Người phụ nữ khiến vua Bảo Đại phải bãi bỏ cả hậu cung (P2)

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 22:02:32

Sự hiền từ, đức hạnh, nền nếp của phương Đông, cùng với tư tưởng tự do, cởi mở và đức tin phương Tây đã làm nên một sự dung hòa tưởng chừng không thể ở Nam Phương hoàng hậu.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Vượt qua sự khác biệt về văn hóa Đông Tây, Nam Phương hoàng hậu đã đi trước thời đại để đảm nhận trách nhiệm của một đệ nhất phu nhân nước Việt. Dù bà hành xử rất Tây, với phong cách uy nghiêm, quý phái; nhưng người ta vẫn có thể cảm nhận được ở bà đức hạnh, nền nếp và sự hiền từ của một người phụ nữ Đông phương…

Kỳ 1: Hương thơm của miền Nam

Như đã đề cập, có đặt mình vào địa vị của Nam Phương hoàng hậu thì mới thấy những khó khăn mà bà phải chịu đựng. Cái khó lớn lao nhất mà bà phải đương đầu chính là tín ngưỡng Công giáo của bà. Những chỉ dụ cấm đạo hồi nào mới chỉ vừa ráo mực, lòng người chưa ổn. Nam Phương hoàng hậu hẳn phải là người có cá tính, can đảm và có đức tin.

Người ta nói rằng Nam Phương hoàng hậu có tham vọng lớn khi cưới vua Bảo Đại, nhưng có lẽ chưa hẳn. Giả dụ là một người phụ nữ khác thì sao? Liệu có bỏ tất cả, làm tất cả và bằng bất cứ giá nào để được làm hoàng hậu hay không? Ấy vậy mà Nam Phương hoàng hậu không làm thế, bà không chỉ kiên định đối diện, kiên định là chính mình, mà cũng kiên định vượt qua.

Nam Phương hoàng hậu thời còn đi học. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Hiểu đến cội nguồn mới hiểu được nhân cách của Nam Phương hoàng hậu, cái cao quý của một nhân phẩm và cái trong sáng, ngay thẳng của một người phụ nữ có giáo dục. Chỉ về một điểm này thôi, bà đã là người đáng nể trọng.


Lịch sử cũng cho thấy những trường hợp trước đây của miền Nam, mà có lần vua Bảo Đại đã gọi là miền đất hứa, đã cống hiến cho triều Nguyễn những người con gái tài sắc vẹn toàn. Đầu tiên phải kể đến là bà Từ Dụ, vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức. Bà là tiêu biểu cho một lớp người phụ nữ đức hạnh, có học vấn, làm gương sáng cho mọi người trong triều đình. Tiếp theo đó là bà Hồ Thị Hoa, vợ đầu của vua Minh Mạng, là người đức tốt nhưng yểu mệnh. Cha chồng là Gia Long hoàng đế rất thương bà mà ra lệnh kiêng kỵ chữ Hoa trong tên bà. Nó đã trở thành câu một câu chuyện nổi tiếng, dẫn đến việc đổi tên hàng loạt của các địa danh trong nước, cho đến tận ngày nay. Và cuối cùng là Nam Phương hoàng hậu, một bông hoa đặc biệt mang “hương thơm của miền Nam”.

Người phụ nữ đầu tiên có Tây học trong triều đình. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Nam Phương hoàng hậu là người phụ nữ đầu tiên có Tây học trong triều đình. Mang theo nếp sống và nếp nghĩ phương Tây, bà trọng tinh thần tự do, trọng ý thức xã hội. Bà không phải là người chỉ quanh quẩn trong cung chờ được vua Bảo Đại chú ý đến. Bà tham dự vào tất cả: họp với quan bộ Lễ, nghị sự và tổ chức các buỗi lễ tế.

