Người phụ nữ cưu mang 5 hộ trong xóm dù mất trắng tài sản do lũ

Chia sẻ Facebook
05/10/2022 20:37:01

Tài sản, đồ đạc trong nhà đều nằm dưới bùn đất, thậm chí đến 6 tạ gạo cũng hư hỏng nghiêm trọng nhưng bà Lan vẫn giúp đỡ những hộ hàng xóm xung quanh vì thương họ rơi vào cảnh 'màn trời chiếu đất'.

Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hiện đang được xem là tâm lũ ở miền Trung. Dòng nước chảy xiết vào rạng sáng ngày 2/10 đã cuốn phăng tất cả. Để giờ đây, sau những ngày chạy lũ trở về, bà con chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong vì nhà cửa chẳng còn gì, đến cái ăn cũng phải lo lắng chật vật.

Nhà cửa bị hư hỏng nghiêm trọng do dòng nước lũ quá mạnh. (Ảnh: Thanh Niên)

Vietnamnet đăng tải, những ngày này ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mọi thứ trở nên ngổn ngang. Bùn đất ngập trên mặt đường, bàn ghế, đồ đạc của các hộ dân nằm rải rác khắp nơi. Mọi người chỉ biết cố gắng đi thu lượm, vớt vát được cái gì hay cái đó.

Lũ dâng cao, có nhà bị ngập đến tận nóc. (Ảnh: Thanh Niên)

Bà Lương Thị Lan (53 tuổi, trú tại bản) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời điểm trận lũ kinh hoàng đổ về. Theo lời bà, một lượng lớn đất đá cứ thế tràn ào ào xuống như thác khiến tất cả chỉ biết bỏ chạy lên đồi.

Ngày trở về, bà Lan xót xa khi thấy tài sản tích cóp bao năm đã ngập sâu dưới bùn đất. Từ xe máy, tủ lạnh, tivi,... đến hơn 6 tạ gạo vừa thu hoạch, tất cả đều mất trắng. Chẳng biết làm thế nào bà gọi con trai cùng khiêng các bao gạo ra sân, xúc bỏ vào rá để đãi. Thế nhưng do không còn nước sạch nên bà buộc phải dùng dòng nước đục đang chảy qua trước cửa nhà.

Ngâm nước 2 ngày nên gạo đã bị đổi màu. (Ảnh: Vietnamnet)


"Hai ngày ngâm nước, hạt gạo đã phủ một lớp bùn non màu vàng nhạt, dần lên men và bốc mùi chua” , bà vừa làm nói vừa nói. Dù đã cố gắng đãi cẩn thận nhưng gạo vẫn chẳng thể trắng lại như ban đầu. Nhìn mồ hôi công sức của mình tan thành mây khói, bà Lan lại thở dài lo lắng không biết những ngày sau, mấy miệng ăn trong nhà sẽ phải trông cậy vào đâu.

Bà Lan phải ngồi đãi gạo bằng dòng nước đục chảy qua trước nhà. (Ảnh: Vietnamnet)

Dù chẳng còn gì nhưng bà Lan vẫn dang rộng vòng tay giúp đỡ 5 hộ hàng xóm bị lũ cuốn trôi nhà, bao gồm hơn 30 người. Trước mắt, bà đón họ về nhà mình ở tạm, rồi thổi cơm cho mọi người ăn chung. Tuy nhiên, vì mất điện, mất nước nên cuộc sống vẫn vô cùng thiếu thốn.

Lực lượng chức năng hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: Nhân Dân)

Với suy nghĩ còn người là còn của, bà Lan và tất cả dân bản Hòa Sơn đều đang cố gắng mạnh mẽ, vượt qua khó khăn này để sớm ổn định cuộc sống.

Tài sản bị ngâm trong bùn đất. (Ảnh: Thanh Niên)

Nước lũ đã chia cắt đường đi lại. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)

Tuy nhiên theo thông tin mới nhất vào sáng ngày 5/10, ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, qua khảo sát nhận thấy dãy núi hình vòng cung ôm trọn bản Hòa Sơn đã bị đứt gãy. Nếu trời đổ mưa lớn như những ngày qua thì nguy cơ sạt lở là hoàn toàn có thể xảy ra. Từ đó, ông đề nghị bà con nên khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn.


“Nếu năm nay không sập xuống thì nhất định năm sau sẽ sụt toàn bộ. Thật sự bây giờ không còn an toàn chút nào, bắt buộc phải di dời càng sớm càng tốt", báo Vietnamnet dẫn lời ông Thò Bá Rê.

Sẽ phải mất khá nhiều thời gian để dọn dẹp mọi thứ trở về như ban đầu. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)

Thiệt hại về tài sản là không nhỏ. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)

Phòng còn hơn chống, hi vọng những lời cảnh báo này sẽ giúp bà con thêm phần cảnh giác để có phương án bảo vệ chính mình một cách tốt nhất.


Đón đọc các tin tức hấp dẫn tại YAN nhé!

Chỉ đến khi rơi vào tình cảnh ngặt nghèo chúng ta mới thấy được tình người vô cùng quý giá. Cũng giống như bà Lan, dù tài sản của cải bao năm làm lụng đã bị lũ làm hư hỏng nghiêm trọng nhưng bà vẫn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh. Có lẽ chính sức mạnh đoàn kết đó đã giúp bà con miền Trung luôn kiên cường, mạnh mẽ vượt qua thiên tai. Và những khó khăn sẽ chỉ càng giúp họ trở nên vững vàng hơn, chiến thắng nghịch cảnh.


Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook