Người phụ nữ bị suy thận cấp, tổn thương da nặng do tự ý dùng thuốc
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa điều trị ổn định cho một nữ bệnh nhân bị hội chứng Lyell nặng nề sau khi dùng thuốc.
Bệnh nhân T.T.H. (nữ, 47 tuổi, trú tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng sốt, viêm kết mạc hai mắt, miệng và vùng sinh dục trợt loét nhiều, nổi ban đỏ tím toàn thân có bọng nước. Bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém và đau rát nhiều vết loét.
Được biết, ở nhà bệnh nhân đau bụng, tự dùng thuốc sau đó xuất hiện các triệu chứng trên nên nhập viện.
Sau thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, làm xét nghiệm và hội chẩn các chuyên khoa, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử thượng bì (hội chứng Lyell) do dị ứng thuốc , suy thận cấp, viêm kết mạc hai mắt trên nền bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Da liễu chăm sóc và điều trị tích cực bằng các phương pháp phối hợp: sử dụng kháng sinh, truyền dịch, chăm sóc tại chỗ vùng mắt, niêm mạc miệng, sinh dục và vùng da trợt loét, cân bằng nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ…
Sau 3 tuần, tình trạng nhiễm độc da của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt, sức khỏe ổn định, các vùng da tổn thương dần khô, đóng vảy và lên da non, liền tốt.
BSCKI. Ninh Thị Hà, Trưởng Khoa Da liễu cho biết: Nguy hiểm với những trường hợp dị ứng thể Lyell nặng nề như bệnh nhân trên là những tổn thương da trợt rộng toàn thân, có thể gây nhiễm trùng dẫn đến bội nhiễm, tổn thương các cơ quan gan thận, mất nước điện giải… từ đó bệnh cảnh thêm nặng nề, cơ thể suy kiệt do đau đớn, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Để điều trị hội chứng này, bệnh nhân cần xác định được yếu tố gây dị ứng để ngừng sử dụng, tiếp xúc với loại dị nguyên đó ngay lập tức. Đồng thời, bệnh nhân cần được thăm khám đánh giá đúng tình trạng và điều trị kịp thời với phác đồ tối ưu nhất để tránh nguy cơ bội nhiễm kết hợp dinh dưỡng nâng cao thể trạng...
Hội chứng Lyell là bệnh nhiễm độc hoại tử thượng bì nghiêm trọng, gồm nhiều triệu chứng ở da, niêm mạc và nội tạng. Phần lớn nguyên nhân là do thuốc và đây là thể lâm sàng nặng nhất của dị ứng thuốc.
Bệnh xuất hiện đột ngột sau dùng thuốc từ một vài giờ, vài ngày, có khi tới 45 ngày. Khởi phát ban đầu là các mảng ban đỏ hơi nề, ngứa rát kèm theo mệt mỏi, sốt cao. Sau đó, tiến triển thành các bọng nước làm bong trợt hoại tử từng mảng lớn biểu bì như bị bỏng.
Những triệu chứng ở da còn xuất hiện cùng các biểu hiện khác như: viêm kết mạc, tổn thương niêm mạc miệng, sinh dục; viêm niêm mạc họng, hầu, thanh quản; xuất huyết tiêu hoá, rối loạn nước và điện giải... Bệnh lý này còn làm tổn thương nội tạng và các cơ quan khác: viêm phổi, viêm cầu thận, suy thận cấp, vàng da, nhiễm độc gan, có thể gây thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu... Bệnh có thể tiến triển rất nặng nề, người bệnh li bì, hôn mê, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Bất kỳ ai cũng có thể bị dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào. Đây là loại dị ứng thuốc chậm, nhiều trường hợp lần đầu sử dụng không bị dị ứng nhưng lại dị ứng ở thời điểm muộn hơn do những biến đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân chỉ nên uống thuốc khi bị bệnh, uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thành phần. Bên cạnh đó, người bệnh có tiền sử dị ứng thuốc cần nhớ tên, loại thuốc để thông báo cho bác sĩ trước khi được kê đơn.
Khi có các biểu hiện như: sốt, nổi ban, mụn nước toàn thân, đặc biệt vùng mắt, môi, hậu môn, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nhiễm trùng xảy ra.