Ví như lễ Vạn Thọ khánh tiết mừng sinh nhật vua thời bấy giờ do bà tham gia cũng có những sự đổi mới. Trong khi ở điện Thái Hòa, mọi người có dịp bày tỏ lòng trung thành, đồng thời chúc thọ nhà vua; thì ở ngoài đường, các học sinh đi diễu hành, tay cầm cờ Long Tinh. Bên trong hoàng thành thì tổ chức các màn múa hát do các nữ học sinh trung học trình diễn và màn dâng hoa cho vua và hoàng hậu. Chỉ nhớ lại các buổi lễ với lề lối tổ chức, cho nữ sinh vào ca hát, dâng hoa, người ta đã hiểu những quyết định đổi mới đến từ đâu rồi.

Vua Bảo Đại, hoàng hậu cùng các thành viên trong hoàng gia An Nam viếng thăm điện Elysee tại Pháp. (Ảnh: Keystone-France, Gamma-Keystone, Getty Images, Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Hoàng hậu cũng là người phụ nữ đầu tiên ở nước Việt cùng vua tiếp khách ngoại quốc như Thống chế Tưởng Giới Thạch, Quốc trưởng Shianouk. Điều mà Nam Phương hoàng hậu đã làm từ thời đó bây giờ được người ta gọi là vai trò của đệ nhất phu nhân.

Nam Phương cũng là vị hoàng hậu đầu tiên xuất cung, tham gia các sinh hoạt xã hội, đi thăm các cô nhi viện, đi thăm trường nữ sinh Trung học Đồng Khánh tại Huế và Hà Nội…

Hoàng hậu viếng thăm ngôi trường trước đây bà theo học tại Pháp. (Ảnh: Roger Viollet Collection, Getty Images, Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Trong tập san Đồng Khánh có viết lại một kỷ niệm gặp gỡ hoàng hậu của một cô nữ sinh niên khóa 1937-1941 mang tên Nguyễn Thị Huyền như sau:

“Ngày bà Nam Phương đến thăm lớp, cô Thục Viên, giáo sư Pháp Văn vẫn đứng trên bục giảng chìa tay đứng bắt tay hoàng hậu và từ tốn trả lời các câu hỏi của hoàng hậu, không hề mất chủ động. Trong khi đó Nguyễn Tiến Lãng, người đi cùng hoàng hậu muốn tâu gửi gì với hoàng hậu đều quỳ xuống đất. Cô xin phép tiếp tục giảng. Hoàng hậu dự giảng và sau đó cho gọi học sinh giỏi Văn lớp là chị Nguyễn Thị Thứ lên thưởng cho một bức ảnh do hoàng hậu ký tên. Thái độ đường hoàng của cô đã gây cho chúng tôi một niềm tự hào chính đáng. Trong lúc ấy chúng tôi cũng thích vẻ đẹp dịu dàng Đông phương và thái độ bình tĩnh không có vẻ gì hách dịch của Nam Phương hoàng hậu.”

Giản dị hoá lễ nghi, giản dị trong giao tiếp giữa người trên với kẻ dưới, có tư tưởng phóng khoáng và ngay thẳng, Nam Phương hoàng hậu đã làm thay đổi bộ mặt của triều đình. Toàn quyền Decoux cũng hết lời khen ngợi bà là người phụ nữ đức hạnh, nền nếp, một sự tổng hợp của hai nền văn hoá đạo đức Đông Tây.

Nam Phương hoàng hậu cũng mang một nét gì đó rất Đông phương… (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Ngày chủ nhật, Nam Phương hoàng hậu đi lễ nhà thờ Phủ Cam như mọi người dân bình thường. Đó cũng là một chuyện lạ. Người phụ nữ theo Kitô giáo đầu tiên trong ngôi vị hoàng hậu của Việt Nam, và cũng là người phụ nữ cuối cùng với vai trò hoàng hậu, điều này ngày nay nghĩ lại cũng khó mà tưởng tượng được.

Mặc dù bởi vì đức tin của mình, bà đã không thể nào làm tròn trách nhiệm trong các nghi thức thờ cúng phương Đông, nhưng bà đã mang lại cho hoàng cung, và trên hết là mang lại cho người phụ nữ Việt Nam một cái gì đó mới mẻ.

Thăm La Mã. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)


Quang Minh tổng hợp


Tư liệu :

Tham khảo từ bài viết “Nam Phương hoàng hậu” của GS Nguyễn Văn Lục.

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook