Người phụ nữ mắc ung thư tưởng không qua khỏi: Phép màu xảy ra, tôi được 'dậy thì' lần hai
Mắc ung thư tuyến giáp di căn ở tuổi 29, đến năm 35 tuổi, người phụ nữ tưởng chừng mất đi kinh nguyệt vĩnh viễn. Nhưng đến năm 43 tuổi, cô bất ngờ nhận nhiều tin vui.
Chị Tạ Nhật Phượng (43 tuổi, cô giáo dạy môn Ngữ Văn cấp 2 tại Đà Nẵng) có 15 năm sống chung với ung thư tuyến giáp, kéo theo đó là việc mất đi kinh nguyệt ở tuổi 35, độ tuổi đẹp nhất của đời người…
"Tôi của hiện tại, sinh nhật tuổi 43, mắc ung thư đã được 15 tuổi, sinh lý tuổi 35 và được "dậy thì" lần thứ hai trong đời. Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ thú vị vậy đó. Hãy cứ yêu đời mà sống", chị Phượng chia sẻ.
Dưới đây là những chia sẻ của chị Phượng về quá trình điều trị ung thư của mình.
Sự sống diệu kỳ!
Năm 1999, khi đang là sinh viên năm cuối, tôi từng mổ bướu giáp nhân nhưng là bướu lành. Sau đó, tôi không quay lại bệnh viện kiểm tra sức khỏe hay dùng thuốc thêm nữa.
Năm 2005, tôi lấy chồng và sinh con. Đi khám tôi được bác sĩ chẩn đoán có nhiều hạch nổi lên ở cổ, do bướu cổ lúc trước cắt nhưng vẫn còn chân. Do bướu lành tính nên tôi chủ quan vẫn để như vậy. Sau đó một thời gian, trong cổ xuất hiện nhiều cục hạch hơn. Tôi đã đi khám nhưng cũng chưa có kết luận bệnh.
Tháng 3, năm 2008, tôi được bóc hạch và sinh thiết, bác sĩ kết luận tôi bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 4, di căn hạch cổ và hai phổi.
Tôi nhập viện tại bệnh viện Chợ Rẫy và được chỉ định mổ bỏ hoàn toàn tuyến giáp, nạo hạch xung quanh cổ và điều trị bằng phóng xạ Iốt 131 liều cao. Mỗi đợt điều trị cách nhau 3 tháng, 6 tháng khiến tôi mệt mỏi, sút cân, giảm tiểu cầu, hạ canxi máu, tay chân co quắp và teo buồng trứng. Tôi bị mất giọng sau phẫu thuật, cổ xơ sẹo và tuyến nước bọt bị khô nên ăn uống khó khăn, nuốt hay nghẹn và sặc.
Ngày ấy, khi nhắc đến ung thư, người ta chỉ nghĩ đến cái chết tức thì, mà tôi lại ở giai đoạn nặng. Chẳng biết nên khóc hay cười, tôi cứ ở trong trạng thái hoang mang, lo lắng, liệu thời gian sống có thể kéo dài được bao lâu... Con còn nhỏ, vẫn chưa dứt sữa mẹ, công việc thì cũng chỉ mới bắt đầu chưa lâu. Cuộc sống hôn nhân cũng vừa vào giai đoạn hạnh phúc. Mọi thứ cứ như vậy sắp sụp đổ trước mắt tôi.
Ngày ấy, công nghệ thông tin cũng chưa phát triển như bây giờ, muốn tìm hiểu về bệnh chỉ có thể thông qua bác sĩ hoặc tìm đọc sách nhưng cũng vô cùng vất vả.
Liên tục suốt 7 năm ròng rã tàu xe đi Sài Gòn điều trị, chồng tôi vừa lo chi phí điều trị cho tôi, vừa chăm lo cho gia đình và con nhỏ để tôi yên tâm chiến đấu với bệnh tật. Có giai đoạn cũng thật sự khó khăn cả về tài chính lẫn tinh thần, nhưng rồi vợ chồng cùng nắm tay nhau và may mắn mọi việc cũng qua.
Đến năm 2015, tôi chuyển về bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Tại đây, tôi được phẫu thuật thêm hai lần nữa và tiếp tục điều trị bằng phóng xạ Iốt 131. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ thể tôi không thể hấp thụ được nữa và tôi phải ngưng điều trị. Lượng phóng xạ trong cơ thể cũng đã quá mức.
Bác sĩ cho tôi 2 lựa chọn giữa việc điều trị phóng xạ hoặc sống chung với bệnh. Nếu điều trị phóng xạ tôi có thể ngã gục bất cứ lúc nào. Tôi quyết định ngưng điều trị theo lời bác sĩ. Sau đó, tôi phát hiện do ảnh hưởng của chất phóng xạ trong điều trị nên buồng trứng của tôi đã bị teo, nội tiết tố giảm và tôi đã hoàn toàn mất kinh nguyệt ở tuổi 35.
Cùng với đó, tác dụng phụ khi dùng iot phóng xạ cũng khiến tôi thường xuyên bị hạ canxi máu, huyết áp tăng cao liên tục. Buổi đêm, việc tôi khó thở và nhập viên gấp diễn ra như cơm bữa.
Năm 2018, kết quả chụp Pet/CT cho thấy tôi có hạch phổi 6 - 8 mm, hạch cổ hai bên, cơ thể không hấp thu thuốc.
Năm 2021, kết quả chụp MRI cho thấy tôi có thêm chứng viêm phổi kẽ. Điều đó khiến tôi khó thở thường xuyên hơn, thỉnh thoảng tôi còn có biểu hiện ngưng thở ngắn khi ngủ say.
Tôi vẫn sống chung với bệnh, tái khám định kỳ 3 tháng/lần. Ngoài tái khám, tôi uống hormone tuyến giáp cũng như bổ sung các loại thuốc hỗ trợ tăng sức đề kháng cho hệ miễn dịch khi các bệnh mới phát sinh như đau đầu Magerine, rối loạn tiền đình, hở van tim 2 lá (1/3) và 3 lá ( 2/3), đau khớp.
Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục làm việc để duy trì giá trị của bản thân, sinh hoạt, ăn uống bình thường, thư giãn bằng việc trồng cây, trồng hoa, chăm sóc gia đình, chấp nhận bệnh tật, biết ơn cơ thể mình, cứ thế yêu thương và mỉm cười, tham gia các hoạt động thiện nguyện và lạc quan vào cuộc sống. Chính tinh thần lạc quan đó đã giúp tôi kéo dài sự sống và quên đi mệt mỏi, đau đớn do bệnh tật gây ra.
Tháng 5/2022, thật kì diệu, sau 7 năm, tôi đi kiểm tra lại. Bác sĩ kiểm tra thăm khám, buồng trứng hai bên đã phục hồi và hoạt động tốt, nội tiết cũng hoạt động bình thường như người khỏe mạnh, chứng mất ngủ không còn, tôi lên cân và khoẻ khoắn hơn như một phép màu. Tôi không có dấu hiệu của mãn kinh hay tiền mãn kinh.
Tôi đang chờ thêm từng bộ phận khác ‘hồi sinh’, tôi hạnh phúc vô cùng, đây giống như sự hồi sinh kỳ diệu của cơ thể. Giống như đám cây bị cháy nhưng rễ còn bám sâu vào đất, theo thời gian, nhờ những cơn mưa tưới tắm, đã đâm chồi nảy lộc và tươi xanh trở lại.
Từ người lạ đến người thân ‘tiếp sức’
Trải qua 14 năm sống chung với bệnh, người cận kề với tôi nhất chắc là ông xã. Những ngày đầu tôi vào viện, chồng luôn động viên theo cách đặc biệt. Nhớ nhất lần đầu tiên vào Sài Gòn điều trị, ông xã có nhắn tôi một câu: "Chỉ có em mới cứu được em thôi…", tin nhắn ấy tôi vẫn giữ đến tận bây giờ và đó là động lực rất lớn giúp tôi vượt qua bệnh tật. Hoặc những lúc mệt mỏi do tác dụng phụ của thuốc, tôi sẽ nhìn ảnh con gái nhỏ để tiếp tục cố gắng.
Hay như những người xa lạ vô tình lướt qua, một cụ bà mắc ung thư tuyến giáp đã 20 năm mà vẫn sống khỏe, một bệnh nhân ngồi cùng ghế khi đi tái khám chia sẻ đã sống được 15 năm... họ đã giúp tôi có suy nghĩ khác về ung thư.
Ban đầu tôi chỉ mong sống được 5 năm, được nhìn con gái vào lớp 1, được dạy con tập viết, tập đọc. Nhưng trải qua 5 năm, tôi thấy mọi việc thật nhẹ nhàng, nên cứ an yên mà sống. Cứ vui vẻ, làm những điều tích cực thì bản thân sẽ nhận được những điều tích cực.
Tình yêu của gia đình, sự tận tâm của bác sĩ, lòng biết ơn cuộc đời và lối sống tích cực hoà mình vào thiên nhiên cây cỏ đã giúp tôi hồi sinh. Tôi không cố chiến đấu với bệnh mà sống ôn hoà với bệnh, như một phần của cuộc đời này, không thể mất đi.
Tạ ơn thượng đế đã giữ gìn tôi!
Năm năm đầu tiên, tôi điên cuồng với việc phải chữa khỏi bệnh. Nhưng qua thời gian ấy, tôi nghiệm ra rằng hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư này chẳng có hồi kết. Nó có thể tái phát và quay trở lại sau vài ba năm vui mừng khi quá trình điều trị tưởng chừng như đã yên ổn.
Chấp nhận hành trình sống chung với bệnh, chị Phượng năng nổ tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện hơn.
Tôi luôn cố gắng làm chủ được cảm xúc, trân trọng từng cảm xúc để nó trở nên tích cực không ngừng. Nếu không tự vượt qua được khó khăn của chính mình, làm sao người khác chấp nhận nó khi hoà nhập cuộc sống?
Đi qua rất nhiều giá lạnh, tôi vẫn muốn giữ đôi bàn tay mình thật ấm để ủ lấy tay người cần nắm. Càng nhiều thử thách mới biết, để hiểu và cảm thông cho người khác, chúng ta không chỉ cần nhìn bằng cặp mắt, nghe bằng đôi tai mà cần cả một trái tim nhân ái.
Dẫu sức lực chúng tôi không hoàn hảo nhưng chúng tôi, những bệnh nhân ung thư, chưa bao giờ để mình trở thành vô dụng. "Cuộc chiến" của mỗi chúng tôi dài, ngắn, diễn biến cũng khác nhau nhưng chúng tôi luôn hãnh diện vì bản thân đã trở thành "chiến binh" của chính cuộc đời mình!
Theo Mộc Trà
Trí Thức Trẻ