Người phụ nữ Ê Đê và khát vọng làm giàu từ “nữ hoàng quả khô”
Không chỉ đưa hạt mắc ca ngày càng vươn xa, chị H’Bích Niê Kđăm còn là tấm gương sáng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê.
Bản lĩnh của người con Ê Đê
Vốn là một nhân viên văn phòng của một trường tiểu học nhưng thời gian qua, chị H’Bích Niê Kđăm (SN 1986, trú tại buôn Wiao A, thị trấn Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) không ngừng nghiên cứu, nỗ lực để đưa các sản phẩm mắc ca của quê hương ngày càng phát triển, vươn xa hơn.
Năm 2014, nhận thấy thổ nhưỡng của địa phương thích hợp để trồng, phát triển cây mắc ca, chị H’Bích và chồng mình là anh Nguyễn Bá Đạo (SN 1980) quyết định nhổ bỏ cây cà phê trên đất rẫy của gia đình để trồng 400 cây mắc ca. Chị cũng mua hạt mắc ca về tự ươm để bán cây giống cho người dân địa phương.
Với những kinh nghiệm học hỏi được từ sách báo và tại các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do huyện, thị trấn tổ chức, vợ chồng chị H’Bích nhiệt tình tư vấn các kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca cho bà con. Chị hy vọng rằng, mắc ca sẽ giúp cải thiện kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mắc ca là khái niệm xa lạ với nhiều người dân trên địa bàn huyện Krông Năng. Nhiều người không biết mắc ca là cây gì, càng không có kinh nghiệm trồng, chăm sóc loại cây trồng này. Hơn nữa, phải mất 7-8 năm sau khi trồng, cây mắc ca thực sinh (được ươm mầm từ hạt) mới cho trái. Người lo sợ cây mắc ca không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và trồng mắc ca không biết bán cho hay. Cũng vì lẽ đó, nhiều người đã chặt bỏ mắc ca sau nhiều năm trồng mà chưa kịp ra trái và chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như hồ tiêu, sa chi, sầu riêng...
Để gạt đi những lo lắng của bà con, năm 2015, chị H’Bích và chồng mình quyết định lập doanh nghiệp nhằm sản xuất cây giống mắc ca cung cấp cho người dân các tỉnh Tây Nguyên và thu mua trái mắc ca về nhập cho các vườn ươm. Khi tận mắt chứng kiến vườn cây mắc ca của gia đình chị H’Bích sinh trưởng tốt, sản lượng cao, người dân trên địa bàn huyện Krông Năng mới bắt đầu quan tâm và mua giống về trồng.
Với mong muốn giới thiệu các sản phẩm mắc ca đến với nhiều người dân trong và ngoài tỉnh, năm 2018, chị H’Bích mạnh dạn tham gia cuộc thi Khởi sự kinh doanh mùa 1 do tỉnh Đắk Lắk tổ chức và giành được giải khuyến khích. Từ đó, nhận thức về giá trị của hạt mắc ca đã được nhiều người nhận ra và lan tỏa trong cộng đồng.
Thất bại là sự khởi đầu của thành công
Thế nhưng, những khó khăn vẫn chưa dừng lại đối với người phụ nữ Ê Đê nhỏ nhắn này. Trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi, việc kinh doanh của vợ chồng chị H’Bích đi vào ngõ cụt. Mua hàng tấn quả mắc ca tươi về nhưng chị không tìm được tìm đầu ra. Không lâu sau đó, toàn bộ số hàng này đã bị hư hỏng do không có kỹ thuật bảo quản, chế biến, dẫn đến gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho gia đình chị.
Không nản lòng, chị H’Bích xem thất bại là động lực, cơ hội để bản thân ngày càng vươn lên. Khi đại dịch Covid-19 qua đi, năm 2022, vợ chồng chị H’Bích tiếp tục thu mua mắc ca. Lúc này, chị đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc và công nghệ sấy, tách vỏ mắc ca để chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ mắc ca. Chị cũng không ngừng nghiên cứu để phát triển nhiều sản phẩm mới từ hạt mắc ca như hạt mắc ca rang củi, sữa tươi hạt mắc ca, cà phê mắc ca... nhằm mang đến những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, vợ chồng chị H’Bích còn tìm đến các điểm khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để đặt gian hàng và giới thiệu các sản phẩm mắc ca đến với người dân, du khách trong, ngoài tỉnh. Khi đến gian hàng của chị H’Bích, du khách không chỉ được thưởng thức hạt mắc ca rang củi miễn phí mà còn được trải nghiệm quá trình chọn lựa và rang mắc ca thủ công ngay tại khu du lịch.
Thời gian qua, chị H'Bích nỗ lực không ngừng để giữ gìn, bảo tồn nghề nấu rượu cần truyền thống của người Ê Đê.
Chị H’Bích chia sẻ: “Quá trình rang củi giúp cho hạt mắc ca giòn, thơm, ngon hơn và không làm thay đổi chất dinh dưỡng của loại hạt này. Tuy nhiên, việc rang củi rất dễ khiến cho hạt mắc ca có nguy cơ cháy khét. Vì vậy, cần lựa chọn những hạt có kích thước lớn, đảo đều tay và rang từ 1-2kg/lần trong khoảng thời gian 30 phút”.
Với sự kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng, vợ chồng chị H’Bích đã gặt hái đạt được nhiều thành công. Các sản phẩm mắc ca, đặc biệt là mắc ca rang củi của chị không chỉ được bán cho khách hàng trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Thái Lan, Trung Quốc... qua đường tiểu ngạch. Mỗi tháng, gia đình chị bán ra thị trường từ 2-3 tấn mắc ca rang củi. Sau khi tất cả chi phí, vợ chồng chị thu về gần trăm triệu đồng/tháng.
Thành công trong lĩnh vực kinh doanh, chị H’Bích không quên gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Ê Đê. Chị nhận thấy, nhiều năm gần đây, các bạn trẻ mãi chạy đua với cuộc sống thị trường mà dần lãng quên nghề nấu rượu cần truyền thống của người Ê Đê. Trong khi đó, những người lớn tuổi biết nấu rượu cần chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Lo sợ nghề truyền thống của cha ông bị mai một, năm 2017, chị quyết định sang nhờ bà ngoại của mình truyền dạy cách nấu rượu cần.
Du khách ghé thăm gian hàng của chị H'Bích tại một khu du lịch trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột.
Sau nửa tháng kiên trì học hỏi, chị H’Bích cũng tự tay nấu được những ché rượu cần đầu tiên. Sau đó, mỗi năm, chị đều nấu hàng trăm ché rượu cần truyền thống từ gạo để phục vụ nhu cầu của người dân. Chưa dừng lại, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm nấu rượu cần truyền thống từ gạo, thời gian gần đây, chị H’Bích đã chế biến thêm loại rượu cần mang hương vị riêng từ hạt mắc ca. Việc kinh doanh rượu cần cũng giúp chị H’Bích đem lại lợi nhuận đáng kể, với 30-40 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, chị còn đặt may các trang phục thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê để cho người dân thuê mặc trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi... Qua đó, chị mong muốn góp phần khơi gợi, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến mọi người.
Nhiều lao động có công ăn việc làm ổn định nhờ việc phát triển các sản phẩm mắc ca của chị H'Bích.
Thành công của chị H’Bích không chỉ được đo bằng con số doanh thu ấn tượng, mà còn được thể hiện qua việc tạo ra công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương. Qua đó, không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân trong cộng đồng, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số theo đuổi ước mơ kinh doanh và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Ông Trần Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết, mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại hạt. Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Năng có 3.640ha cây mắc ca, với sản lượng 3.307 tấn/năm. Toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP thì mắc ca đã có đến 10 sản phẩm.
“Mắc ca là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít xảy ra dịch bệnh và rất phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Krông Năng. Hơn nữa, với công nghệ máy móc, khoa học kỹ thuật hiện nay, sau khi thu hoạch, quả mắc ca cũng dễ chế biến, bảo quản hơn một số loại trái cây khác. Cây mắc ca cũng góp phần tăng diện tích che phủ rừng trên địa bàn huyện.” – ông Sơn thông tin.
Theo Phó Chủ tịch Trần Sơn, cây mắc ca không những hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân mà còn có giá trị dinh dưỡng, chất lượng cao. Thời gian qua, không chỉ người tiêu dùng ở địa bàn khu vực Tây Nguyên mà người dân khắp cả nước đều biết đến mắc ca của huyện Krông Năng, thậm chí một số lượng lớn mắc ca đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Huyện Krông Năng xác định, mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay, người dân trên địa bàn đang có xu hướng mở rộng diện tích đối với cây trồng này. Tuy nhiên, huyện khuyến cáo, người dân cần căn cứ vào từng vùng, chất đất, khí hậu để trồng mắc ca cho phù hợp và mang lại hiệu quả.
Khánh Ngọc