài Gòn Giải Phóng)


Hiểu hoàn cảnh của hai mẹ con nên những người sống xung quanh luôn cố gắng giúp đỡ. Ông Đức - người quét nghĩa trang nói với báo Tuổi Trẻ: " Cứ 15 - 20 phút tôi ngó vào nhà một lần, xem cháu thức chưa hay có đi vệ sinh ra nhà không, vì hoàn cảnh nên cô Nga phải để cháu một mình để đi làm. Tôi thương Gia Anh như cháu nội mình".


Dù có người trông hộ nhưng bà Nga vẫn không đành lòng để con ở nhà một mình nửa ngày trời. Bà nói: "Cháu không khóc la đòi mẹ, ở nhà tự chơi nhưng mình cũng sốt ruột, nhớ con lắm." Bà cũng từng nghĩ sẽ cho con đến trường dạy trẻ khiếm khuyết học, thế nhưng chẳng ai chịu nhận Gia Anh khi biết bé không thể tự làm chủ cơ thể. Mỗi lúc như vậy, bà lại bật khóc vì thương con. Cứ thế nhiều đêm bà không ngủ. Lúc nào cũng chỉ mong con có thể chạy nhảy, nói cười như những cậu bé bình thường khác.


Mỗi tháng, ngoài tiền lương, hai mẹ con bà Nga còn được nghĩa trang và địa phương hỗ trợ. Ông Nguyễn Đức Long, quản trang tại nghĩa trang Bắc Hợp, cho biết: " Hằng tháng chúng tôi hỗ trợ 10kg gạo, một chai nước mắm và 200 nghìn đồng. Mới đây cũng xây toilet bên ngoài cho rộng rãi, làm lại mái che dài ra để mưa gió không tạt vào. Ngoài ra, Gia Anh còn nhận được 960 nghìn đồng/tháng tiền hỗ trợ trẻ khiếm khuyết của địa phương."

Những người làm việc tại nghĩa trang cũng thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại đây. (Ảnh minh hoạ: Gia Đình)


Sống qua ngày nhờ chăm sóc "nhà" của người đã khuất

Không chỉ hai mẹ con bà Nga, ở TP.HCM còn có rất nhiều mảnh đời khác đang phải sống bên trong những nghĩa trang lạnh lẽo. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Hẹn (hơn 60 tuổi), sống ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (nằm đoạn giao giữa đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Bình Long, thuộc quận Bình Tân).


Chia sẻ với Tuổi Trẻ Thủ Đô, ông cho biết bản thân đã ăn Tết bên "những người đã khuất" này hàng chục năm trời. Ông kể: " Tôi ở đây đã 29 năm, ngày xưa trống trơn, tối thui, chẳng có ai quản lý gì cả."

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là một trong những nghĩa trang lớn của TP.HCM. (Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Cả gia đình ông Hẹn đều sống ở nơi đây. (Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Trước đây, ông làm việc tại một công ty điện phía Nam, nhưng do dòng đời xô đẩy, ông mất tất cả mọi thứ. Cha xứ thương tình đưa ông vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa, khu vực Thanh Minh Tương Tế để sống, tiện giao nhiệm vụ trông coi các phần mộ.


Gia đình ông Hẹn sống trong một ngôi nhà tạm bợ nằm sâu trong nghĩa trang, giữa hàng ngàn bia mộ. Ngoài kiếm tiền từ việc dọn dẹp nghĩa trang, ông còn buôn bán đèn cầy, hương hoa... Vì vậy, khi được hỏi làm nghề gì, ông lại tươi cười nói đùa: " Tôi sống dựa vào người âm nên họ là bạn với tôi".

Ông Hẹn cho biết bản thân đã quen với cuộc sống nơi nghĩa trang. (Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Gia đình ông Hẹn kiếm sống bằng nghề chăm sóc mộ. (Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Ngoài gia đình ông Hẹn còn có nhiều hộ dân khác sống trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa. (Ảnh: Người Lao Động)

Chắc hẳn cả mẹ con bà Nga và gia đình ông Hẹn đều không muốn sống tại nghĩa trang. Thế nhưng vì dòng đời xô đẩy, không còn cách nào khác, họ mới đành chấp nhận số phận như vậy. Mong rằng trong tương lai, cuộc sống của họ sẽ vơi bớt khó khăn hơn trước.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Trong xã hội còn có rất nhiều mảnh đời kém may mắn, đang phải chật vật sống qua ngày. Đối với họ, ngay cả chuyện cơm ăn, áo mặc mỗi ngày cũng là một vấn đề khó khăn.

So với người bình thường, cuộc sống của họ phải đối mặt với nhiều nỗi vất vả, lo toan hơn. Họ cũng chỉ mong có được một bữa cơm no, những ngày tháng ấm êm, ổn định. Mong rằng các nhà hảo tâm khi biết đến câu chuyện của họ sẽ tích cực giúp đỡ.


Cùng đọc thêm những tin tức tương tự TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook