Người Nhật: Không thích gọi tên ngày theo số, đặt 'biệt danh' sao cho thật lắt léo, văn hoa mới vừa ý
Nếu như trong tiếng Việt, các ngày trong tuần được gọi theo số thứ tự từ thứ Hai đến thứ Bảy, và ngày cuối tuần là Chủ nhật, thì ngôn ngữ của một số nước khác lại không như vậy. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến tên gọi các ngày trong tiếng Nhật.
Ý nghĩa tên gọi các ngày trong tuần
Chắc hẳn ấn tượng ban đầu của mọi người khi đọc tên các ngày trong tuần của tiếng Nhật là cảm giác hơi kỳ lạ. Theo hệ thống chữ viết Kanji của Nhật Bản, các ngày trong tuần đều có tên gọi viết bởi 3 ký tự. Ký tự đầu tiên trong tên của mỗi ngày là các chữ tượng trưng các lực lượng nguyên tố tự nhiên như lửa, gỗ, nước, đất, kim loại (ngũ hành).
Trong khi đó, ký tự cuối cùng là một ký tự cố định, và cũng giống nhau ở tất cả các ngày. Đó chính là từ "nhật" trong tiếng Hán tự, trong tiếng Nhật được phát âm là ‘bi', có nghĩa là mặt trời hoặc ngày.
Khi kết hợp ký tự đứng giữa và cuối với nhau sẽ tạo ra từ “diệu nhật", cũng chính là cụm từ cố định có nghĩa là ngày trong tuần.
Tuy nhiên, chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta hiểu được cái tên của các ngày trong tuần nằm ở kí tự đứng giữa, cũng chính là từ "diệu". Trong Kanji, từ này có nghĩa là ‘hành tinh'. Trong khi đó, Mặt trời, Mặt trăng và 5 hành tinh còn lại được người Trung Quốc cổ đại gọi là "thất diệu", tức là bảy hành tinh, và cũng là nguồn gốc của từ shichi-yō đại diện cho các ngày trong tuần được dùng trong tiếng Nhật.
Tất nhiên, Mặt trời và Mặt trăng chỉ là "hành tinh" theo quan niệm của người xưa. Nói cho đúng, Mặt trời là một ngôi sao còn Mặt trăng là vệ tinh.
Hai ngày đầu tiên trong tuần, tức Chủ nhật và thứ Hai có ý nghĩa khá đơn giản, vì chúng được đặt tên lần lượt theo Mặt trời và Mặt trăng. Điều hay ho hơn cả nằm ở 5 ngày còn lại. Và để hiểu được điều đó, chúng ta cần phải liên hệ với thuyết ‘Ngũ hành' của người Trung Quốc.
Ngũ hành là khởi đầu của một hệ thống gồm 5 yếu tố cơ bản để cấu tạo nên vạn vật trên cả vũ trụ này, đó là: Mộc, Kim, Thuỷ, Hoả và Thổ. Mỗi yếu tố này sẽ tương đương với một trong các hướng, một màu sắc, một mùa của thiên nhiên, một "hành tinh" và cũng là một nốt nhạc trong thang âm ngũ cung.
Nhìn chung, thứ tự của các ngày trong tiếng Nhật từ Chủ nhật đến thứ Hai sẽ lần lượt là ngày Mặt trời, ngày Mặt trăng, ngày Hoả (lửa), ngày Thuỷ (nước), ngày Mộc (gỗ), ngày Kim (vàng) và ngày Thổ (đất).
Nguồn gốc đằng sau những cái tên đặc biệt
Sau khi đã nghe qua tên của những ngày trong tuần của tiếng Nhật, hẳn ai cũng sẽ có cùng một câu hỏi: Liệu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa "thất diệu" trong tiếng Nhật và bảy hành tinh của thời cổ đại phương Tây hay không, hay đó thuần tuý là dựa trên thuyết Ngũ hành?
Câu trả lời đó là: Có. Chu kỳ một tuần có 7 ngày dường như có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà cổ đại hoặc Ai Cập, tuy nhiên, tác giả của những cái tên cho các ngày trong tuần vẫn chưa được xác định chính xác. Theo một giả thuyết được nhiều người tin tưởng, cách đặt tên này có thể xuất phát từ người Hy Lạp, sau đó được truyền lại cho người La Mã.
Cách đặt tên này về sau cũng được tìm thấy ở Ấn Độ và sau đó là Trung Quốc. Trong một từ điển bách khoa của Trung Quốc có viết rằng: Phương pháp ghi tên ngày dựa trên "thất diệu" được người La Mã sử dụng vào thế kỷ 1 sau Công Nguyên, sau đó được truyền sang các nước khác.
Bách khoa toàn thư này đồng thời cũng chỉ ra cách đặt tên này được truyền bá vào Trung Quốc theo hai con đường. Đầu tiên, nó có thể được truyền lại bởi Phạm Ninh, một học giả sống từ năm 339 - 401 sau Công Nguyên. Theo hướng này, "thất diệu" được sắp xếp theo thứ tự giống như tên các hành tinh của Ấn Độ chứ không phải theo thuyết Ngũ Hành.
Con đường thứ hai được cho là vào thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Giáo Trung Quốc tên Nghĩa Tịnh và nhà sư người Trung Á tên Bất Không đã đề cập đến chu kỳ 7 ngày trong tuần cùng với tên gọi dựa trên các hành tinh trong những cuốn sách của mình, và cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Mặc dù có một số giả thuyết về con đường truyền bá vào Trung Quốc, nhưng đối với Nhật Bản, con đường thứ hai được xác định là nguồn gốc trực tiếp. Cụ thể, vào năm 806, nhà sư nổi tiếng Nhật Bản Kobo Daishi đã mang tác phẩm của nhà sư Bất Không trở lại Nhật cùng với những quyển kinh Phật khác.
Các nhà thiên văn học người Nhật rất quan tâm đến công trình nghiên cứu của nhà sư này, vì vậy họ đã quyết định lấy cơ sở này để đặt tên cho các ngày trong tuần theo ngôn ngữ của mình.
Hệ thống tên gọi này đã được chính thức áp dụng vào năm 1876, sau đó dần dần được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản cho đến tận ngày hôm nay.
Tương tự như Nhật Bản, tên gọi các ngày trong phương Tây cũng có nguồn gốc từ các hành tinh, nhưng thay vì dùng hẳn tên của chúng, thì người La Mã cổ đại lại dùng tên của các vị thần tượng trưng cho những hành tinh đó.
Giống như trong tiếng Nhật, ngày thứ Hai và ngày Chủ nhật trong tiếng Anh cũng được gọi lần lượt là ngày Mặt trăng và ngày Mặt trời. Các ngày từ thứ Ba đến thứ Bảy lần lượt được đặt tên theo các vị thần: thần chiến tranh Týr, thần Odin, thần sấm sét Thor, nữ thần Fríge, và thần mùa vụ Saturn.
Nhìn chung, có nhiều nét tương đồng giữa tên gọi các ngày trong tuần của Nhật Bản và các nước phương Tây, tuy nhiên mỗi nơi đều có những nét độc đáo riêng dựa trên văn hoá của mỗi quốc gia.